Mẹo nhà nông: Nhận biết thịt lợn có chất cấm
Trong 3 tháng đầu năm 2016, Thanh tra Bộ phối hợp Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an vào cuộc kiểm tra tình trạng sử dụng chất cấm ở các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tình trạng sử dụng chất cấm hiện chỉ còn ở các trang trại chăn nuôi nhưng có hàm lượng thấp do thương lái cung cấp.
Thực trạng trên cho thấy nguy cơ người tiêu dùng mua phải thịt lợn chứa chất cấm vẫn còn cao. PGS-TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, thông tin thêm về cách phân biệt thịt lợn có chất cấm và thịt theo siêu nạc để chọn được thực phẩm an toàn thông qua các dấu hiệu.
Theo đó, nếu thấy lớp mỡ dưới da mỏng, lỏng lẻo thì không nên sử dụng. Bởi lợn ăn chất tạo nạc thì lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1 cm, trong khi lợn siêu nạc lớp mỡ thường dày từ 1,5 - 2 cm.
Thịt lợn có sử dụng chất cấm thường có lớp mỡ rất mỏng |
Màu sắc thịt lợn có chứa chất tạo nạc, tăng trọng thường đỏ khác thường, sáng và bóng, có những quầng đỏ thâm dưới da, độ đàn hồi kém. Khi thái miếng thịt ra từng đoạn dày 2 - 3 cm, nếu ấn bằng ngón tay thấy miếng thịt mềm, không đứng thẳng được, không trở về hình dạng ban đầu. “Quan sát kỹ phần liên kết giữa phần nạc và mỡ nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra thì chắc chắn đó là thịt lợn có chất cấm, tuyệt đối không nên sử dụng”, bà Hảo nói.
Cũng theo PGS-TS Hồng Hảo, thịt lợn giống siêu nạc được chăn nuôi theo kỹ thuật thông thường sẽ có màu hồng tươi, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều và khi chế biến có mùi thơm, không bị ra nước.
Theo Thanh niên