Chia rẽ sâu sắc ở Trung Đông
(Baonghean) - Chia rẽ tại Trung Đông ngày càng trở nên sâu sắc khi mối quan hệ giữa Các nước Arab vùng Vịnh với Liban vừa xuất hiện căng thẳng mới. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã kêu gọi công dân nước này rời Liban và khuyến cáo không nên đến quốc gia này, đồng thời tuyên bố ngừng cung cấp gói viện trợ quân sự trị giá 4 tỷ USD cho Liban. Sau đó, hai quốc gia đồng minh vùng Vịnh của Saudi Arabia là Các tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE) và Bahrain đã cấm công dân của họ tới Liban. Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế UAE thậm chí quyết định giảm số nhà ngoại giao đang làm việc tại Liban.
Lý giải về các động thái trên, giới chức Saudi Arabia, quốc gia lớn nhất trong số các nước vùng Vịnh cho rằng “những lập trường gần đây của Liban không phù hợp với mối quan hệ hai nước”. Một quan chức Saudi Arabia yêu cầu giấu tên cho biết Riyadh đang “xem xét một cách toàn diện” mối quan hệ với chính quyền Beirut.
Quân đội Liban. (Nguồn: Reuters) |
Quan chức này cũng nhấn mạnh Liban đã không tham gia cùng với các nước thành viên Liên đoàn Arab và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo phản đối các vụ tấn công nhằm vào các cơ quan đại diện ngoại giao của Saudi Arabia ở Iran hồi tháng trước. Theo các nhà phân tích, có lẽ Saudi Arabia cho rằng Liban đang dần ngả về phía Iran đối nghịch lại với nước này.
Vì đâu nên nỗi?
Trên thực tế, sự chênh lệch số lượng người Hồi giáo theo dòng Sunni và Shi’ite ở Liban không lớn, bên cạnh đó số lượng người theo Kito giáo ở quốc gia này lại vượt trội so với hai dòng Hồi giáo đó. Việc phân chia quyền lực trong các vị trí lãnh đạo chủ chốt được xem là có tác động không nhỏ đến chính sách đối ngoại của Liban. Những năm gần đây, Liban được xem là có chính sách đối ngoại tương đối trung lập, ôn hòa trong bối cảnh mâu thuẫn giáo phái giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shi’ite ở Trung Đông ngày càng sâu sắc.
Tuy nhiên, với vị trí địa lý trọng yếu, Liban cũng không thể nằm ngoài vòng xoáy bất ổn của khu vực này. Nhiều năm qua, Liban đã trở thành mặt trận chính trong mâu thuẫn giữa Riyadh và Tehran khi hai nước này đã đầu tư hàng tỷ USD hỗ trợ cho ứng viên Tổng thống Liban mà họ ủng hộ. Song nhờ thỏa thuận phân chia quyền lực, Nhà nước Liban nhiều năm qua được xem là luôn nỗ lực điều phối trong mối quan hệ với Iran và Saudi Arabia, tránh việc ngả hẳn về bên nào.
Các nghị sĩ Quốc hội Liban tán gẫu trong phiên triệu tập ngày 8/2. Ảnh: Dailystar |
Song, sự trung lập tương đối của Chính phủ Liban không thể không bị ảnh hưởng bởi lập trường của phong trào Hezbollah. Tuy bị các nước phương Tây và Israel cho là tổ chức khủng bố nhưng đối với đông đảo người dân Liban thì phong trào Hezbollah đã có công đánh đuổi Israel ra khỏi miền Nam Liban vào năm 2000.
Theo đánh giá của dư luận, Hezbollah là đảng chính trị lớn nhất, có lực lượng vũ trang và công cụ truyền thông hữu hiệu nhất ở Liban, có ảnh hưởng rộng lớn đến người dân nước này. Trong khi đó, phong trào Hezbollah được cho là đang tham chiến ở Syria nhằm ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar Al Assad.
Các nhà phân tích đánh giá rằng, do Chính phủ Liban không thể làm gì trước lập trường của phong trào Hezbollah, Saudi Arabia và các nước Arab vùng Vịnh đã coi Liban là không ủng hộ họ trong cuộc đối đầu với Iran và Chính phủ Syria.
Thông điệp với đồng minh
Trong bối cảnh ấy, cuộc “đối đầu” giữa hai phe phái tại chiến trường Syria ngày càng gay gắt. Iran và phong trào Hezbollah đang hỗ trợ có hiệu quả cho quân đội Chính phủ Syria, còn Saudi Arabia công khai ủng hộ lực lượng đối lập tại Syria và không giấu giếm ý đồ lật đổ bằng được chế độ Al Assad.
Có vẻ như mâu thuẫn phe phái giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shi’ite đang ngày càng đẩy Trung Đông vào sự chia rẽ rõ rệt khi các quốc gia đua nhau “lôi kéo” đồng minh. Saudi Arabia có lợi thế hơn khi tập hợp được đông đảo các nước Arab vào Liên minh của mình, song Iran cũng không kém cạnh, kể từ khi được tháo bỏ vòng vây cấm vận nhờ thỏa thuận hạt nhân lịch sử thì Iran cũng đã đang mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông với việc tác động đến Iraq và Liban.
Xe tăng của quân đội Liban. Ảnh: AFP |
Theo nhận định của giới phân tích, với việc Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh cùng nhau “tẩy chay” Liban đã cho thấy, các nước này không chấp nhận việc nước nào ở Trung Đông ngả theo Iran. Saudi Arabia và những đồng minh của mình trong khu vực cũng muốn gửi lời cảnh cáo đến một số quốc gia còn đang lưỡng lự trong việc có đi theo lập trường của họ hay không.
Liban vốn là một thành viên của Liên đoàn Arab, vì thế việc các nước Arab vùng Vịnh hạ thấp quan hệ với quốc gia này đang cho thấy sự chia rẽ sâu sắc tại Trung Đông. Cục diện khu vực này sẽ ngày càng trở nên phức tạp khi ngay cả những nước có quan điểm tương đối ôn hòa như Liban cũng đang bị kéo vào cuộc đối đầu giữa hai phe phái đối nghịch, một bên do Iran đứng đầu còn một bên do Saudi Arabia đứng đầu. Do đó, viễn cảnh về việc hòa giải và cùng chung sống hòa bình giữa các giáo phái, các dân tộc tại Trung Đông sẽ ngày càng trở nên xa vời./.
Nguyễn Cao Biền
TIN LIÊN QUAN |
---|