Lựa chọn người đủ đức, đủ tài đại diện quyền lợi và trách nhiệm của nhân dân

07/05/2016 07:32

(Baonghean) - Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đang đến gần. Khắp các vùng quê từ miền núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến vùng biển, đồng bằng, thành thị, toàn thể cử tri đều quan tâm, chờ đợi ngày hội trọng đại ấy, để lựa chọn những người ưu tú về trí tuệ, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, đại diện xứng đáng cho quyền lợi và trách nhiệm của nhân dân vào các cơ quan dân cử.

Tranh cổ động chảo mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp.
Tranh cổ động chảo mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp.

Tìm người đủ đức, đủ tài

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước - ngày 22/5/2016. Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tổ chức bộ máy Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 mới được ban hành. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử lần này, liên tiếp 4 tháng qua, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện cho ngày bầu cử. Mấu chốt của công tác bầu cử là công tác chuẩn bị nhân sự - yếu tố quyết định đến hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử ở nhiệm kỳ mới. Theo đồng chí Cao Thị Hiền – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh, công tác nhân sự được tỉnh, các địa phương thực hiện bảo đảm nguyên tắc dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Đến thời điểm này, công tác hiệp thương lựa chọn để lập danh sách chính thức những người ứng cử để bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã hoàn tất. Những người được giới thiệu để bầu làm đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đều đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; đảm bảo tỷ lệ cơ cấu hợp lý các đại biểu đại diện cho các ngành, các cấp, các vùng miền, thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo.

Ở các huyện, thành, thị xã và cấp cơ sở, công tác chuẩn bị nhân sự cũng được triển khai dân chủ, khách quan, chất lượng. Đơn cử huyện Diễn Châu với 40 đại biểu HĐND huyện được bầu, địa phương đã tiến hành lập danh sách 70 người ứng cử để bầu cử. Về trình độ, có 17% người trình độ thạc sỹ; 74,2% trình độ đại học và 24% trình độ dưới đại học. Cơ cấu kết hợp, tỷ lệ nữ chiếm 35,7%; trẻ tuổi 32,8%; ngoài Đảng 18,6%; tôn giáo 1,4%. Tương tự ở Quỳ Hợp, theo ông Lương Hồng Xuyên - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, chất lượng, trình độ của những người ứng cử lần này cao hơn nhiệm kỳ trước; cơ cấu hợp lý. Cụ thể, trong tổng số 67 người được lập danh sách chính thức bầu làm đại biểu HĐND huyện có 14,92% trình độ thạc sỹ; 80,59% trình độ đại học và trình độ dưới đại học chỉ có 4,48%. Về tỷ lệ nữ đạt 40,29%; trẻ tuổi là 29,85%; dân tộc là 50,74%; ngoài Đảng 10,44%.

Chất lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh. Đồ họa: Hữu Quân
Chất lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh. Đồ họa: Hữu Quân

Gửi gắm kỳ vọng

Trên cơ sở chuẩn bị nhân sự của các cơ quan chức năng, mỗi cử tri cũng nhận thức rõ trách nhiệm của mình để tham gia bầu cử, lựa chọn được những người thật sự tiêu biểu. Đồng thời để tạo ra “sức nặng” trong các hoạt động cho cơ quan quyền lực cao nhất trong bộ máy nhà nước các cấp thông qua hoạt động giám sát, thông qua quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc và sự phát triển của địa phương. Theo ông Nguyễn Như Vỹ - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XIII và XIV, bên cạnh sự sáng suốt lựa chọn những người đủ đức, đủ tài của cử tri thì đối với mỗi đại biểu khi trúng cử, nếu chỉ bằng trình độ, kiến thức mà mình có sẵn chưa đủ, mà cần trau dồi bản lĩnh, trí tuệ, năng lực và kỹ năng hoạt động công tác đại biểu. Muốn vậy thì phải tích cực cọ xát thực tiễn, sâu sát, lắng nghe ý kiến nhân dân, tham vấn các cơ quan chuyên môn, ý kiến chuyên gia... Ông Nguyễn Như Vỹ cũng cho rằng cần có cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu một cách nghiêm túc, tránh tình trạng, đại biểu mỗi năm chỉ 2 lần đi họp giơ tay biểu quyết là xong...

Cử tri phường Nghi Thu (thị xã Cửa Lò) nghiên cứu tiểu sử các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ảnh: Mai Hoa
Cử tri phường Nghi Thu (thị xã Cửa Lò) nghiên cứu tiểu sử các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ảnh: Mai Hoa

Cũng đề cao chất lượng đại biểu, bà Trần Thị Thanh, đại biểu Quốc hội các khóa V, VI, VII, cho rằng, điều kiện để Quốc hội và HĐND các cấp hoạt động có hiệu lực thì mỗi đại biểu cần thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh, dám chịu “lửa”, thực sự “vào cuộc”, thực sự nói lên tiếng nói của cử tri tại các diễn đàn. Ông Trương Hồng Phúc – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đô Lương cho rằng cần phải tiếp tục đổi mới trên tất cả các hoạt động của Quốc hội và HĐND tỉnh, từ năng lực quyết định các vấn đề của đất nước, đến hoạt động giám sát; giải quyết các kiến nghị của cử tri theo hướng thực chất hơn. Có như vậy mới thực sự thể hiện rõ vai trò cơ quan quyền lực cao nhất trong bộ máy Nhà nước các cấp. Với ông Phan Văn Tuyên – Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2011 – 2016, lại khẳng định đại biểu cần theo đuổi đến cùng các vấn đề được đưa ra trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp; hoạt động giám sát, giải quyết các kiến nghị của cử tri. Có như vậy, các vấn đề mà cơ quan dân cử đưa ra mới tác động tích cực trở lại cuộc sống. Mặt khác, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương phải phù hợp với từng giai đoạn, phù hợp với nhu cầu thực tiễn đặt ra và xuất phát từ lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân và của mỗi địa phương.

Trên cơ sở số đại biểu Quốc hội được bầu tại địa phương gồm 13 đại biểu, tỉnh đã lập danh sách chính thức 18 người ứng cử (không tính 5 người do Trung ương giới thiệu). Chất lượng người ứng cử có 100% có trình độ đại học trở lên, trong đó có 44,44% trình độ thạc sỹ, 11,11% trình độ tiến sỹ. Cơ cấu tỷ lệ nữ là 38,88%; trẻ tuổi 44,44%; dân tộc 22,22%; ngoài Đảng 5,55%; tự ứng cử 5,55%. Đối với đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 được bầu là 91, tỉnh đã lập danh sách chính thức để bầu cử là 153 người. Chất lượng người ứng cử với 94,77% có trình độ đại học trở lên, trong đó có 33,33% có trình độ thạc sỹ và 3,92% có trình độ tiến sỹ. Cơ cấu, tỷ lệ nữ chiếm 40,5%; trẻ tuổi chiếm 24,5%; dân tộc thiểu số chiếm 15%; ngoài Đảng chiếm 5,2%; tôn giáo chiếm 1,3%.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN