Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp ở Nghệ An

02/05/2016 10:52

(Baonghean) - Ứng dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất tiến tới áp dụng các giải pháp công nghệ cao là hướng đi tất yếu và bước đầu đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận trong sản xuất nông nghiệp của Nghệ An.

Ứng dụng tiến bộ KH-KT trong gieo mạ khay  ở huyện Hưng Nguyên.
Ứng dụng tiến bộ KH-KT trong gieo mạ khay ở huyện Hưng Nguyên.

Khai mở những hướng đi mới

Năm 2011, Dự án cạnh tranh nông nghiệp tại Nghệ An đã phối hợp với Viện KH-KT Nông nghiệp Bắc Trung bộ triển khai mô hình ứng dụng quy trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp (ICM) tại các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc và Nam Đàn nhằm chuyển giao quy trình công nghệ thâm canh lạc đạt năng suất cao. Ông Cao Hiếu - Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh, Diễn Châu cho biết: Diễn Thịnh có 430 ha lạc vụ xuân và hơn 50 ha lạc vụ đông.

Trước đây, bà con trồng lạc theo kinh nghiệm truyền thống, hầu như chưa áp dụng các tiến bộ KH-KT để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ khi Dự án cạnh tranh nông nghiệp, Liên minh sản xuất và tiêu thụ lạc ra đời, nông dân được tập huấn, hướng dẫn về quy trình thâm canh cây lạc, đặc biệt việc ứng dụng quy trình ICM vào sản xuất đã tạo nên bước đột phá mạnh mẽ. Năng suất lạc bình quân đạt 31 - 32 tạ/ha, cao hơn những diện tích trồng bình thường từ 3,5 – 4 tạ/ha.

Bên cạnh đó, bà con cũng được chuyển giao quy trình quản lý dịch hại cho cây lạc, ngăn chặn hiệu quả 20 loại dịch bệnh giúp khắc phục tình trạng dịch bệnh thường xuyên gây hại trên cây lạc vụ đông do điều kiện thời tiết, cây sinh trưởng và phát triển cân đối, cho năng suất cao hơn... Hàng năm, Nghệ An gieo trồng trên 20.000 ha lạc, năng suất vụ xuân bình quân đạt 25 - 27 tạ/ha, tổng sản lượng từ 45 – 55 nghìn tấn. Các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc đã có nhiều mô hình sản xuất lạc ứng dụng các biện pháp thâm canh tổng hợp như giống mới tiến bộ, phủ nilon, cho năng suất lên tới 5 tấn/ha, cao hơn từ 2,4 - 2,6 tấn/ha.

Những năm qua, vấn đề ứng dụng KH-KT vào sản xuất nông nghiệp luôn được các địa phương quan tâm áp dụng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều tiến bộ KH-KT đã được áp dụng trong việc sản xuất hàng loạt các giống lúa tiến bộ như lúa thảo dược của Công ty TNHH Vĩnh Hòa, VTNA2 của Tổng Công ty CP VTNN Nghệ An… cho sản phẩm chất lượng cao.

Thâm canh chè ở Thanh Chương
Thâm canh chè ở Con Cuông.

Hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Ông Ngô Huy Hân - Giám đốc truyền thông Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH chia sẻ: Tất cả các khâu từ làm đất, gieo trỉa đến thu hoạch đều được vận hành theo kiểu hiện đại công nghiệp, tự động hóa hoàn toàn, máy móc đã thay thế sức người, chỉ cần một công nhân vận hành có thể xử lý liên hoàn hàng loạt công đoạn trên diện tích từ 3 - 5 ha/ngày, từ xới đất, bón phân, gieo hạt, hay cắt cây nguyên liệu, băm nhỏ và chuyển sang xe tải khi thu hoạch. Từ thu nhập tối đa 70 triệu đồng/ha đất sản xuất nông nghiệp, nhờ Ứng dụng công nghệ cao (UDCNC), con số đó đã tăng lên gấp trên 10 lần.

Ở các vùng nguyên liệu mía, chè, cao su… đều đã có nhà máy chế biến. Cùng với đó là sự vào cuộc của các doanh nghiệp đầu tư từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Từ quyết định phê duyệt Đề án phát triển Nông nghiệp UDCNC đến năm 2020 của tỉnh, đến nay Nghệ An đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cùng với xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC, tỉnh đã chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và khuyến nông trong sản xuất.

Trong đó, đáng chú ý là các dự án chăn nuôi bò sữa theo quy mô công nghiệp của Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH với đàn bò, bê sữa hiện đã lên tới trên 45.000 con; Dự án chăn nuôi bò sữa tại Đông Hiếu, thị xã Thái Hoà của Công ty CP sữa Việt Nam Vinamilk với đàn bò, bê sữa gần 3.000 con. Cũng tại Nghĩa Đàn, Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm với khá nhiều dự án UDCNC như dự án trồng rau, hoa xuất khẩu trong nhà kính; nuôi cá lồng trên hồ theo công nghệ Israel, hay Dự án chế biến gỗ Nghĩa Đàn có công suất 400.000 tấn sản phẩm/năm...

Việc tổ chức quản lý sản xuất cần phải được thay đổi theo hướng phù hợp và hiệu quả hơn, làm sao để các HTX có khả năng xâu nối được các hộ nông dân trong vùng, chỉ đạo nông dân sản xuất và làm đối tác với doanh nghiệp, thậm chí tìm thị trường cho lượng sản phẩm lớn và tập trung khi UDCNC trong sản xuất. Về phía các ngành chuyên môn, ngành Nông nghiệp và Khoa học công nghệ cần tập trung phối hợp, chuyển giao các công nghệ cao vào sản xuất theo hướng sản xuất thâm canh, tưới tiết kiệm, chế biến sâu hơn.

Thu hoạch ngô bằng máy móc tại vùng nguyên liệu của Trang trại bò sữa TH.
Thu hoạch ngô bằng máy móc tại vùng nguyên liệu của Trang trại bò sữa TH.

Ông Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ: Ngành sẽ tập trung kiểm soát, nghiên cứu để có những gói kỹ thuật công nghệ cao cho từng loại cây trồng phù hợp với điều kiện cụ thể về đất đai, thời tiết. Hy vọng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ phía Trung ương và tỉnh sẽ góp phần là những “đòn bẩy” để thu hút thêm những doanh nghiệp “đủ tầm” đầu tư vào lĩnh vực này ở Nghệ An.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN