Thế giới và năng lượng hạt nhân
(Baonghean) - Năng lượng hạt nhân - rất đúng với tên gọi của nó - dường như chính là hạt nhân cốt lõi của nhiều vấn đề đang ngổn ngang trên bàn cờ thế giới. Chính trị, kinh tế, quân sự,…sự hiện diện của năng lượng hạt nhân bao giờ cũng đi kèm với rủi ro và hậu quả khó lường.
Bài học nào từ thảm họa Fukushima?
Thứ Sáu ngàu 11/3 vừa qua, Nhật Bản tổ chức lễ tưởng niệm 5 năm chuỗi thảm hoạ diễn ra vào năm 2011: động đất và sóng thần tàn phá cánh Đông Nam quần đảo, khiến 16.000 người thiệt mạng và 2.500 người mất tích.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan không ủng hộ kế hoạch hạt nhân, nhất là sau thảm họa Fukushima 5 năm về trước. |
Tiếp đó là tai nạn tại lò phản ứng hạt nhân Fukushima khiến 160.000 người phải di tản, gây ra 2.000 ca tử vong gián tiếp. Chất thải phóng xạ cũng ăn xuống lòng đất đến phạm vi bán kính 250km xung quanh lò phản ứng.
Nhìn lại thảm kịch hạt nhân ở Fukushima - cũng như những tai nạn khác liên quan đến hạt nhân trong lịch sử - dường như mức độ nghiêm trọng của những vụ tai nạn này vẫn không làm con người từ bỏ năng lượng hạt nhân.
Cụ thể, Nhật Bản đã nhanh chóng làm mọi cách để khởi động trở lại trên “đường chạy” nguy hiểm vốn dĩ chỉ tập trung những sức mạnh đáng gờm trên thế giới này. Giải thích cho sự nôn nóng của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, phải công nhận rằng năng lượng gần như là mấu chốt để đối trọng với các thế lực trên thế giới - dù là về chính trị, kinh tế hay quân sự.
Một số quốc gia như Đức hay Thụy Sỹ đã cứng rắn nói “không” với năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, đó chỉ là thiểu số bên cạnh 65 lò phản ứng hạt nhân đang được tiến hành xây dựng tại Trung Quốc, Ấn Độ hay Liên minh các tiểu vương quốc Arab.
Pháp - một quốc gia có tiếng nói đáng kể trên trường quốc tế - cũng được biết đến như là đất nước của năng lượng hạt nhân và vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách phát triển năng lượng này bất chấp rủi ro.
Các chuyên gia trong ngành khẳng định: Dù sử dụng biện pháp phòng bị nào đi chăng nữa thì vẫn không thể loại bỏ tuyệt đối nguy cơ tai nạn đối với lò phản ứng hạt nhân. Sau thảm hoạ Fukushima, châu Âu đã thắt chặt các biện pháp an toàn tại cảc điểm hoạt động hạt nhân.
Các lò hạt nhân tại Pháp đang được tiến hành trang bị một “lõi cứng” cho phép duy trì các chức năng tối cần thiết như cung cấp nguồn điện và nước ngay cả trong trường hợp tai nạn nghiêm trọng xảy ra.
Vấn đề của ngành công nghiệp điện hạt nhân là ở chỗ: tỷ lệ rủi ro có thể rất thấp nhưng một khi xảy ra tai nạn thì hậu quả khó có thể lường hết được. Có thể xem đây là một phép đánh đổi mà mọi quốc gia phải tính toán kỹ lưỡng trong lựa chọn giải pháp, chiến lược năng lượng của mình.
Tại lễ tưởng niệm ở Thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu: “Tôi muốn một lần nữa cảm ơn rất nhiều quốc gia đã dành cho chúng tôi những tình cảm nồng ấm và sự hỗ trợ quý giá. Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngăn chặn thảm họa bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật mà chúng tôi có được”. Thế nhưng có lẽ vấn đề đối nội mới là trở ngại đặt ra trước mắt cho Thủ tướng Nhật khi mà ngày 9/3 vừa qua, 2 lò phản ứng hạt nhân tại Takama đã bị toà án nhân dân ra phán quyết ngừng hoạt động - không lâu trước đó, 2 lò phản ứng này vừa được kích hoạt trở lại và gây tranh cãi vì những biện pháp an toàn trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Vũ khí hạt nhân hâm nóng bán đảo Triều Tiên
Ngày 10/3, Triều Tiên ra thông báo huỷ toàn bộ các thoả thuận liên quan đến hợp tác và trao đổi kinh tế liên Triều, đồng thời phong toả toàn bộ tài sản của các doanh nghiệp Hàn Quốc trên lãnh thổ Triều Tiên.
Một bệ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AFP |
Động thái cắt đứt quan hệ này được cho là nhằm đáp trả việc Hàn Quốc đơn phương trừng phạt Triều Tiên sau những vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa từ đầu năm 2016 đến nay.
Trên thực tế, tình hình trên bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ thực sự “nguội” đi trong nhiều thập kỷ qua, dù cả hai bên không có vẻ gì là sẵn sàng lao vào cuộc chiến sinh tử một mất một còn.
Mối quan hệ liên Triều với sóng ngầm là sự mâu thuẫn, đối lập giữa hai hình mẫu chính trị trải qua nhiều phen căng thẳng mỗi lần hai bên có những thay đổi lớn trong chiến lược, hoặc khi bối cảnh khu vực và quốc tế có những tác nhân can thiệp trực tiếp hay gián tiếp.
Dù căng thẳng đến mức độ nào và diễn biến như thế nào đi chăng nữa, vũ khí hạt nhân dường như luôn là trung tâm của mọi vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.
Về phía Triều Tiên, vũ khí hạt nhân được xem là con “át chủ bài” bảo vệ quốc gia này khỏi đe doạ từ các nước lớn khác, đơn cử như Mỹ.
Bởi vậy mà mâu thuẫn giữa Triều Tiên và cộng đồng quốc tế đến nay vẫn chưa có giải pháp thoả đáng, vì nhiều thế hệ lãnh đạo Triều Tiên không chấp nhận giải giáp vũ khí hạt nhân nếu như các nước lớn cũng không thực hiện động thái tương tự.
Sử dụng vũ khí hạt nhân làm lá chắn có vẻ như là một biện pháp tương đối hiệu quả, bởi dù những tuyên bố về thử nghiệm hạt nhân thành công lần thứ 4 (hôm 6/1/2016) hay thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân để gắn lên tên lửa đạn đạo (hôm 9/3/2016) của Triều Tiên còn đặt ra nhiều nghi vấn, nhưng vẫn khiến thế giới phải e dè. Năng lực hạt nhân thực sự của Triều Tiên vẫn là một dấu chấm hỏi, nhưng liệu có quốc gia nào dám “đánh cược” vào ván cờ hạt nhân sinh tử này hay không?
Dĩ nhiên, lần này, phía bên kia “chiến tuyến” cũng có những động thái cứng rắn nên tình hình mới trở nên căng thẳng như vậy. Tập trận chung là hoạt động thường niên của Hàn và Mỹ - được Triều Tiên cho là động thái khiêu khích, đe doạ trực diện đến an toàn của Bình Nhưỡng - nên tình hình liên Triều thường xấu đi trong giai đoạn diễn ra tập trận Mỹ - Hàn.
Tuy nhiên, năm nay, quy mô chưa từng có của cuộc tập trận chung không chỉ khiến Triều Tiên “nóng mặt” mà còn gây lo ngại cho các quốc gia khác cùng quan sát tình hình. Cả Nga và Trung Quốc cùng lên tiếng cho rằng cuộc tập trận với quy mô lớn khác thường của Mỹ - Hàn đang tạo sức ép quá lớn lên Triều Tiên, và rằng các bên liên quan cần giữ bình tĩnh, không để xảy ra tình huống xấu nhất.
Với một loạt lệnh trừng phạt nghiêm khắc từ Liên Hợp Quốc và động thái trừng phạt đơn phương của Hàn Quốc, câu hỏi đặt ra là sức chịu đựng của Triều Tiên lớn đến đâu? Khi căng thẳng đạt đến đỉnh điểm, có thể bức màn bí mật về sức mạnh thực sự của Triều Tiên sẽ được vén lên hoặc…sẽ chẳng xảy ra chuyện gì cả, bởi suy cho cùng, một cuộc chiến tranh hạt nhân dù ở quy mô nào cũng bất lợi cho tất cả các bên.
Hải Triều
TIN LIÊN QUAN |
---|