Đưa Nghĩa Đàn trở thành trung tâm kinh tế vùng

31/12/2015 14:33

(Baonghean) - Từ ngàn xưa, vùng đất Nghĩa Đàn đã là một trong những cái "nôi" của người Việt cổ. Trong sự tiếp biến của lịch sử, cùng với người bản địa, trên địa bàn Nghĩa Đàn xuất hiện thêm các cộng đồng cư dân mới, trong đó đáng kể nhất là đồng bào dân tộc Thổ, Thái di cư từ các địa phương khác đến và người Kinh từ miền xuôi lên sinh sống, lập nghiệp.

Lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn thăm quan dây chuyền sản xuất gỗ thanh tại Nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn.
Lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn tham quan dây chuyền sản xuất gỗ thanh tại Nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn.

Từ đây, các thế hệ người Thái, người Thổ, người Kinh chung sống trong sự cố kết cộng đồng hòa thuận, cùng nhau hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, thủy chung, cần cù, sáng tạo và tạo nên bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng của người dân Nghĩa Đàn.

Trải qua nhiều triều đại trong lịch sử dân tộc, đến năm Minh Mệnh thứ 21 (tức năm 1840), tổ chức hành chính Nghệ An được sắp xếp lại. Theo đó, huyện Nghĩa Đường được thành lập trên cơ sở tách ra từ phủ Quỳ Châu. Đến năm 1885, triều đình nhà Nguyễn đổi tên huyện Nghĩa Đường thành huyện Nghĩa Đàn cho đến nay. Trong suốt 130 năm qua, Nghĩa Đàn phát triển và lớn mạnh không ngừng, đóng góp và giữ vai trò, vị trí quan trọng của vùng Tây Bắc nói riêng và của tỉnh Nghệ An nói chung.

Một sự kiện quan trọng của Nghĩa Đàn là tháng 10/1930, tại hang Rú Ấm, xã Thọ Lộc (nay thuộc xã Nghĩa Đức), đồng chí Võ Nguyên Hiến - cán bộ của Tỉnh ủy (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) đã tổ chức cuộc họp bàn thành lập chi bộ đảng gồm 5 đảng viên của 2 xã Thọ Lộc và Cự Lâm. Đây là một trong những chi bộ đảng được thành lập đầu tiên ở các huyện miền núi Nghệ An. Ngay sau khi thành lập, chi bộ và sau này là đảng bộ (được thành lập tháng 4/1931) đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh trong các cao trào cách mạng, đóng góp vào sự nghiệp thắng lợi chung, đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một góc cụm trang trại số 1 thuộc tập đoàn sữa TH.
Một góc cụm trang trại số 1 thuộc tập đoàn sữa TH.

Nghĩa Đàn được Trung ương và tỉnh Nghệ An xác định là huyện có vị trí chiến lược quan trọng khi bước vào thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc và là hậu phương lớn cùng tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ. Nhiều nông trường, nhà máy được thành lập ở Nghĩa Đàn, trở thành mô hình sản xuất tiên tiến, khai phá và khơi dậy tiềm năng của vùng đất đỏ bazan, tạo ra hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu và chi viện cho miền Nam. Cán bộ, đảng viên Nghĩa Đàn đã làm nòng cốt trong mọi phong trào sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã có 1.602 người con của Nghĩa Đàn anh dũng hy sinh, có 1.978 thương binh, bệnh binh để lại một phần xương máu trên các chiến trường và nhiều người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Ghi nhận những thành tích và đóng góp to lớn, năm 1996, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" cho nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Nghĩa Đàn.

Từ khi thành lập đến nay, bản đồ Nghĩa Đàn đã nhiều lần được điều chỉnh. Ngày 19/4/1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 52/CP cắt 10 xã của huyện Nghĩa Đàn để thành lập huyện Tân Kỳ và 3 xã cho huyện Quỳ Hợp. Năm 1995, thực hiện Nghị định 83/CP ngày 25/11/1995 của Chính phủ, Nghĩa Đàn thành lập thêm 8 xã mới từ 5 thị trấn nông trường quốc doanh. Năm 2008, huyện Nghĩa Đàn tiếp tục chia tách địa giới hành chính để thành lập thị xã Thái Hòa. Đến nay, huyện Nghĩa Đàn có 25 xã, thị trấn.

Khu hành chính huyện Nghĩa Đàn.
Khu hành chính huyện Nghĩa Đàn.

Sau khi chia tách, Nghĩa Đàn đầy khó khăn, thách thức bởi gần như trở lại điểm xuất phát của một huyện miền núi nghèo. Sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, CN - TTCN và thương mại - dịch vụ còn sơ khai, cơ sở hạ tầng thấp kém, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống nhân dân nhìn chung còn thấp.

Trong muôn vàn khó khăn đó, Nghĩa Đàn đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ có hiệu quả từ các cơ quan Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND và các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Cùng với đó là sự quyết tâm lớn, tích cực, chủ động trong lựa chọn, xác định hướng đi đúng của cấp ủy, chính quyền; sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó của cán bộ, đảng viên, Nghĩa Đàn đã tạo dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra. Đảng bộ huyện đạt danh hiệu “Vững mạnh” suốt nhiệm kỳ. Với việc hình thành nên một trung tâm phát triển mới của vùng Tây Bắc Nghệ An, là cơ sở để Nghĩa Đàn được Bộ Chính trị xác định lựa chọn xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong những năm tới.

Những thành tích và kết quả to lớn mà Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Đàn đạt được trong những năm qua được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc nhất trong 5 năm và nhiều phần.

Vi Văn Định

(Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn)

TIN LIÊN QUAN