Trịnh Công Sơn và đám cưới không thành với cô gái Nhật

01/04/2016 17:47

Cuộc tình của Trịnh Công Sơn với người con gái Nhật Michiko Yoshii là mối tình đẹp nhưng kết cục buồn, vấn vương như những bản tình ca bất hủ của cố nhạc sĩ tài hoa.

Ngày 1/4/2001, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam - rời cõi tạm về với vĩnh hằng. 15 năm qua, những ca khúc của ông vẫn vang vọng khắp nơi, vẫn là dòng suối tinh thần tắm tưới tâm hồn bao thế hệ người Việt yêu nhạc Trịnh.

Trong gia tài âm nhạc, Trịnh Công Sơn đã để lại những khúc tình ca bất hủ. Những bản nhạc tình ấy có lúc trong trẻo, hồn nhiên, tinh khôi như đóa quỳnh mãi ngát hương trong vườn yêu, cũng nhiều lúc chỉ là nỗi buồn thương, mất mát, dở dang, "từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ". Trong cuộc tình riêng đời mình, cố nhạc sĩ đã đôi lần ngấp nghé trước ngưỡng cửa hôn nhân nhưng mãi mãi không bao giờ bước qua. Có những bóng hồng, những người đi qua cuộc đời Trịnh Công Sơn và họ đọng lại trong những ca khúc, bài thơ, bức họa của ông như những nỗi buồn thuần khiết.

trinh-cong-son-va-dam-cuoi-khong-thanh-voi-co-gai-nhat

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu.

Michiko Yoshii - người con gái Nhật thông minh, tài năng và trong sáng là một câu chuyện tình buồn, thuần khiết như vậy của Trịnh Công Sơn. Vượt qua những rào cản về biên giới, ngôn ngữ, văn hóa, nàng đã đến với cuộc đời ông như một người tình tri kỷ. Những tưởng mối quan hệ ấy sẽ là một lương duyên, nhưng rốt cuộc vẫn không thành, để chỉ mãi là mối tình đẹp nhẹ nhàng.

Vào khoảng năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, Michiko Yoshii - lúc này là sinh viên đại học tại Paris (Pháp) - đã bén duyên với Việt Nam vì yêu văn hóa, ngôn ngữ và con người của đất nước này. Một trong những tình yêu lớn nhất ở cô gái Nhật thời ấy là tình cảm sâu nặng dành cho nhạc Trịnh Công Sơn. Michiko yêu nhạc Trịnh đến nỗi, lúc đó, dù đã có bằng cao học về văn hóa Nhật Bản, cô vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài cao học nghiên cứu về âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn.

Để gần được hơn với nhạc Trịnh, Michiko không chỉ nhiều lần từ Pháp điện thoại về Việt Nam trò chuyện với Trịnh Công Sơn, cô còn đến Việt Nam để gặp gỡ trực tiếp người nhạc sĩ mình ngưỡng mộ. Luận án cao học và âm nhạc là cầu nối cho cuộc tình nhẹ nhàng của họ.

Dù không nhớ chính xác khoảng thời điểm nào cuộc tình ấy ngày càng trở nên sâu đậm, các thành viên trong gia đình cố nhạc sĩ đến nay vẫn còn nhớ như in cảm giác cả nhà náo nức khi biết tin hai người chuẩn bị làm đám cưới.

Ba người em gái của Trịnh Công Sơn lúc này đang ở Canada gồm ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, chị Diệu và chị Tâm háo hức đi sắm đồ cưới cho anh trai. Họ chọn bộ vest thật đẹp cho anh, xấp vải tốt gửi về Việt Nam cho mẹ may áo dài. Còn ở nhà, người mẹ yêu quý của Trịnh Công Sơn rất vui. Bà tất bật sắm sửa, chuẩn bị lễ nghi cưới theo phong tục Việt Nam. Nhẫn cưới cũng được chuẩn bị chu đáo chỉ chờ ngày để tân lang và tân nương trao nhau.

Lúc đó, Michiko cho biết do ba mẹ của cô đã rất già không thể sang Việt Nam nên muốn nhờ ông bà đại sứ người Nhật tại Việt Nam thay thế cha mẹ, đại diện nhà gái trong ngày hai bên gặp gỡ nhau. Theo phong tục cưới của người Nhật, ông bà đại sứ phải ngồi để Trịnh Công Sơn và Michiko quỳ gối xuống lạy tạ. Trịnh Công Sơn không đồng ý điều này với lý do người mẹ sinh ra ông nhưng cả đời ông còn chưa quỳ xuống lạy bao giờ thì không lẽ nào ông lại quỳ gối trước ông bà đại sứ Nhật.

"Tôi cũng không rõ là mọi chuyện kết thúc như thế nào, vì lúc đó tôi đang ở Canada. Nhưng khi nghe tin nhà báo sang đám cưới bị hủy, mọi người đều buồn lắm. Cũng có thể còn nhiều lý do nào đó, nhưng bản tính anh Sơn và cả chị Michiko đều kín đáo, sâu sắc và tế nhị nên chuyện cũng ít được nói ra. Qua sự cảm nhận và góc nhìn của tôi, tôi nghĩ anh Sơn lúc đó rất xúc động với việc một cô gái nước ngoài lại am hiểu và yêu nhạc anh đến thế. Anh rất ấn tượng khi Michiko thuộc hàng trăm ca khúc của mình. Tôi nhớ khoảng năm 1992, tôi và anh Sơn cùng anh Nguyễn Quang Sáng được mời sang Pháp và có dự một chương trình. Đó là lần tôi được thấy Michiko - một người con gái Nhật mảnh mai, duyên dáng. Chị ôm đàn guitar và hát rất nhiều bài nhạc Trịnh một cách say sưa, đầy tình cảm khiến cho mọi người xúc động", ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh kể.

Cuộc tình ngoài đời của cả hai dở dang trước ngưỡng cửa hôn nhân nhưng âm nhạc mãi luôn là sợi dây gắn kết hai tâm hồn đồng điệu. Tháng 7/1991, tại Paris, Michiko Yoshii đã bảo vệ thành công luận án cao học về ảnh hưởng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong xã hội Việt Nam thời chiến tranh. Luận án này được giám khảo của Đại học Paris VII xếp loại tối ưu. Và người con gái Nhật mảnh dẻ ấy vẫn luôn để lại ấn tượng với mọi người với hình ảnh cây đàn guitar hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn với đôi mắt phảng phất nét buồn.

Sau ngày Trịnh Công Sơn mất, Michiko Yoshii vẫn thường về thắp hương cho ông. Còn với một người tài hoa, bản tính thâm trầm, kín đáo như Trịnh Công Sơn, ông gửi nỗi niềm của mình vào tác phẩm. Trịnh Công Sơn có sáng tác bài hát tặng riêng cho Michiko. Nhạc phẩm này chưa từng bao giờ được công bố, hiện vẫn nằm ở tủ kính riêng của gia đình trong số những ca khúc, thơ sáng tác tiếng Pháp và tiếng Việt chưa công bố của cố nhạc sĩ.

trinh-cong-son-va-dam-cuoi-khong-thanh-voi-co-gai-nhat-1

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bên em gái út Trịnh Vĩnh Trinh.

Ngày 31/3, giữa phút tất bật chuẩn bị 15 năm ngày giỗ Trịnh Công Sơn, Trịnh Vĩnh Trinh dành phút lắng đọng nhớ về anh trai cả yêu kính.

Một trong những ký ức các chị em gái trong gia đình thường nhắc về Trịnh Công Sơn là tiếng cốc cốc nhẹ củaôngtrước cửa phòng các em lúc giữa khuya. Trịnh Công Sơn dáng người ốm yếu mảnh khảnh vì thế tiếng bước chân, tiếng cốc cửa của ông cũng rất nhẹ nhàng. Mỗi lần ông lên tiếng hỏi "Các em ngủ chưa", các cô em gái - dù lúc này đều buồn ngủ, vì thương anh vẫn tíu tít "Dạ chưa, lúc nãy vừa ngồi nói chuyện, mới tắt đèn định ngủ thôi ạ". Những lúc như thế, ông sẽ nhỏ nhẹ mời người em gái nào đó của mình xuống dưới nhà làm mẫu cho ông vẽ chân dung. Và những buổi khuya, dưới ánh đèn, chỉ có tiếng cọ sột soạt trên mặt vải, dáng người gầy gò của ông in trên giá vẽ.

"Tất cả anh em tôi đều sợ và xót xa lắm khi thấy anh mình bị cô đơn. Không biết làm gì để cho anh vui. Thường buổi trưa, bạn bè đến với anh khá đông, khi đó thì đỡ hơn. Nhưng khoảng đêm, nhất là lúc 2-3h sáng, lúc mà mọi người đang say giấc nhất, tôi đoán, có lẽ cũng là khoảng thời gian sự cô đơn xâm chiếm anh nhất. Có lần 3h sáng, anh vẫn điện thoại cho nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Một lúc sau, anh Sáng đã đi xe máy sang nhà để cùng trò chuyện với anh. Anh Sơn là người rất tế nhị, anh không bao giờ làm phiền người khác và chỉ gọi đến bạn bè thân những khi anh cần họ nhất", Trịnh Vĩnh Trinh kể.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN