Nghệ An: Gần 170 ha lúa xuân bị nhiễm bệnh đạo ôn

29/03/2016 15:33

(Baonghean.vn) - Lúa xuân đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, thời tiết có độ ẩm cao, là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển.

Đến nay diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn trên địa bàn Nghệ An là 168,4 ha, tại các huyện Hưng Nguyên, Thành phố Vinh, Thanh Chương, Nghi Lộc... Bệnh đạo ôn xuất hiện trên các giống lúa cũ như: Xi23, AC5, NX30, P6, NA2, IR 1820. Hiện tại, bà con nông dân đã mua thuốc phun được gần 60 ha lúa nhiễm bệnh tỷ lệ từ 20 - 40%.

Biểu hiện của bệnh đạo ôn trên lá lúa.
Biểu hiện của bệnh đạo ôn trên lá lúa.

Nhiều nhất là tại huyện Hưng Nguyên, ngày 17/3 mới có 33,8 ha, thì nay đã phát triển lên 75,7 ha. Trong đó hơn 30 ha tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, chưa phải phun thuốc. Đến thời điểm này, bà con nông dân đã phun được hơn 40 ha, tình hình bệnh đạo ôn trên địa bàn Hưng Nguyên đã được khống chế.

Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời tiết hiện nay có sương mù về sáng và chiều tối, tạo cho độ ẩm cao, cùng với lúa xuân đang phát triển tốt sau khi bà con bón thúc phân, chăm sóc, tạo thuận lợi cho bệnh đạo ôn lây lan phát triển mạnh trên diện rộng.

Do vậy, cơ quan chức năng tại các địa phương chủ động thăm đồng, làm tốt công tác dự tính, dự báo, kịp thời tuyên truyền cho bà con nông dân phun thuốc với phương châm "4 đúng".

Lão nông Thái Ngô Hồng, xóm 6, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên phun thuốc BVTV cho thửa ruộng cấy giống lúa AC5, mới nhiệm bệnh đạo ôn.
Lão nông Thái Ngô Hồng, xóm 6, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên phun thuốc BVTV cho thửa ruộng cấy giống lúa AC5, mới nhiễm bệnh đạo ôn.

Theo khuyến cáo của Chi Cục Bảo vệ thực vật, trên những diện tích lúa đã nhiễm bệnh, điều kiện thời tiết đang thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, cần dừng bón phân hóa học, kích thích sinh trưởng, giữ đủ nước trên ruộng từ 2 - 3 cm và tiến hành phòng trừ bằng các loại thuốc có hoạt chất đặc hiệu như: Tricyclazole (Beam 75WP, Kabim, Filia 525SE, Bankan 600WP, Vía 72,5WP); Fenoxanil (Katana 20SC, Ninja 35 EC…). Nếu tiếp tục phát sinh sau khi phun lần 1, thì cần phun lại lần 2 sau 5 – 7 ngày, khi bệnh ngưng phát triển mới tiến hành chăm bón trở lại.

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN