Đã chơi bóng là phải "máu lửa"

10/04/2016 07:00

(Baonghean) - Bị “mang tiếng” là có lối đá “chém đinh chặt sắt” thế nhưng nhiều năm trở lại đây SLNA không còn nằm trong top những đội bóng phải nhận nhiều thẻ phạt nhất. Tuy nhiên từ bỏ lối chơi truyền thống, đồng nghĩa với việc đội bóng xứ Nghệ đã làm mất đi sức mạnh và bản sắc “máu lửa” vốn có.

Các đội bóng những năm đầu thập kỷ 20 đều rất “ngán” khi phải đối đầu với SLNA. Không giống như lối chơi ban bật, phối hợp nhỏ của Thép MN - Cảng SG, không đậm chất lính và kỷ luật như Thể Công, đội bóng xứ Nghệ luôn có một thứ vũ khí vô cùng lợi hại đó là yếu tố tinh thần, sự quyết liệt trong thi đấu. Và đặc biệt là lối chơi khó “bắt bài” dựa trên cảm hứng thay vì có chiến thuật rõ ràng như trong sách vở.

HLV Nguyễn Hữu Thắng - người được cho là biểu tượng, người truyền cảm hứng cho bóng đá xứ Nghệ nhiều lần khẳng định rằng: “Bóng đá không có chỗ cho những kẻ nhút nhát. Ở SLNA, không có chỗ cho những người chơi bóng không có tinh thần. Cầu thủ dù đá hay đến bao nhiêu, nhưng không có tinh thần thi đấu thì chắc chắn cầu thủ đó sẽ bị loại”.

Các cầu thủ SLNA nổi tiếng với tinh thần quyết liệt, máu lửa.
Các cầu thủ SLNA nổi tiếng với tinh thần quyết liệt, máu lửa.

Suốt quá trình khẳng định vị thế trong làng bóng đá Việt, sức mạnh mà cũng là vũ khí của SLNA được xây dựng nên nhờ điểm tựa ở hàng thủ. Có thể dễ dàng kể tên những “thủ lĩnh” nơi hàng hậu vệ có phong cách thi đấu rất máu lửa, những pha xoạc bóng và tung người móc bóng là đặc sản của đội bóng xứ Nghệ như Quang Hải, Hữu Thắng, Văn Lưu, Sỹ Sơn, Huy Hoàng, Đình Đồng, mới đây là Quế Ngọc Hải.

Mỗi lần Quế Ngọc Hải ra sân đều cho thấy chất “lửa” và không ngại va chạm, kể cả trong những trận đấu mới trở lại sau án phạt.

Thời kỳ của những bậc tiền bối trước đây, “chém đinh chặt sắt” chỉ là cái tên mà người ta đặt cho lối chơi này và theo các thế hệ HLV trưởng SLNA giải thích: “Chém đinh chặt sắt” là thi đấu máu lửa khi ra sân, hết mình, lăn xả và quyết liệt trong từng pha tranh chấp, khác hoàn toàn với việc cố tình triệt hạ đối phương”.

Cũng ở giai đoạn này, gần như không có tai nạn nào xảy ra giống như trường hợp của Trần Anh Khoa với Quế Ngọc Hải. Một phần vì trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong những pha tắc bóng, “cắt kéo” chưa được thế hệ trẻ SLNA lĩnh hội hết.

Rõ ràng, bóng đá là một cuộc chơi mang tính đối kháng, sự hết mình và lăn xả là việc cần được khuyến khích, nhất là ở SLNA. Quan trọng hơn, để có thể “chém đinh chặt sắt” theo đúng nghĩa của nó, không phải là chuyện dễ dàng nếu không có tố chất, sự tỉnh táo hoặc thâm niên chơi bóng.

Rất nhiều cầu thủ SLNA đã phải chịu án điểm trong thời gian qua.
Rất nhiều cầu thủ SLNA đã phải chịu án điểm trong thời gian qua.

Ở một phương diện nào đó, “chém đinh chặt sắt” cũng là minh chứng cho thấy sự đoàn kết, thống nhất trong cách triển khai lối chơi hoặc tập trung phòng ngự làm giảm sức mạnh của đối thủ.

Bây giờ, sau hàng loạt những án phạt điểm nhắm vào đội bóng, gần như SLNA đã từ bỏ lối chơi truyền thống vốn có của mình. Và hệ lụy là các cầu thủ xứ Nghệ đang dần mất đi chất “lửa” trong thi đấu.

Thậm chí, luật mới và Liên đoàn bóng đá Việt Nam áp dụng còn khiến tất cả các cầu thủ Việt phải thấp thỏm dè chừng với đôi chân của đồng nghiệp, điều dễ nhận thấy nhất ở các cầu thủ SLNA.

Chắc chắn SLNA sẽ lại là đối thủ đáng gờm với bất kỳ đội bóng nào nếu họ phát huy lối chơi truyền thống mà ở đó, mỗi cầu thủ như một chiến binh. Đổi lại, các cầu thủ, HLV sẽ phải chấp nhận những áp lực từ dư luận, từ CĐV đối phương và cả trọng tài lẫn ban kỷ luật nếu phạm sai lầm trong một tích tắc.

Với riêng những CĐV xứ Nghệ, chúng tôi ủng hộ, trông chờ vào một SLNA thi đấu có đường nét hoặc ít nhất là sự máu lửa, hết mình từng thấy ở những đàn anh Hữu Thắng, Huy Hoàng.

Hoài Hoan

TIN LIÊN QUAN