Những thách thức của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

21/04/2016 04:47

Theo bài báo đăng trên tạp chí University World News, tình trạng cử nhân thất nghiệp là một trong những vấn đề nghiêm trọng, cần tân Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ giải quyết.

University World News, một trong những tạp chí hàng đầu về giáo dục đại học, vừa đăng bài của tác giả Phạm Hiệp (nghiên cứu sinh Đại học Văn hoá Trung Hoa tại Đài Loan, Trung Quốc), nêu những thách thức mà tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phải đối mặt trong nhiệm kỳ tới.

Theo nội dung bài báo, nền giáo dục Việt Nam đang phải đối mặt nhiều vấn đề như chất lượng suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng, thiếu nguồn giảng viên chất lượng và mức độ quốc tế hóa thấp. Đây cũng là những thách thức đối với tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Trả lời phỏng vấn sau khi nhậm chức, ông Nhạ nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục đại học trong việc "đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập sâu rộng".

Năm 2013-2014, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, vốn tuyển dụng nhiều cử nhân, do kinh tế suy thoái, khủng hoảng kéo dài.

bao nuoc ngoai neu thach thuc cua tan bo truong giao duc hinh anh 1
Tân Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong 3 tháng cuối năm 2015, khoảng 225.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp.

Tác giả bài báo cho rằng, một nghịch lý đang tồn tại ở nước ta. Năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất rơi vào nhóm cử nhân và trung cấp nghề, trong khi nhóm lao động chưa qua đào tạo lại có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, theo Viện Khoa học Lao động và Xã hội. Tình trạng này trái với xu hướng thất nghiệp chung.

Đây là vấn đề đáng nói khi các trường đại học vẫn tiếp tục đào tạo ra lượng cử nhân lớn.

Chuyên gia giáo dục Hoàng Anh Đức, quản lý dự án EduTrigger, cho rằng, "giảm tỷ lệ cử nhân thất nghiệp cần được đưa vào danh sách những việc phải làm ngay của tân Bộ trưởng Giáo dục".

Theo ông Nhạ, để giải quyết vấn đề này, việc “chuyển một nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo, sang nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng" cần được ưu tiên.

Ông nói thêm, thời gian tới, Bộ GD-ĐT xem trọng việc đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy.

Dưới thời bộ trưởng cũ, Bộ từng đề xuất giảm số năm học đại học từ 4 - 6 năm xuống còn 3 - 4 năm, nhằm phù hợp hệ thống đại học tại các nước Đông Nam Á, đồng thời giảm việc học lý thuyết, chú trọng thực hành.

Chính phủ ra Nghị quyết 77, thí điểm việc trao tăng quyền tự chủ cho 13 trường đại học. Theo đó, trường tự đưa ra chương trình giảng dạy, mở các khóa đào tạo và tự quyết định phương pháp nhằm tăng chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, nguyên nhân thất nghiệp không chỉ nằm ở chất lượng giáo dục bậc cao, mà còn liên quan các yếu tố bên ngoài như nhu cầu sử dụng lao động của nền kinh tế và sự cạnh tranh từ nguồn lao động nước ngoài.

"Hệ thống kinh tế suy thoái đồng nghĩa số lượng công việc giảm, dẫn đến tình trạng cử nhân thất nghiệp hoặc bán thất nghiệp" - Phạm Hải, quan sát viên giáo dục kiêm chủ một doanh nghiệp về ICT ở Hà Nội, nói.

Ông Nhạ kỳ vọng đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Tân bộ trưởng tốt nghiệp ngành Kinh tế từ Đại học Manchester, Anh và từng có thời gian làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Georgetown, Mỹ.

"Người được giao trọng trách đứng đầu ngành phải có cái nhìn toàn cầu, đủ năng lực bắt nhịp với xu thế thời đại" - ông nói.

Theo Zing

TIN LIÊN QUAN