Sông Lam Nghệ An - Cội rễ bền chắc
(Baonghean) - Sông Lam Nghệ An (SLNA) đang trong giai đoạn chuyển giao lực lượng và thực sự khó khăn trong định hướng khi chuyển mình chuyên nghiệp, công tác đào tạo trẻ cũng đang có dấu hiệu chững lại.
Lò đào tạo SLNA luôn cung cấp các lứa cầu thủ có chất lượng. Ảnh: Đ.C |
Cuộc thi ra đời lúc này, không chỉ tôi mà mọi cổ động viên, những người quan tâm yêu mến bóng đá xứ Nghệ thật sự rất vui. Vui, trước hết vì đây là sân chơi để những cổ động viên như tôi có dịp chia sẻ tình cảm của mình với đội bóng thân yêu, để có thể ít nhiều tiếp lửa, tạo động lực cho đội bóng trong giai đoạn khó khăn này! Tôi có thể cảm nhận được những bài viết, tâm sự dạt dào cảm xúc về đội bóng, về cầu thủ Sông Lam, những phân tích rất hay mà có lẽ ít bài báo nào viết được.
Bởi nó xuất phát từ tình cảm thật lòng, tuôn chảy tự nhiên. Và vui vì cũng hy vọng đây là nơi để có thể tìm ra hướng phát triển đúng đắn cho bóng đá xứ Nghệ trong tương lai.
Tôi cũng như bao người hâm mộ khác luôn trăn trở, bởi với một đội bóng giàu truyền thống, giàu bản sắc nhất Việt Nam nhưng bao năm qua, trong quá trình chuyển mình theo bóng đá chuyên nghiệp, Sông Lam Nghệ An dường như đang đuối sức và chưa vươn lên thành lá cờ đầu của bóng đá nước nhà xứng tầm với tiềm lực của mình.
Đất Nghệ An địa linh nhân kiệt, luôn sản sinh nhân tài trên mọi lĩnh vực cuộc sống và với bóng đá cũng vậy, người xứ Nghệ với tố chất cần cù, luôn hiếu học, chịu khó. Những cầu thủ trưởng thành từ lò SLNA hiện vẫn là trụ cột đội tuyển quốc gia và nhiều đội bóng khác. Nhưng bao năm qua, NHM luôn phải chứng kiến nạn chảy máu tài năng, những trụ cột lần lượt ra đi, SLNA đang phải gồng mình trong cơn bão chuyên nghiệp, vẫn vì lý do muôn thủa: cơm áo gạo tiền.
Cầu thủ rời đội bóng ra đi, tôi cũng tiếc lắm nhưng vẫn ủng hộ, ai mà chẳng muốn cống hiến cho quê hương, nhưng ở lại vì quê hương không điều kiện là điều không tưởng, họ phải ra đi. Sự nghiệp cầu thủ ngắn lắm, và tôi luôn ủng hộ họ cho dù họ có đá trong màu áo CLB nào. Tôi tin cầu thủ nói thật, nơi khác trả 10, đội bóng trả 7 họ vẫn sẵn sàng ở lại, người xứ Nghệ ân tình sâu nặng lắm, đã bao cầu thủ gặp lại đội bóng quê hương mà không nhấc nổi chân đá.
Có phải cơ chế hay bóng đá chưa tự nuôi sống chính nó, nên SLNA mới vậy? Để rồi hàng năm hết mùa này đến mùa khác, nhìn những cầu thủ do mình đào tạo nên có giá hàng tỷ đồng ra đi mà đội bóng không thu được đồng nào. Đó là sự lãng phí quá lớn.
Các cầu thủ SLNA luyện tập cùng các cầu thủ trẻ. Ảnh: Đ.C |
Bóng đá trẻ cũng vậy, cũng vì tiền mà từ nơi thu hút tài năng, mơ ước của bao đứa trẻ, giờ đang bị các lò đào tạo khác với chế độ đãi ngộ tốt cạnh tranh thu hút, rồi những thầy trẻ giỏi đầy tâm huyết cũng ra đi, giáo án đào tạo cũng cũ kỹ theo năm tháng. Nên công tác đào trẻ cũng đi xuống như một tất yếu.
“Khổng Minh xứ Nghệ”, ông Nguyễn Hồng Thanh từng tạo bước đột phá khi đi đầu trong việc tạo nên một hệ thống đào tạo trẻ chân rết khắp các huyện xã trong tỉnh để rồi tạo bệ móng vững chắc cho con đường phát triển SLNA giờ đang gặp khó bởi vướng mắc cơ chế. Nên chăng con đường hợp tác với một trung tâm đào tạo trẻ có tiếng trên thế giới, và bài toán xuất khẩu cầu thủ cũng là một hướng đi cho bóng đá quê nhà.
Chuyên nghiệp, con đường đi lên của bóng đá Việt Nam vẫn còn xa vời, khi bóng đá chưa tự nuôi sống được chính mình, vẫn còn dựa vào cảm hứng của các ông bầu, mong SLNA chuyển mình nhưng vẫn giữ và phát huy truyền thống bản sắc đội bóng, đó mới là gốc rễ bền chắc của bóng đá!
Phạm Cung Sơn
(136D1, Ngõ 210, Nguyễn Trãi,
phường Thượng Đình,
quận Thanh Xuân, Hà Nội)
TIN LIÊN QUAN |
---|