Có gì bên trong kim tự tháp 4.600 tuổi?

08/05/2016 08:24

(Baonghean.vn) - Bạn từng tự hỏi rằng bên trong kim tự tháp trông như thế nào? Không hề có những khoảng trống và lối đi như những gì bạn được xem trên bộ phim kinh điển “Xác ướp”. Vậy cấu trúc thực tế của tuyệt tác ấy là gì? Nó đã được xây dựng như thế nào để tồn tại lâu dài suốt bao năm qua?

Khách du lịch dạo quanh Kim tự tháp Khufu, một trong những Kim tự tháp Vĩ đại tại Giza, nằm ở ngoại ô Cairo hôm 27/4/2015. Ảnh: Reuters.
Khách du lịch dạo quanh Kim tự tháp Khufu, một trong những Kim tự tháp Vĩ đại tại Giza, nằm ở ngoại ô Cairo hôm 27/4/2015. Ảnh: Reuters.

Các kim tự tháp của Ai Cập cổ đại có niên đại cách đây khoảng 4.500 năm. Những lăng mộ vĩ đại sừng sững bất chấp sự biến thiên của thời gian, mang vẻ hùng vĩ trên nền phong cảnh rộng lớn, phủ một lớp bụi màu vàng đầy oai vệ.

Giờ đây nhân loại có thể biết được thêm chút ít về những kiến trúc này nhờ vào tia vũ trụ. Các nhà khảo cổ học đã bắt đầu sử dụng công nghệ mới này để nới rộng sự hiểu biết của con người về cấu trúc bên trong của kim tự tháp.

Dự án mới “Rà quét Kim tự tháp” sử dụng tia vũ trụ để vẽ bản đồ “nội thất” của những điểm đến hấp dẫn nhất Ai Cập. Hình ảnh cho thấy có nhiều hốc quanh co bên trong của kim tự tháp 4.600 tuổi thường được gọi là Kim tự tháp cong - công trình cao 105 mét và cách thủ đô Cairo chừng 40 km về phía Nam.

Vào thời cổ đại, đã xuất hiện kiến trúc hình chóp được biết đến là Kim tự tháp Tỏa sáng ở phía Nam. Người ta tin đó là một trong những thiết kế sớm nhất của Ai Cập. Nó trông có vẻ kỳ quặc, nhiều khả năng được xây dựng trong thời kỳ giao thoa, chuyển tiếp từ cách xây dựng kim tự tháp bậc thang sang kim tự tháp nhẵn, phẳng.

Ảnh minh họa: Đại học Cairo/Cơ quan khảo cổ Ai Cập.
Ảnh minh họa: Đại học Cairo/Cơ quan khảo cổ Ai Cập.

Tia vũ trụ được sử dụng để làm sáng tỏ các dạng kiến trúc, và có thể so sánh với tia X quang. Các nhà khoa học đang sử dụng các hạt muon, loại hạt có trong tia vũ trụ để xuyên qua các lớp đất đá.

Thông qua đó, các nhà nghiên cứu có thể đo được độ dày của các công trình bằng đá và lập bản đồ các bộ phận bên trong của kiến trúc đó. Tính từ lúc phát đi các hạt muon, mất khoảng 40 ngày để người ta thu thập đầy đủ thông tin cần thiết.

Tất cả chỉ mới là sự khởi đầu, sắp tới giới khoa học sẽ còn nghiên cứu thêm nhiều kim tự tháp lừng danh khác tại xứ sở huyền bí Ai Cập.

Trung Nam

(Theo Businessinsider)

TIN LIÊN QUAN