Tân Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Nhiệt huyết và trách nhiệm
(Baonghean.vn)- Trước khi giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An từ năm 2013 - 2016, đồng chí Hồ Đức Phớc từng đảm nhận các nhiệm vụ lãnh đạo chính quyền như Chủ tịch UBND Thị xã Cửa Lò (2004 - 2007); Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An (2007 - 2013). Ở mỗi vị trí, đồng chí Hồ Đức Phớc đều để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà...
Đánh thức tiềm năng thị xã biển Cửa Lò
Nếu như ông Phạm Văn Thìn - nguyên Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò được xem là kiến trúc sư của thị xã biển này, thì đồng chí Hồ Đức Phớc là người đánh thức tiềm năng của thị xã với tầm nhìn mang tính chiến lược. Trong quá trình làm Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò từ năm 2004 - 2007, đồng chí Hồ Đức Phớc đã xác định “phải xây dựng Cửa Lò trở thành đô thị du lịch biển xanh, sạch, đẹp, thân thiện”.
Đồng chí đã cùng với Ban Thường vụ Thị ủy Cửa Lò đề ra chủ trương du lịch “5 không” gồm: Không nâng ép giá; Không chèo kéo đeo bám khách; Không tẩm quất, bán hàng rong; Không làm tổn hại môi trường; Không làm mất an ninh trật tự. Chủ trương này đã trở thành kim chỉ nam cho phát triển du lịch Cửa Lò, trở thành một điểm đến hấp dẫn, thân thiện...
Đồng chí Hồ Đức Phớc chào mừng ngài đại sứ Newzeland đến thăm và làm việc tại Nghệ An. Ảnh: N.Khoa |
Năm 2015, Cửa lò đã đón 2,5 triệu lượt khách, trong đó có 1,4 triệu khách lưu trú, 5.700 khách nước ngoài; doanh thu trong du lịch đạt 2.620 tỷ đồng.
Trên cương vị Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, đồng chí Hồ Đức Phớc đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện quy hoạch lại hệ thống khách sạn, đưa toàn bộ khách sạn, nhà nghỉ từ bãi biển vào trong đường Bình Minh, trả lại không gian cho bãi tắm; quy hoạch và xây dựng hàng loạt hệ thống đường giao thông ngang dọc, cả khu nội thị và khu dân cư, tạo nên mạng lưới giao thông cơ bản đáp ứng phát triển kinh tế, du lịch và nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách như hệ thống kè chắn sóng, quảng trường, nhà thi đấu thể thao, đường 3, đường Bình Minh...
Hệ thống hạ tầng xã hội được đầu tư như các trường học, chợ, trạm y tế, hệ thống khách sạn, nhà hàng, chùa đảo Ngư,...
Đồng chí Hồ Đức Phớc trồng cây lưu niệm tại khuôn viên nhà văn hóa khối Hiếu Hạp, Phường Nghi Thu, Thị xã Cửa Lò. |
Đồng chí để lại ấn tượng về một người lãnh đạo gần dân, luôn quan tâm đến vấn đề an ninh xã hội, xóa đói giảm nghèo; thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết việc làm. Đồng chí đã đưa các mô hình kinh tế vào cho nhân dân để giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người dân như kinh doanh du lịch, ốt biển, trồng nấm, mô hình rau sạch, chăn nuôi, cá lồng.
Cùng với đó huy động nhân dân, doanh nghiệp hưởng ứng phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo không có khả năng làm nhà. Cửa Lò trở thành địa phương đi đầu trong phong trào xóa nhà tranh tre dột nát.
Đồng chí Hồ Đức Phớc là người có công lớn trong việc đánh thức Thị xã biển Cửa Lò. |
Những nỗ lực trong cương vị của mình, đồng chí Hồ Đức Phớc đã góp phần quan trọng đưa tỷ lệ hộ nghèo của thị xã Cửa Lò từ 47 % xuống còn 3%... Những đóng góp trên nhiều lĩnh vực của đồng chí đã thực sự tạo tiền đề cho sự phát triển thị xã trở thành một đô thị du lịch biển tầm cỡ, là điểm đến luôn được đông đảo du khách muôn phương lựa chọn.
Dấu ấn trong một giai đoạn phát triển đột phá của Nghệ An
Thời gian đồng chí Hồ Đức Phớc giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh, rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (2007 - 2013); đặc biệt, khoảng thời gian 3 năm 1 tháng đồng chí giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy (từ 2013 đến nay) cũng là giai đoạn phát triển đột phá của Nghệ An trên mọi phương diện. Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng của tỉnh trong năm 2015 đạt 7,43% (tính theo phương pháp mới), cao hơn mức trung bình của cả nước (6,5%) và tăng mạnh so với các năm 2012, 2013, 2014.
Trong thời gian ngắn, Nghệ An đưa 5 công trình cầu vượt vào sử dụng. |
Đạt được con số ấn tượng này, phải kể đến sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Hồ Đức Phớc, trong những năm vừa qua, Nghệ An đã hoàn thành một loạt công trình trọng điểm, có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà như: Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, cơ bản thông tuyến đoạn Quốc lộ 1A - Nghĩa Đàn - Thái Hoà, hoàn thành đường Tây Nghệ An, đường Thái Hoà - Hoàng Mai - Cảng Nghi Sơn, đường Châu Thôn - Tân Xuân, cầu Bến Thuỷ 2, 6 cầu vượt đường sắt và đường bộ,...; mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Vinh theo quy hoạch thành cảng quốc tế; mở rộng Cảng Cửa Lò, xây dựng Cảng nước sâu Nghi Thiết, cảng chuyên dụng Đông Hồi; hạ tầng Khu Công nghiệp như VSIP Nghệ An, KCN Đông Hồi, KCN Hoàng Mai,... cũng được quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển để trở thành các khu kinh tế trọng yếu, tạo nền tảng cho kinh tế Nghệ An có bước đột phá.
Một số công trình có tầm vóc quan trọng đối với chính trị - xã hội của tỉnh nhà cũng đã hoàn thành như: Trụ sở UBND tỉnh, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa 700 giường, Bệnh viện Quốc tế 500 giường, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam, Khu di tích lịch sử Truông Bồn (với nguồn vốn xã hội hoá đạt 300 tỷ đồng), Khu di tích 12/9, Chùa Đại Tuệ, Chùa Gám,..
Đồng chí Hồ Đức Phớc trao quà cho các cháu thiếu nhi Làng trẻ SOS. |
Thu hút đầu tư cũng là một trong những dấu ấn phát triển to lớn của Nghệ An trong thời gian đồng chí Hồ Đức Phớc giữ cương vị Bí thư Tỉnh uỷ. Đồng chí khẳng định đây là một trong những giải pháp trụ cột để kinh tế Nghệ An cất cánh trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, mở cửa đón các nhà đầu tư có nguồn lực dồi dào về kinh tế và công nghệ.
Trong 3 năm 2013 - 2016, Nghệ An đã tranh thủ được 31 dự án từ nguồn vốn ODA (15.000 tỷ đồng); trong đó có dự án nâng cấp đô thị Vinh với tổng vốn đăng ký đạt 2.500 tỷ đồng gồm các công trình: Kênh Bắc, hồ sinh thái 60 ha, hồ Cửa Nam và mạng giao thông nội thị; dự án xây dựng Hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An (5.700 tỷ đồng) với các công trình nâng cấp Bara Đô Lương, hệ thống kênh nước tưới tiêu Bắc Nghệ An, cống Nam Đàn;...
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Nghệ An. |
Với chủ trương kêu gọi, trải thảm đỏ đón nhà đầu tư cùng những chỉ đạo kiên quyết của đồng chí Hồ Đức Phớc, ở Nghệ An đã có sự hiện diện của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Tổng Công ty LD VSIP, Tập đoàn The Vissai, Tổng Công ty xi măng Việt Nam, Công ty xi măng Tân Thắng, Nhà máy Tôn Hoa Sen, Trung tâm công nghiệp thực phẩm Masan MB, Nhà máy chế biến cá hộp Royal Foods;...Nhiều dự án triển vọng đang “khởi động” thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm, cơ khí lắp ráp trình độ cao,...hứa hẹn sẽ cho kết quả tốt đẹp trong tương lai gần.
Về xã hội, tiếp nối và phát huy truyền thống hiếu học của xứ Nghệ, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh nhà liên tục đạt nhiều thành tích thuộc tốp đầu cả nước. Hệ thống đào tạo phổ thông và sau phổ thông được củng cố, đầu tư nâng cao chất lượng, đảm bảo nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao cung ứng cho thị trường trong tỉnh, ngoài tỉnh và vươn ra thị trường quốc tế.
Trong giai đoạn 2013 - 2016, tỉnh nhà đã thành lập thêm 3 trường đại học là Đại học Y Vinh, Đại học Kinh tế Vinh và Đại học Công nghiệp. Hạ tầng y tế phát triển nhanh, rộng khắp: đến nay toàn tỉnh có 39 bệnh viện trong và ngoài công lập; hệ thống bệnh viện tuyến huyện, tỉnh được đầu tư đồng bộ bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách. Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sôi nổi trong toàn xã hội và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Hết năm 2015 có 1 đơn vị cấp huyện và 114 xã (chiếm 27% số xã, đứng đầu cả nước về số lượng) đạt chuẩn tiêu chí xã nông thôn mới. Về văn hoá, năm 2014, Dân ca ví dặm xứ Nghệ được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Đồng chí Hồ Đức Phớc trao đổi với già làng, trưởng bản, người có uy tín xá Tri Lễ (Quế Phong) về kinh nghiệm vận động nhân dân phát triển kinh tế ổn định đời sống |
Cũng trên cương vị của người Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Hồ Đức Phớc còn ghi dấu bởi những chủ trương, đường lối lãnh đạo thể hiện sự quyết đoán và tinh thần quyết tâm đưa tỉnh nhà phát triển đi lên. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã đề nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Với mục tiêu đưa Nghệ An trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của khu vực Bắc Trung bộ, là tỉnh khá của khu vực miền Bắc, Nghị quyết 26 là động lực, tạo điều kiện để Nghệ An được quan tâm đầu tư hơn nữa. Đảng bộ tỉnh cũng đề nghị Chính phủ ban hành Quyết định 52 về phê duyệt quy hoạch thành phố Vinh và Quyết định 2355 về phát triển miền Tây Nghệ An, lấy đó làm kim chỉ nam cho nhiệm vụ phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Công tác luân chuyển cán bộ cũng được quan tâm thực hiện nghiêm túc, triệt để: 367 cán bộ nhiệm kỳ trước và 31 cán bộ nhiệm kỳ mới được luân chuyển hiệu quả. Hàng trăm cán bộ trẻ có năng lực được đào tạo và sử dụng ở các cấp.
Có thể nói, Nghệ An trong giai đoạn mà đồng chí Hồ Đức Phớc giữ cương vị Bí thư Tỉnh uỷ đã thực sự khởi sắc, chuyển biến mạnh mẽ trên mọi phương diện. Những thành quả đáng khích lệ đó đều ghi dấu ấn tinh thần và phương thức lãnh đạo sâu sát, toàn diện, tâm huyết và quyết tâm của đồng chí Hồ Đức Phớc. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Nghệ An không chỉ củng cố nội lực nhờ tinh thần đoàn kết nội bộ, mà còn nâng tầm vị thế trong quan hệ với các tỉnh bạn, nước bạn.
Đồng chí Hồ Đức Phớc luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đối ngoại, mối quan hệ hợp tác hữu nghị trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt dành sự quan tâm cho những đối tác tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Vương quốc Anh,... cũng như đề cao sự đóng góp của lực lượng người Nghệ An ở nước ngoài cho nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Đường hướng chỉ đạo với tầm nhìn dài hạn của đồng chí Hồ Đức Phớc không chỉ để lại những dấu ấn đậm nét cho tỉnh nhà, mà còn mở ra những triển vọng để tỉnh Nghệ An thực hiện thành công tái cơ cấu kinh tế, thu hút ngoại lực, củng cố nội lực, vững bước trên con đường hội nhập.
Thục Anh – Nguyên Khoa