Giá thức ăn chăn nuôi cao do chiết khấu 'hoa hồng' lớn

07/01/2016 05:42

Dù kết quả kiểm tra tại doanh nghiệp không phát hiện chất cấm và tình trạng thao túng giá nhưng hiện tượng chiết khấu “hoa hồng” quá lớn, dẫn tới giá bán thức ăn chăn nuôi bị đẩy lên cao.

Bộ NN&PTNT vừa tổ chức họp báo công bố kết quả của đoàn thanh tra liên ngành (gồm Tổng cục Thủy sản, đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT) đã kiểm tra 7 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: VGP/Đỗ Hương.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: VGP/Đỗ Hương.

7 doanh nghiệp trong danh sách kiểm tra gồm: Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Uni-President Việt Nam, Công ty TNHH Grobest Việt Nam, Công ty TNHH Cargii Việt Nam, Công ty TNHH TongWei Việt Nam, Công ty TNHH Guyomarc'h Việt Nam và Công ty TNHH Khoa kỹ sinh vật Thăng Long.

Nội dung kiểm tra tập trung vào vấn đề chất lượng TACN; kiểm tra hiện tượng “bắt tay” nhau thao túng giá thức ăn chăn nuôi; kiểm tra tình trạng chuyển giá, gửi giá về công ty mẹ để báo lỗ…

Kết quả kiểm tra không phát hiện chất cấm và tình trạng thao túng giá nhưng hiện tượng chiết khấu “hoa hồng” quá lớn, chiếm 20-30%, dẫn tới giá bán TACN bị đẩy lên cao.

Ông Điền cho biết có đại lý mỗi năm chỉ bán vài chục tấn TACN mà được doanh nghiệp sản xuất tặng ô tô cả tỉ đồng.

"Trước thực trạng này, Tổng cục Thủy sản đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ liên quan kiểm tra việc chuyển giá. Bên Công an thì làm rõ có việc lập công ty mẹ - công ty con để chuyển giá hay không. Tổng cục Thủy sản chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng. Đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra kỹ hơn việc tiền chiết khấu, tiền ‘hoa hồng’ lên tới 20-30% đã đẩy giá thức ăn tăng lên, ảnh hưởng tới người chăn nuôi”, ông Điền nhấn mạnh.

Trong 15 năm qua đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới tham gia sản xuất TACN và thủy sản như các doanh nghiệp FDI đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan (Công ty CP), Đài Loan (Grobest, Uni President, Dinh dưỡng Á Châu...), Trung Quốc (Thăng Long, Tongwei, Hoa Chen...), Hàn Quốc (CJ Master...), Pháp (Tomboy, Proconco...), Mỹ (Cargill...). Các doanh nghiệp này ngày càng lớn mạnh và chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Riêng đối với thức ăn cho tôm, 3 doanh nghiệp FDI là Grobest, Uni President, CP đã chiếm hơn 80% thị phần, với sản lượng hàng năm của 3 doanh nghiệp này trên 600.000 tấn.

Theo chinhphu.vn

TIN LIÊN QUAN