Nỗ lực đưa vùng dân tộc, miền núi tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững

22/04/2016 08:47

(Baonghean) - Đồng chí Lương Thanh Hải - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập cơ quan nhà nước về công tác dân tộc tỉnh Nghệ An (3/5/1946 - 2016).

a
Lãnh đạo Ban Dân tộc khảo sát vườn ươm cây táo mèo tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Tuấn Thi

P.V: Đồng chí có thể khái quát về điều kiện tự nhiên vùng dân tộc tỉnh Nghệ An?

Đồng chí Lương Thanh Hải: Vùng dân tộc, miền núi Nghệ An chiếm hơn 83% diện tích cả tỉnh; hiện có 101 xã khu vực III, 61 xã khu vực II, 90 xã khu vực I; 1.188 thôn, bản đặc biệt khó khăn; 27 xã biên giới; 3 huyện được Nhà nước đầu tư theo Nghị quyết 30a và 1 huyện được hưởng chính sách 30a; có 419 km đường biên giới với nước CHDCND Lào.

Dân số vùng dân tộc, miền núi có 1.197.628 người (chiếm 41%); trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là 442.787 người chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh, gồm 5 dân tộc: Thái, Thổ, Khơ mú, Mông và Ơ Đu...

P.V: Vùng miền núi, dân tộc Nghệ An luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh. Việc thành lập một cơ quan nhà nước về công tác dân tộc của tỉnh là đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển... Đồng chí có thể khái quát về lịch sử của Ban Dân tộc Nghệ An?

Đồng chí Lương Thanh Hải: Nhận thức rõ vị trí của miền núi và vấn đề dân tộc có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh của cả tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ, ngay sau khi Chính phủ thành lập Nha Dân tộc thiểu số (ngày 3/5/1946), tỉnh Nghệ An cũng sớm ra đời một tổ chức tham mưu công tác dân tộc - miền núi, với tên gọi Ty Quốc dân thiểu số (thành lập ngày 3/11/1946).

Trong suốt 70 năm hoạt động, tuy mang nhiều tên gọi khác nhau như: Ty Quốc dân thiểu số (1946 - 1954); Ban Chỉ đạo Miền Tây (1954 - 1965); Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An (1965 - 1976); Ban Dân tộc tỉnh Nghệ Tĩnh (1976 - 1991); Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Nghệ An (1991 - 2004) và Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An (2004 đến nay).

P.V: Xin đồng chí cho biết vai trò, sự đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và kiến thiết xây dựng quê hương, đất nước?

Đồng chí Lương Thanh Hải: Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con dân tộc, những người làm công tác dân tộc Nghệ An đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất; thực hành tiết kiệm; chống "giặc đói" và "giặc dốt"; hưởng ứng "Tuần lễ vàng", "Hũ gạo nuôi quân"; ủng hộ chiến dịch "Mùa Đông kháng chiến"; trấn áp bọn phản động "Bào ca Tày hắc mương muội"; tiêu phỉ, diệt phỉ, phá tan âm mưu hành động xưng Vua "Châu Phà"; vận động bà con các dân tộc thực hiện định canh định cư; chỉ đạo trực tiếp xây dựng các mô hình lao động, sản xuất...

Hàng chục ngàn thanh niên DTTS đã tham gia lực lượng vũ trang, dân công hỏa tuyến và đã có hàng ngàn người hy sinh vì Tổ quốc hoặc mất một phần thân thể. Từ những sức người, sức của kỳ vĩ đó, đồng bào các DTTS đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến.

Bước vào thời kỳ cả nước đi lên xây dựng CNXH và thực hiện sự nghiệp đổi mới, cơ quan chuyên trách làm công tác dân tộc của tỉnh Nghệ An đã kế thừa phát huy truyền thống và kinh nghiệm của mình; tập trung điều tra, khảo sát, nắm chắc tình hình, đặc điểm cơ bản về miền núi và các dân tộc trong tỉnh; kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh vận dụng cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương và tỉnh.

Từ năm 2004, Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Nghệ An chính thức đổi tên thành Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An - là cơ quan chuyên môn ngang cấp sở; có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

P.V: Xin đồng chí cho biết những thành tựu của Ban Dân tộc trong sự nghiệp đổi mới?

Đồng chí Lương Thanh Hải: Thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, Ban Dân tộc tỉnh đã tập trung vận động đồng bào các DTTS xây dựng, phát triển kinh tế miền núi theo hướng kinh tế hàng hoá; liên kết chặt chẽ với đồng bào các dân tộc trong tỉnh ra sức phát huy thế mạnh của vùng, gắn với thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng. Từ năm 2005 đến 2010, Ban Dân tộc đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phê duyệt các đề án, ban hành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh nhà theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) về công tác dân tộc, như: Xây dựng đề án “Thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn” của tỉnh theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ đã được phê duyệt tại Quyết định số 1413 ngày 9/5/2006 của UBND tỉnh; tham mưu xây dựng 4 đề án lớn về phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi dân tộc như: Đề án chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã vùng miền núi, biên giới; Đề án định canh, định cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2006 - 2010; Đề án bảo tồn và phát triển dân tộc Ơ Đu và Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An để trình Ủy ban Dân tộc và UBND tỉnh phê duyệt...

Đồng chí Lương Thanh Hải - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc thăm hỏi,  trò chuyện với đồng bào bản Na Ni, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Vân Anh
Đồng chí Lương Thanh Hải - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc thăm hỏi, trò chuyện với đồng bào bản Na Ni, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Vân Anh

Kết quả thực hiện các chính sách dân tộc của Ban Dân tộc giai đoạn này đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn nói riêng và miền núi dân tộc nói chung.

Giai đoạn từ 2010 - 2015, công tác dân tộc và chính sách dân tộc tiếp tục được Chính phủ quan tâm. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đổi mới đối với vùng miền núi và dân tộc tỉnh Nghệ An.

Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc đã giúp tỉnh xây dựng và ban hành nhiều báo cáo quan trọng, như: Báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo vùng dân tộc, giai đoạn 2011 - 2015; Báo cáo triển khai 2 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 1/2015/CT-TTg, ngày 7/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành; báo cáo về di cư tự do, hôn nhân không giá thú trong vùng biên giới hai nước Việt - Lào...

Ban còn phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án và chính sách thực hiện theo Quyết định số 2165/QĐ-UBND, ngày 20/5/2014 về kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc tỉnh Nghệ An đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, được cụ thể bằng 13 đề án và 2 chính sách...

Hiện nay, bộ mặt vùng miền núi và dân tộc của tỉnh có sự thay đổi rõ rệt; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện và nâng lên; giảm dần khoảng cách phát triển giữa các vùng, các dân tộc trong tỉnh; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Sản xuất có bước chuyển biến mạnh mẽ; sản xuất nông nghiệp đã chuyển từ tự cung, tự cấp sang phát triển hàng hoá.

Tỷ lệ hộ nghèo đói vùng dân tộc và miền núi (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015) giảm từ 36,19% (năm 2010) xuống còn 16,54%, tương đương với chuẩn nghèo đa chiều là 24,04% (năm 2015), giảm bình quân 3,93%/năm. Tính đến năm 2015, thu nhập bình quân của vùng miền núi và dân tộc tỉnh Nghệ An là 19 triệu đồng/người/năm, đạt 65,51% mức bình quân chung so với của tỉnh (29 triệu đồng/người/năm). Các công trình hạ tầng như giao thông liên thôn, liên bản, trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt, nhà văn hoá cộng đồng... đã được xây dựng và hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo...

Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An còn làm tốt công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành cơ quan, thực hiện tốt quy chế dân chủ, công tác cải cách tài chính công trong hoạt động tài chính của cơ quan và trong việc thực hiện các chương trình, dự án. Chú trọng công tác đào tạo, quy hoạch đội ngũ cán bộ trong cơ quan nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ chính trị, quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ cơ quan.

Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự chỉ đạo chặt chẽ của Ủy ban Dân tộc; cùng với sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể..., Ban Dân tộc đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Hai (năm 1998); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2006). Đặc biệt, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, cơ quan công tác Dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba của Nhà nước trao tặng.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Danh sách lãnh đạo chủ trì Ban Dân tộc
tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ:

1. Ông Lương Vĩnh Phúc - Trưởng ty Quốc dân thiểu số: 1946 - 1948;

2. Ông Nguyễn Văn Hòe - Trưởng Ban chỉ đạo Miền Tây: 1960 - 1965;

3. Ông Hủn Quang Kình - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: 1971 - 1977;

4. Bà Trương Thị Hồng Vy - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ Tĩnh: 1977 - 1981;

5. Ông Vy Chiến Thắng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ Tĩnh: 1981 - 1987;

6. Ông Vy Văn Kỳ - Trưởng Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Nghệ An: 1987 - 1994;

7. Ông Nguyễn Văn Hành - Trưởng Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Nghệ An: 1994 - 2000;

8. Ông Lô Xuân Viết - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: 2000 - 2007;

9. Ông Lương Quang Kình - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: 2007 - 2015;

10. Ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: 2015 đến nay.

Đặng Cường (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN