Có phải 'Mona Lisa' là người tình đồng giới của Da Vinci?
Theo sử gia nghệ thuật Italy Silvano Vinceti, kiệt tác Mona Lisa được danh họa Phục hưng Leonardo da Vinci “pha trộn” giữa chân dung người tình đồng giới của ông là Salai với bà Lisa Gherardini là vợ của nhà buôn giàu có ở vùng Tuscany.
Silvano Vinceti nói rằng dung nhan nàng Mona Lisa là chân dung "ái nam ái nữ", là sự hòa trộn các nét giữa Lisa Gherardini và Gian Giacomo Caprotti, nổi tiếng với biệt danh Salai.
Không thuyết phục
Vinceti hiện là trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Quốc gia về Di sản Văn hóa. Ông công bố phát hiện của mình sau khi thẩm định bức tranh bằng tia hồng ngoại.
Qua đó, Vinceti tuyên bố, mũi, trán và nụ cười của Mona Lisa giống một cách kinh ngạc nhiều bức tranh khác của Da Vinci với Salai là người mẫu.
"Mona Lisa là một chân dung ái nam ái nữ, nửa đàn ông nửa đàn bà. Bức tranh này được vẽ dựa theo 2 người mẫu là Lisa Gherardini và Salai, một người tập sự của Leonardo. Chúng tôi gần như đã có lời giải đáp cho câu hỏi khiến giới học giả đau đầu trong nhiều năm qua: Mona Lisa được Da Vinci vẽ theo khuôn mẫu của ai" - Vinceti nói với tờ Telegraph từ Florence, nơi cách đây 4 năm ông đã tiến hành khai quật bên dưới một tu viện với hy vọng tìm được hài cốt và hộp sọ của bà Lisa Gherardini.
Sử gia nghệ thuật Italy Silvano Vinceti |
Giới chuyên gia cho rằng, Caprotti đến nhà Da Vinci vào khoảng năm 1490, khi đó ông khoảng 10 tuổi. Ông làm trợ lý cho Da Vinci trong 20 năm sau đó và được danh họa đặt cho biệt danh là Salai, tức Quỷ nhỏ.
Tuy nhiên, tuyên bố của Vinceti đã vấp phải sự hoài nghi của nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới về Da Vinci.
"Đây hoàn toàn là sự tưởng tượng. Những hình ảnh chụp bằng tia hồng ngoại không hề hỗ trợ cho ý tưởng chân dung Mona Lisa là sự hòa trộn các nét gương mặt của Lisa Gherardini và Salai. Không ai biết rõ trông Salai như thế nào, bởi vậy không thể nói rằng các nét mặt của ông đã được đưa vào gương mặt của Mona Lisa.
Giorgio Vasari, một họa sĩ đương đại đồng thời là người ghi chép sử biên niên của các nghệ sĩ Phục hưng, từng mô tả Salai là một anh chàng xinh trai, có mái tóc quăn, song đó là một tuýp chuẩn của thời đó. Tuýp này đã được Da Vinci thể hiện trong nhiều tác phẩm từ rất lâu trước khi Salai xuất hiện trong khung cảnh nghệ thuật thời bấy giờ " - Martin Kemp, giáo sư danh dự về lịch sử nghệ thuật thuộc trường Đại học Trinity, người đang viết cuốn sách mới Mona Lisa: The People and the Painting, lên tiếng phản đối.
Theo tư liệu lịch sử, bà Lisa Gherardini đã kết hôn với nhà buôn giàu có Francesco del Giocondo. Gia đình ông sở hữu một villa sang trọng ở ngoại ô Florence. Hồi tuần trước, lần đầu tiên trong hơn 50 năm qua, villa này đã được bán với giá 20 triệu euro.
Kiệt tác Mona Lisa hiện được trưng bày trong Bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp) |
Một số giả thuyết về kiệt tác Mona Lisa
Kiệt tác Mona Lisa của Da Vinci đã “đánh đố” người yêu nghệ thuật trong nhiều thế kỷ qua. Hiện có một số giả thuyết được xem là thuyết phục nhất về bức ranh:
- Nhiều cột bị cắt xén: Từ lâu người ta cho rằng sau khi Da Vinci qua đời, toan vẽ trong tranh đã bị cắt xén và 2 cột từng là điểm nhấn trong tranh cũng bị cắt. Giới sử gia nghệ thuật hiện vẫn tranh cãi về chuyện này và cho rằng bất cứ hình ảnh nào có cột mô tả trong bức tranh đều là bản sao chép.
- Mona Lisa không phải là tác phẩm độc nhất vô nhị: Nhiều người tin rằng Da Vinci không chỉ cho ra đời một bức chân dung về Mona Lisa. Hiện có bức tranh nổi tiếng khác được gọi là Isleworth Mona Lisa. Bức chân dung này được tìm thấy trước Thế chiến I, trong đó cũng mô tả một người phụ nữ trẻ có nụ cười bí ẩn.
- Các phiên bản “nude”: Hiện có ít nhất 8 phiên bản Mona Lisa, trong đó người mẫu khỏa thân. Nhiều người suy đoán đây là những bản sao của một tác phẩm gốc đã bị thất lạc, mô tả Mona Lisa khỏa thân.
- Lông mày vô hình: Hồi năm 2007, Pascal Cotte tuyên bố ông phát hiện ra dấu tích của lông mày trái trên gương mặt nàng Mona Lisa trong quá trình thẩm định bức tranh. Cotte cho rằng, Mona Lisa từng có đủ 2 lông mày và lông mi, tuy nhiên chúng đã bị mờ đi theo thời gian.
Theo Telegraph/Thể thao & Văn hóa
TIN LIÊN QUAN