Cô gái mang bầu 8 tháng khoe thân hình sexy trong phòng tập gym
Ở những tháng cuối thai kỳ, bà bầu Nguyễn Thị Ngọc Hân ở TP HCM vẫn chăm chỉ tập luyện trong phòng gym và tự hào khi có thân hình khỏe khoắn, gợi cảm.
Mang thai hơn 35 tuần, bà bầu Ngọc Hân vẫn giữ được thân hình gọn gàng, săn chắc nhờ chế độ tập luyện thường xuyên, khoa học. Thời điểm này, cô chủ yếu tập với bóng và yoga thở. Ảnh chụp khi Hân mang thai được 34 tuần một ngày. |
Hân bắt đầu các bài tập cho người có bầu lúc mang thai được một tháng rưỡi. Hân có cơ địa khỏe mạnh lại thuộc tuýp người thường xuyên tập thể dục. Mẹ bầu tập gym từ năm 18 tuổi, duy trì đến nay một tuần ba buổi, mỗi lần một tiếng rưỡi. Hôm nào bận đi làm, cô tập 15-30 phút, kèm đi bơi và chơi các môn thể thao khác. |
Theo kinh nghiệm cá nhân và lời khuyên của bác sĩ sản khoa, Hân cho biết ba tháng đầu là giai đoạn cần chú ý. Bác sĩ thường cho sản phụ nghe nhịp tim thai nhi. Nếu tim thai đập nhanh và đều, bà bầu không cần lo lắng, có thể tiếp tục tập thể dục (dành cho người tập thường xuyên) hoặc bắt đầu ở những tháng đầu. Ba tháng giữa và ba tháng cuối, bạn chỉ cần điều chỉnh để thích ứng với bụng bầu đang lớn dần. |
Hân lưu ý, nên khởi động làm ấm cơ thể trước khi tập. Chọn bài tập nhẹ nhàng phù hợp với thể trạng của mình, tránh quá sức. Việc này mẹ bầu phải cảm nhận được vì khi không mang thai, tập cardio chia bài cho từng người cũng đã khác nhau, lực nâng tạ và mức kg tạ cũng khác. "Không tập quá sức. Nếu cảm thấy mệt, đau đầu chóng mặt là triệu chứng hạ đường huyết. Bạn ngồi nghỉ mà tim vẫn đập nhanh, cần nghỉ ngơi ngay. Nếu có những dấu hiệu bất thường trong quá trình tập, hãy đến bác sĩ kiểm tra", Hân chia sẻ. |
Phụ nữ mang thai cần tránh bật nhảy, va chạm, tập tạ nặng và những động khác khó như squat, nâng tạ, sự thay đổi vị trí đột ngột, thả người nằm ngửa bất ngờ. Đối với những người từng có tiền sử sảy thai, Hân khuyên tốt nhất không nên vận động, tránh xách nặng, đi du lịch và di chuyển bằng máy bay. "Bạn nên kiêng, đợi đến tháng thứ 4 ổn định hãy bắt đầu đi bộ", Hân nói. |
Đi bộ là bài tập hỗ trợ tim mạch tốt nhất đối với phụ nữ mang thai, giúp mẹ bầu có hệ cơ bắp săn chắc, hoạt động co bóp tử cung được thực hiện dễ dàng hơn, kiểm soát tốt trọng lượng của bản thân, giảm nguy cơ táo bón. Một tác dụng tuyệt vời nữa của đi bộ là có thể giúp phụ nữ mang thai giảm được nguy cơ tiền sản giật. |
Với những bà bầu ít vận động nhưng muốn tập thể dục, cần dựa theo thể trạng, sự phát triển thai kỳ và nên nói chuyện với bác sĩ về dự định này. Hân cho biết trong ba tháng đầu, mẹ bầu có thể bắt đầu việc đi bộ. Ban đầu đi khoảng 15 phút xem cơ thể phản ứng như thế nào. Nếu phản ứng tốt và không có dấu hiệu chóng mặt, đau đầu, bạn có thể tăng dần tần suất mỗi lần tập thêm 5 phút cho đến khi khoảng nửa tiếng một ngày hoặc nhiều hơn nếu muốn. |
Đối với những bà bầu có cơ địa và thai nhi phát triển yếu hơn bình thường, nếu muốn an toàn hơn theo quan niệm của người Việt, tháng thứ 4 là giai đoạn tốt nhất để bắt đầu các bài tập. Những mẹ bầu đã tập thể dục trước đó, giai đoạn này có thể chuyển qua chạy bộ bước nhỏ và ngắn (20 phút/lần là tốt nhất) hoặc đạp xe (20 phút/lần) kết hợp bơi lội càng tốt. |
Cuối tháng thứ 4, bà bầu có thể tập các bài chuyên sâu về cơ một chút như squat và tập với tạ nhẹ từ 1,5 kg đến 2 kg một bên. |
Bên cạnh tập luyện, Hân cũng chú ý tới chế độ ăn uống. Từ ngày có bầu, cô "làm bạn" với thức ăn luộc như đậu phộng, khoai lang hấp, bí đỏ, ngô, rau củ luộc. Buổi tối cô thường chỉ ăn cháo hoặc canh. Ngoài ra, bà bầu xinh đẹp còn hay mua các loại bánh quy ngũ cốc, bánh quy ăn kiêng, hạt chia đen, quả macadamia, dừa tươi để ăn giữa giờ. Hiện cô đã tăng được 9 kg, em bé trong bụng 2,7 kg. |
Mang bầu nhưng Hân vẫn chú ý chăm chút vẻ ngoài mỗi khi ra đường. Cô vẫn giữ thói quen trang điểm vì chuẩn bị làm mẹ càng cần làm đẹp cho mình và giữ tinh thần thoải mái. |
Theo ngoisao.net