Tự làm 6 món ăn sáng cực ngon những ngày cuối tuần

23/04/2016 06:05

Đẻ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hãy dành thời gian của những ngày cuối tuần để nấu nhiều món ăn sáng hoàn hảo cho cả nhà nhé!

1. Xôi chim

Làm món xôi chim tuy hơi cầu kỳ một chút nhưng khi ăn đảm bảo miễn chê luôn.

Nguyên liệu:

- Chim bồ câu

- Gạo nếp cái hoa vàng

- Hành khô

Cách làm:

- Gạo nếp ngâm qua đêm, đãi sạch, để ráo nước, đảo đều với chút muối.

- Chim bồ câu mổ lọc lấy phần thịt ức, băm nhỏ. Nếu mua được chim non thì có thể băm nhuyễn luôn cả phần xương chim.

- Hành khô bóc vỏ, thái mỏng. Lấy một ít băm nhỏ, phi thơm rồi cho thịt chim vào xào. Nêm một nước mắm, có thể nêm đặm hơn một chút để xôi được đậm đà.

- Chỗ hành còn lại đem phi vàng.

- Cho gạo nếp vào dụng cụ hấp của nồi cơm điện.

- Khi xôi đã chín thì trút thịt chim vào, trộn đều, rưới thêm chút dầu vừa dùng phi hành để hạt xôi được bóng.

- Khi ăn nhớ rắc hành phi lên trên nhé.

2. Phở gà cựa

Chắc chắn bạn sẽ phải thích thú khi thưởng thức món phở thơm ngon này.

Nguyên liệu:

- Gà cựa: 3 kg - Gừng: 2 nhánh

- Hành khô: 4 củ

- Hành tây: 1/2 củ

- Thảo quả: 2 quả

- Hành lá, rau mùi, chanh, ớt, lá chanh

- Bánh phở

Cách làm:

- Thịt gà chín các bạn vớt ra, lọc lấy thịt rồi xé hoặc thái miếng mỏng, phần xương vừa lọc các bạn lại cho vào nồi ninh tiếp.

- Nướng thơm gừng, hành khô, thảo quả rồi rửa lại với nước cho sạch các muội đen hình thành trong quá trình nướng.

- Thả gừng, hành khô, thảo quả cùng hành tây bổ múi cau vào nồi nước dùng để tạo hương thơm đặc trưng của phở gà.

- Lá chanh thái chỉ, chanh bổ làm tư, ớt cắt lát mỏng. Hành mùi rửa sạch, vẩy ráo rồi thái nhỏ.

- Nước dùng sau khi đã ninh được khoảng 1h, các bạn nêm nếm bột canh cho vừa miệng. Chần bánh phở với nước sôi, dùng đũa quấy cho bánh phở tơi rồi đổ ra một cái rây cho ráo nước.

- Nhanh tay bốc bánh phở vào bát, xếp thịt gà lên trên, rắc hành mùi lá chanh rồi chan nước dùng đang sôi vào bát. Bày chanh, lá chanh thái chỉ, ớt tươi, tương ớt để mọi người gia giảm tùy theo khẩu vị. Ăn phở kèm với quẩy cũng rất ngon.

- Cùng là thịt gà nhưng thịt gà cựa có mùi vị đặc biệt hơn hẳn khiến bát phở của chúng ta trở nên hấp dẫn, ngon miệng hơn nhiều. Da gà giòn dai, khi nhai cảm nhận rõ độ sừn sựt rất vui tai. Thịt gà săn chắc, thơm ngọt, ăn hoài mà không thấy ngán.

3. Bánh đa cua

Nguyên liệu:

- Cua đồng: 500 gr

- Sườn thăn: 300 gr

- Thịt nạc xay: 150 gr

- Cà chua: 2 quả

- Mỡ phần: 100 gr

- Lá lốt, mộc nhĩ, hành tím, hành lá,rau ngò

- Bánh đa đỏ

Cách làm:

- Cua mua về rửa sạch, bỏ yếm, bóc mai.

- Giã lấy nước cua. Gạch cua dùng tăm khều ra cho vào 1 bát nhỏ để riêng.

- Sườn rửa sạch với chút muối, cho vào nồi luộc sơ qua.

- Tiếp đó rửa sạch lần nữa mới đem ninh làm nước dùng.

- Thịt cua lọc qua rây lấy nước, nêm nếm chút gia vị và 1 chút đầu đũa mắm tôm để dậy mùi nhé. Vừa đun các bạn vừa khuấy để gạch cua nổi đều. Sau đó, vớt gạch cua ra 1 bát con và đổ nước dùng cua vào nồi nước dùng xương. Đun sôi lại lần nữa rồi múc gạch cua vào nhé!

- Cà chua thái nhỏ xào thơm cùng hành và dầu ăn, trút vào nồi nước dùng để tạo vị chua nhẹ. Ở đây mình không dùng me hay quả chua để nấu nước dùng. Nước me sẽ được dùng riêng khi ăn nhé!

- Mỡ phần rửa sạch, thái hạt lựu. Cho vào chảo rán cho ra nước mỡ.

- Khi tóp mỡ gần chín vàng, các bạn cho hành tím xắt mỏng vào phi cùng đến khi hành và tóp mỡ vàng thì nhanh tay đổ gạch cua vào xào cùng để lấy màu.

- Sau đó cho hành ra bát để riêng.

- Sau khi chế biến nước dùng xong, ta bắt đầu làm chả lá lốt nhé. Mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch, băm nhỏ trộn cùng thịt xay, hành tím và ít gia vị trộn đều.

- Lá lốt rửa sạch, để ráo. Cho thịt xay vào lá lốt, gói lại đem rán vàng.

- Chả cá thái miếng vừa ăn.

- Bánh đa đỏ rửa sạch, ngâm với nước 5 phút. Lúc nào ăn thì các bạn trụng sơ qua nước nóng cho mềm.

- Rau sống rửa sạch, ngâm nước muối.

- Trụng một ít bánh đa cho vào bát, cho thêm chả cá, chá lá lốt, rắc ít hành ngò thái nhỏ và múc nước dùng cua vào và thưởng thức thôi nào.

- Bánh đa cua Hải Phòng đúng điệu là ăn kèm chả cá và chả lá lốt cùng với tóp mỡ phi hành. Nếu thích, bạn có thể chần thêm rau muống hay rau rút ăn kèm sẽ rất tuyệt!

Bát bánh đa cua nóng hổi dai dai với vị ngọt của nước dùng cua và xương, vị dai của chả cá, thơm lừng của chả lá lốt sẽ hấp dẫn các thành viên trong gia đình bạn.

Khi ăn chan thêm 1 thìa hay 2 thìa nước me vào cùng để tạo độ chua chua nhẹ. Trong những ngày mát trời, một bát bánh đa nỏng hổi, cay cay, mang hương vị Hải Phòng sẽ khiến cả gia đình bạn thích thú.

4. Bún riêu cua

Với món bún riêu cua nóng hổi này mùa đông sẽ khiến không còn lạnh nữa!

Nguyên liệu:

- Cua đồng: 300 g

- Sườn cục (nếu thích)

- Me chua: 2 quả

- Cà chua: 4 quả vừa

- Rau dăm, hành

- Bún: 1 kg

- Hành khô: 2 củ

- Hoa chuối ăn kèm

- Gia vị: bột nêm, mì chính, dầu ăn

Cách làm:

- Cua làm sạch, phần mai cua dùng tăm khều gạch cua.

- Cho thịt cua vào máy xay cùng chút xíu muối xay nhuyễn và lọc lấy nước cua.

- Đặt nồi nước cua lên bếp đun nhỏ lửa để phần cua đóng gạch. Khi thịt cua đóng thành tảng hớt ra bát để riêng. (mẹo giúp bạn có nồi cua nhiều gạch là khi xay cho thêm ít muối sau đó đặt lên bếp đun dùng đũa nguấy đều, khi cua đóng được ít bạn dùng đũa nguấy tiếp lên là được).

- Cà chua cắt múi cau, me cạo vỏ, hành dăm rửa sạch thái nhỏ

- Phi thơm hành với dầu ăn cho cà chua vào xào chín, thêm 1 thìa súp để cà chua mau mềm.

- Cho gạch cua vào xào thêm 2 phút.

- Khi nồi riêu cua sôi cho cà chua xào chín vào đun nhỏ lửa, thêm 2 quả me chua. Khi canh sôi hạ bớt lửa, dằm me chua ra bát chắt lấy nước chua bỏ bã.

- Sắp bún ra bát cho phần thịt cua lên trên đặt chả lá lốt hoặc chả viên lên bát.

Chan nước riêu cua vào dùng nóng ăn kèm với hoa chuối sẽ rất ngon!

5. Bún thịt nấu chua

Chỉ cần 30 phút chuẩn bị nguyên liệu vào buổi tối hôm trước và 15 phút nấu buổi sáng hôm sau là cả gia đình bạn đã có một bữa sáng ngon, đủ chất và đảm bảo an toàn vệ sinh với bún thịt nấu chua.

Nguyên liệu (4 bát bún):

- Bún: 1 kg

- Thịt nạc: 200 gr

- Dọc mùng: khoảng 3 cây

- Cà chua: 2 quả

- Sấu: 5 - 7 quả (tùy theo khẩu vị thích ăn chua nhiều hay ít)

- Hành, mùi tàu, hành khô, gia vị…

Thực hiện:

- Dọc mùng tước bỏ vỏ, rửa sạch, thái vát và xóc với ít muối trong khoảng 15 phút.

- Dùng găng tay nilon bóp mạnh cho mùng ra hết chất ngứa, xả sạch lại với nước khoảng 3 lần là mùng hết ngứa hoàn toàn.

- Thịt nạc rửa sạch, thái miếng vừa ăn, ướp với một chút gia vị, hành khô. Nếu để sáng mai nấu thì các bạn bọc kín bằng màng thực phẩm, để ngăn mát tủ lạnh.

- Cà chua thái miếng, hành khô đập dập băm nhuyễn.

- Cho chút dầu ăn vào nồi, thêm hành khô phi thơm rồi trút cà chua vào xào.

- Khi cà chua nhuyễn thì trút thịt đã ướp vào đảo đều, xào đến chín.

- Thịt chín, thêm lượng nước vừa đủ, đun sôi, thả sấu vào nồi.

- Khi sấu chín, dằm nhuyễn sấu, bỏ vỏ và hạt. Cho dọc mùng vào nồi tiếp tục đun sôi để mùng chín.

- Nêm nếm lại gia vị sao cho vừa miệng ăn, trút hành, mùi thái nhỏ vào nồi rồi tắt bếp.

Bún chần với nước sôi, chia ra các bát, thêm dọc mùng, thịt và chan nước dùng lên trên.

6. Cháo kê thịt gà

Nguyên liệu (cho 4 người ăn):

- ½ con gà

- 2 phần kê, 1 phần gạo tẻ, 1 nắm gạo nếp.

- Hành lá, gia vị…

Cách làm:

- Gà rửa sạch, cho vào nồi luộc chín.

- Gạo tẻ và gạo nếp vo sạch, để ráo. Kê nhặt sạch sạn và vo sạch.

- Gà chín vớt ra để nguội. Nấu gạo tẻ, gạo nếp và kê với nước dùng gà vừa luộc.

- Thi thoảng đảo đều gạo và kê vì nếu không đảo thường xuyên kê dễ bén đáy nồi, làm cháo bị khê.

- Thịt gà nguội xé nhỏ, thái nhỏ hành vừa ăn.

Cháo chín, nêm nếm gia vị vừa miệng ăn, múc ra bát, thêm thịt gà và hành lá thái nhỏ rắc lên trên. Món cháo gà bổ dưỡng này sẽ khiến cả nhà thích thú.

Tổng hợp từ Eva.vn

TIN LIÊN QUAN