Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế rừng ở Tương Dương

04/03/2016 12:17

(Baonghean) - Báo Nghệ An có cuộc đối thoại với đồng chí Phạm Trọng Hoàng - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Tương Dương về định hướng phát triển kinh tế rừng trên địa bàn.

P.V: Đề nghị đồng chí cho biết rõ kinh tế rừng có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong tổng thể cơ cấu kinh tế của huyện?

Đồng chí Phạm Trọng Hoàng: Tương Dương là huyện miền núi cao, diện tích tự nhiên trên 280.740 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm gần 250.000 ha (diện tích quy hoạch rừng đặc dụng 39.530,8 ha, rừng phòng hộ 93.546,8 ha, rừng sản xuất 115.999,3 ha). Phần lớn diện tích tự nhiên là đồi, núi độ dốc lớn; diện tích ruộng sản xuất ổn định 2 vụ của toàn huyện chỉ khoảng 650 ha.

Lãnh đạo huyện Tương Dương trao đổi với ông Kha Văn Bình, bản Tân Hợp(Tam Thái) điển hình về trồng rừng kết hợp trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao
Lãnh đạo huyện Tương Dương trao đổi với ông Kha Văn Bình, bản Tân Hợp(Tam Thái) điển hình về trồng rừng kết hợp trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao

Từ đặc điểm, điều kiện tự nhiên như vậy, nên nhiều năm qua, nhất là những nhiệm kỳ gần đây huyện đều xác định, phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi là hướng phát triển trọng điểm, bền vững, lâu dài của địa phương. Nhiệm kỳ trước, Tương Dương đã ban hành Nghị quyết số 02- NQ/HU về phát triển việc trồng rừng và chăn nuôi giai đoạn 2010-2015, nhiệm kỳ này trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, Đảng bộ huyện Tương Dương tiếp tục ban hành Đề án về phát triển trồng rừng.

Hiện nay, nếu nhìn vào tổng giá trị sản xuất hàng năm của huyện thì kinh tế nông, lâm nghiệp và kinh tế rừng chiếm tỷ trọng chưa lớn, nhưng trên thực tế thu nhập và đời sống của người dân chủ yếu dựa vào khu vực sản xuất này. Về tổng thể, phát triển kinh tế rừng không chỉ đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế mà còn có ý nghĩa tác động lớn đối với xã hội, môi trường và một số lĩnh vực khác.

Thứ nhất, đây là hướng phát triển tận dụng được các lợi thế, thế mạnh tự nhiên, đồng thời là hướng phát triển căn cơ, bền vững, lâu dài; góp phần nâng thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững, thậm chí nhiều hộ có thể vươn lên làm giàu từ phát triển kinh tế rừng hoặc kinh tế rừng kết hợp với chăn nuôi và một số ngành nghề khác.

Thứ hai, phát triển kinh tế rừng sẽ giải quyết được nhiều việc làm ổn định cho các hộ gia đình và lao động dịch vụ trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác rừng nguyên liệu, gỗ dân dụng góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân (theo một khảo sát gần đây, huyện có 74,8% lực lượng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp; khoảng 2.300 người chưa có việc làm và hơn 10.000 lao động thiếu việc làm). Đồng thời cũng góp phần giảm thiểu các vấn đề bức xúc đang đặt ra trên địa bàn như: di cư tự do, khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép, tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy,...

Nghị quyết về phát triển rừng kết hợp chăn nuôi của Tương Dương nhanh đi vào cuộc sống
Nghị quyết về phát triển rừng kết hợp chăn nuôi của Tương Dương nhanh đi vào cuộc sống

Thứ ba, phát triển kinh tế rừng, khai thác và sử dụng có hiệu quả đất rừng sẽ góp phần tích cực tăng độ che phủ (từ 62,6% năm 2015 lên 75%, vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội XXVI của Đảng bộ huyện), bảo vệ môi trường, cảnh quan; giảm thiểu tác động tiêu cực lên rừng tự nhiên. Góp phần tăng khả năng cung cấp nguồn nước cho sông suối và hồ đập, chống xói mòn, rửa trôi đất, che bóng cho cây con, ổn định môi trường sinh thái tiểu vùng khí hậu.

P.V: Để thực hiện mục tiêu đề ra giai đoạn 2016 - 2020 trồng 4.000 ha rừng, Tương Dương sẽ cụ thể hóa bằng các giải pháp, cơ chế, chính sách nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Trọng Hoàng: Hiện nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đang chỉ đạo xây dựng đề án trồng rừng giai đoạn 2016 - 2020. Theo chương trình công tác, cuối tháng 3/2016 tới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện sẽ thảo luận và thông qua đề án, xác định các mục tiêu, giải pháp cơ chế, chính sách cụ thể. Trong đó sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp:

- Tập trung tuyên truyền, vận động để mỗi người dân thấy được ý nghĩa, tác dụng của việc phát triển kinh tế rừng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường nói chung và việc nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế của hộ gia đình nói riêng. Từ đó tích cực tham gia vào việc trồng rừng, phát triển kinh tế rừng theo quy hoạch và định hướng của huyện.

- Tổ chức tốt các hoạt động khuyến lâm, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng, khoanh nuôi bảo vệ và khai thác hợp lý, đúng quy định pháp luật các nguồn lợi từ rừng. Tổ chức hội thảo, tham quan các mô hình trình diễn phù hợp với địa phương để học tập rút kinh nghiệm. Giúp người tham gia trồng rừng nắm bắt được các quy trình kỹ thuật và thực hiện có hiệu quả.

- Triển khai đồng bộ các chính sách về vốn hỗ trợ để trồng rừng và phát triển kinh tế rừng, bao gồm: vốn từ các chương trình của ngân sách nhà nước, vốn vay ưu đãi, vốn ngân sách huyện; vốn của chủ rừng, hộ gia đình và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Và một số chính sách khác, như chính sách đất đai (đẩy nhanh việc giao đất); chính sách về hỗ trợ phát triển thủy lợi; xây dựng hệ thống đường nguyên liệu; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm...

Rừng săng lẻ ở Tương Dương đã trở thành điểm du lịch lên miền Tây hấp dẫn
Rừng săng lẻ ở Tương Dương đã trở thành điểm du lịch lên miền Tây hấp dẫn

P.V: Rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước về công tác trồng rừng trên địa bàn như đã gặp khó khăn trong công tác thu mua, bao tiêu sản phẩm. Về vấn đề này, Tương Dương đã xem xét, tính toán về thị trường tiêu thụ, cơ cấu loại cây trồng và hạ tầng vùng nguyên liệu chưa, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Trọng Hoàng: Về cơ cấu cây trồng, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội cũng như các quy hoạch ngành giai đoạn 2015 - 2020 đã xác định phát triển các loại cây chủ lực phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại Tương Dương và thị trường có nhu cầu lớn, như: mét, xoan, lát hoa, keo, mây và cây dược liệu. Trên cơ sở diện tích đã trồng nhiều năm qua, rà soát diện tích đất còn lại, tiếp tục quy hoạch để phát triển hợp lý các loại cây nguyên liệu ở từng khu vực. Tùy theo khu vực, có thể trồng thuần một loài hoặc trồng xen hỗn loài và phát triển một số sản phẩm khác dưới tán cây để tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích.

- Về hạ tầng vùng nguyên liệu, quan trọng nhất là phát triển hệ thống giao thông. Hiện nay, thuận lợi là hệ thống giao thông chính đã được kết nối với các huyện trong khu vực và các xã. Các xã vùng phía Nam và Tây Nam của huyện đã kết nối dễ dàng với Quốc lộ 7, các xã phía Đông Bắc đã kết nối thuận lợi sang huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn qua đường 48C, các xã phía Bắc (vùng trên) đã kết nối dễ dàng đến huyện Quế Phong qua đường Tây Nghệ An. Hệ thống đường nhánh vào các khu vực nguyên liệu tiếp tục thực hiện từng bước gắn với phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Hệ thống điện, thủy lợi cũng sẽ triển khai theo phân kỳ gắn với quá trình phát triển các vùng nguyên liệu.

- Về thị trường tiêu thụ, chúng ta biết rằng, hiện tại trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có một số nhà máy chế biến gỗ thanh và ván sợi công nghệ MDF, nhà máy bột giấy, than sạch mà nhu cầu sử dụng nguyên liệu gỗ từ rừng trồng rất lớn. Ngoài ra, một số loại gỗ rừng trồng như: mét, xoan, lát hoa hoặc sản phẩm từ rừng như cây mây,... rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thu mua thường xuyên để phục vụ cho việc xây dựng dân dụng, trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ. Do vậy, có thể nói rằng thời điểm này không lo về đầu ra của sản phẩm rừng trồng. Tuy nhiên, trong đề án chúng tôi sẽ đặc biệt quan tâm tới các giải pháp giải quyết đầu ra cho sản phẩm từ kinh tế rừng, nhất là việc chủ động liên hệ và có cam kết với các doanh nghiệp về việc bao tiêu các sản phẩm từ rừng trồng một cách lâu dài, bền vững, kể cả việc tranh thủ tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn ban đầu từ các doanh nghiệp cho việc phát triển kinh tế rừng.

Như vậy, với việc đề án được xây dựng trên cơ sở những điều kiện tiềm năng, lợi thế và sự rà soát, phân tích nhu cầu thực tế của thị trường, có cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng thì tin rằng đề án trồng rừng nguyên liệu sẽ tạo được bước phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn huyện Tương Dương.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Hữu Nghĩa (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN