"Đi thiên đường sách cũ"

09/04/2016 08:19

(Baonghean) - Cuối tuần, hứa với cô con gái nhỏ của chị cùng cơ quan đưa cháu đi hiệu sách. Những vòng xe, không hiểu sao lại dẫn tôi tới với đường Nguyễn Văn Cừ. Như í ới đâu đây, tiếng lũ bạn cấp 3: “Đi thiên đường sách cũ nhé!”. Tôi chợt nhận ra, có những thói quen, có những giấc mơ, có những ký ức nó đã “sống chung” với ta dù ta có đi xa chừng nào đi nữa.

Với lũ trò quê lơ ngơ lên phố trọ học cấp 3 Phan chừng dăm, bảy năm về trước, thì Vinh quá thênh thang. Tôi cũng là cô trò quê ấy với 2 bím tóc lạ lẫm sau chiếc xe máy cà tàng của bố vô Vinh nhập học. Cái ổ gà nơi ngã tư Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ năm ấy khiến tôi giật mình.

Tôi nhìn những biển hiệu, nhìn những dòng xe lại qua, nhìn “người phố” như tất bật, như hờ hững mà nhớ quê, nhớ mẹ thắt lòng. Bố tôi đã nắm chặt vai tôi trước cánh cổng trường Phan: “Con vào đi, gắng học cho tốt!” Cả đời bố tôi, đó là câu nói có vẻ “tình cảm” nhất với con gái mình... Tôi cũng chẳng ngờ, lần “chạm mặt” của tôi với con đường đáng nhớ nhất thời học sinh cấp 3 là như vậy...

Học sinh lớp 12 Trường chuyên THPT Phan Bội Châu lựa chọn sách trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Vinh)
Học sinh lớp 12 Trường chuyên THPT Phan Bội Châu lựa chọn sách
trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Vinh)

Thế rồi, chẳng mấy chốc, với chúng tôi, Vinh đã trở nên thân thuộc. Nhưng hơn cả thân thuộc, là tri kỷ, ruột thịt ấy là những quầy sách cũ của Vinh. Đã có nhiều năm tháng học đại học xa, tôi nhắm mắt vẽ Vinh trong trí tưởng, cứ thấy hiện lên con đường Nguyễn Văn Cừ - thiên đường của lũ trò nhỏ và những quầy sách không chỉ để cho người ta đến tìm tri thức mà còn để tìm một không gian đọc độc đáo, tìm thấy những câu chuyện, những dấu tay, những nét chữ... khiến ta mơ màng hay sửng sốt khi chạm vào nó.

Đã có lần tôi hỏi chuyện cô bạn người Vinh, nhà ở ngay đường Nguyễn Văn Cừ này: Những quầy sách cũ nơi này có tự bao giờ vậy? Cô bạn tôi trả lời rằng: Mình cũng không biết đích xác tiệm sách cũ đầu tiên ở thành Vinh xuất hiện từ lúc nào. Chỉ nhớ mang máng rằng quãng năm 1999, một cửa tiệm với biển hiệu “Cửa hàng sách báo cũ” xuất hiện trước mắt mình. Kể từ đó, như một xu thế, cửa hiệu thứ 2, thứ 3, thứ 4... xuất hiện. Lúc bấy giờ, các chủ cửa hàng mới đặt tên cho cửa tiệm của mình như Hương Thơ, Thông Tâm... Và từ lúc đó, con đường Nguyễn Văn Cừ đã chính thức trở thành thiên đường sách cũ.

...Và bây giờ thì tôi đang dõi mắt tìm những biển hiệu thuở xưa, nói với cô bé con đi theo mình rằng: Ta đi xem sách cũ một chút nhá! Cô bé con ngơ ngác gật đầu. Có lẽ, nó thắc mắc lắm, rằng vì sao tôi lại tìm đến sách cũ? Những tiệm sách thiên đường của tôi xưa giờ chỉ còn lại vài ba cái trong số hơn chục tiệm đã từng tồn tại một cách huy hoàng những năm xưa. Chúng lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng, những cửa hiệu thời trang đang “bành trướng” với sắc màu rực rỡ, bắt mắt.

Những tấm biển tên cũ kỹ, phai màu nắng gió. Tôi cũng tự ngạc nhiên vì sao nó vẫn tồn tại giữa biết bao chuyển dời của cuộc sống? Có phải vẫn còn nhiều những ông già đã về hưu mê sách, những cô cậu học trò nghèo đi đọc “chùa” là chính như chúng tôi xưa, hay là những tiệm sách ấy đang chờ bàn chân chúng tôi một ngày quay lại với bao bồi hồi giữa phố phường tấp nập. Chúng đang cố lưu giữ những kỷ niệm một thời hoa niên của lũ chúng tôi chăng?

Tra cứu từng tầng tìm đầu sách mình cần.
Tra cứu từng tủ tìm đầu sách mình cần.

Nếu như những hiệu sách, nhà sách to đẹp đàng hoàng mở ra trên nhiều con phố quyến rũ người ta với mùi mực in, những trang sách chờ tay người lần đầu khám phá, những cuốn mới nhất với những cái bìa sách được sáng tạo tuyệt hơn sau mỗi lần xuất bản, tái bản... thì những tiệm sách cũ nhìn có vẻ im lìm này lại tạo ra một không gian khác, bình yên hơn, trầm lắng hơn. Nó như có sự lựa chọn riêng của mình về “khách hàng”.

Đừng nghĩ rằng sách cũ không có mùi hương riêng nhé. Đã bao lần tôi mỉm cười khi nhớ về câu chuyện vui dân gian ông mù “ngửi văn”. Tôi cũng nhắm mắt nhiều lần, sờ tay lên những cái giá có vẻ xập xệ cũ kỹ để cảm nhận: đây chắc chắn là kệ sách thiếu nhi, những bộ truyện tranh một thời làm mưa làm gió: Thần đồng đất Việt, Doremon, Thám tử lừng danh Conan... Còn đây nhé, những kệ sách dẫn ta đến với một thế giới đầy lãng mạn tốt đẹp, phiêu lưu hay xúc động: Cánh buồm đỏ thắm, Con Bim trắng tai đen, Robinson Cruso... Góc trong cùng là những cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo của Nhà Xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm... và rõ ràng, cái mùi hương của những cuốn sách ấy nó cũng khác nhau. Tôi nghĩ, đứa học trò nào ngày ấy cũng có thể “ngửi” được mùi hương sách cũ...

Và trong cái không gian chật hẹp ấy, một thế giới bao la rộng lớn đã mở ra trước mắt tôi. Tôi đã gửi biết bao nhiêu mơ màng, bao giấc mộng hoa niên của mình trong những trang sách cũ. Cả giấc mơ thành công. Gắn với đó là những lo lắng, trở trăn mỗi kỳ thi...

Hẳn rằng, bạn cũng sẽ có cảm giác như tôi, khi bất chợt tìm thấy trong những kệ sách kia, một cuốn sách quý giá đang kiếm tìm. Đó chính là cảm giác hạnh phúc, khám phá, xúc động. Một cuốn lịch sử quê hương, một tấm bản đồ thành Vinh xưa...

Đã có lần tôi nhặt trong những trang sách ấy một cánh hoa ép dở, một hàng chữ đánh dấu, những ghi chú cẩn thận. Có cả những hàng địa chỉ, ngày mua sách, quầy sách. Bạn có xao xuyến không, khi đọc được những dòng chữ đã bắt đầu nhòe nét mực: “Hà Nội, một ngày mưa tháng 8 năm 1982”; “Tặng bạn cuốn sách mà chúng ta cùng yêu thích”; “Hy vọng cuốn sách tham khảo này sẽ giúp T. vào đại học”; “Nhớ lần đến Hiệu sách Vinh, nghĩ nhiều tới M, tháng 9 năm 1990”... Nó đã từng của một cô bé mộng mơ, một anh chàng lãng mạn, một ông lão cẩn trọng hay một cô trò đang thao thức trong mùa thi?

Bản thân nó đã mang đến hôm nay những câu chuyện về hành trình cuộc sống, những thông điệp về yêu thương. Tôi hay lặng nhìn những “bút tích” còn lưu dấu trong những trang sách cũ để tưởng tượng ra câu chuyện về cuốn sách, cả những câu chuyện về những con người đã nâng nó trên tay. Không hiếm lần bất ngờ gặp những cuốn do chính tác giả ghi lời đề tặng. Vì sao nhỉ, điều gì đã đưa nó tới với quầy sách cũ này chứ? .

Có những cuốn sách đã trải qua một chặng đường dài, di chuyển từ những tiệm sách cũ nằm trên con đường Láng ở thủ đô để đến thành Vinh, có những cuốn được mua lại từ những người bán đồng nát, lại có những cuốn được vị chủ nhân cũ đem đến đổi để lấy những cuốn sách mình cần... Để rồi trên những cái giá sách đóng bằng gỗ hay sắt này, chúng gối đầu bên nhau ngỡ chừng im ắng.

Và một điều này nữa, tôi muốn quay lại nơi này vì tôi muốn gặp lại họ, những vị chủ tiệm ngày xưa. Có người khó tính khi lũ trò chúng tôi lôi sách xem rồi sau đó không biết đường mà sắp lại. Có người dường như dửng dưng không màng đến chúng tôi.

Cũng có người thân thiện và cởi mở... Là chị Hương, chị Tâm, anh Thơ... có thâm niên hàng chục năm, nhiều nhất cũng đã 20 năm bán sách cũ. Điểm chung ở họ - những người kinh doanh mặt hàng đặc biệt này bắt nguồn từ tình yêu với sách. Họ đã làm như mình vô tâm, không để ý đến lũ trò nghèo ham học, ham đọc kia đang ngồi cả buổi trong quầy, cố giấu mặt mình đi sau những kệ sách kê cao để “đọc chùa”.

Có ai hay, sau cái vẻ mặt dửng dưng ấy là chan chứa những thấu hiểu, trìu mến, yêu thương. Mới biết, người phố Vinh không tất bật, không hững hờ như đứa trẻ quê là tôi từng nghĩ. Sau những nhịp phố kia là biết mấy lắng sâu, là vẫn cội rễ tình người...

...và nghiên cứu nhanh.
...và nghiên cứu nhanh.

Rồi thì không biết có phải vô tình hay hữu ý mà ngay bên cạnh những tiệm sách cũ ở đường Nguyễn Văn Cừ đặt cơ man nào là những quán ăn vặt dành cho giới trẻ. Sau nhiều giờ cắm cúi vào những cuốn sách, lúc bước ra khỏi cửa hàng sách cũ cũng là lúc dạ dày bắt đầu “lên tiếng”.

Cái mùi thơm của hành phi mỡ, cái ngọt dịu của thứ nước mắm thơm nức lòng, cái dai của lớp bột lọc trắng trong, cái vị đậm đà của con tôm nhân bánh hay đơn giản chỉ là cái ngọt bùi của một cốc chè khoai khiến bạn chỉ muốn sà ngay vào những cửa hàng bánh bèo, chè khoai vốn nổi tiếng từ lâu nằm ngay bên cạnh.

Bây giờ, đường Nguyễn Văn Cừ còn có thêm nhiều hơn nữa những quán ăn vặt, những quán ăn nhanh dành cho giới trẻ với đủ các loại món, lại còn nhận ship hàng trong thành phố nữa. Nào Mộc quán, Moon, đồ nướng, hay quầy bánh tây mở ra ngay đầu ngã tư Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ...

Và tôi, sau những tháng năm theo học đại học đã kịp trở về đây cùng phố. Ở giữa phố mà nhớ phố. Ở giữa phố mà mơ tưởng những ngày qua. May thay, vẫn còn đó thiên đường của tôi. Những thiên đường lưu dấu cũ xưa, và tôi vẫn gặp bóng áo trắng lẫn giữa những chồng sách kê cao.

Cậu học trò nào đang gửi mộng mơ, khát vọng sau mỗi trang giấy kia... Chào em, hay cũng chính là chào tôi của một ngày cũ. Phố Vinh, nhờ vậy, thân thương hơn biết mấy...

Vinh - Thanh

TIN LIÊN QUAN