Đa cấp - cạm bẫy đắng cay
“Cơn bão” mang tên kinh doanh đa cấp Liên kết Việt đã tạm lắng nhưng ở Làng Xuân Dục ( Mỹ Hào, Hưng Yên) và có lẽ nhiều làng quê khắp ở 27 tỉnh, thành của đất nước, hậu quả nặng nề người dân vẫn đang và sẽ phải hứng chịu trong một thời gian dài.
Đây là vụ lừa đảo gây sốc với những “kỉ lục“: Diễn ra trong thời gian cực ngắn - 2 năm nhưng đã có 60.000 người bị đưa vào tròng, tổng số tiền lừa đảo lên đến gần 2.000 tỉ đồng!
Chúng tôi gặp một cụ bà đã 87 tuổi, đang bị bó bột cánh tay trái. Cụ là Nguyễn Thị Mạch ở thôn Xuân Đào. Gánh nặng tuổi tác và thời gian khiến cái lưng của cụ như sụm xuống, thêm sự lo nghĩ vì mất tiền đã nộp cho Liên kết Việt khiến các nếp nhăn trên gương mặt cụ càng chằng chéo hơn.
Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã bắt giữ Lê Xuân Giang, kẻ đứng đầu Công ty Liên kết Việt. |
Cụ kể: “Tôi có chút tiền dành dụm để sau con cháu lo việc hậu sự cho tôi. Thế mà chúng nó đến dụ dỗ, bảo rằng cụ chỉ việc đóng 8,6 triệu đồng và ngồi yên đấy chờ, vài năm sau có đến 409 triệu đồng. Hơn nữa, một tháng 2 lần được “lĩnh lương” (100 ngàn đồng). Nghĩ thôi thì cứ đóng vào, hàng tháng lấy tiền tích lại, nếu không sống được 5 năm nữa lấy khoản tiền lớn kia thì cũng có của cải để lại cho con cháu. Nào ngờ…”.
Cụ có 8,6 triệu đồng đóng tất cả vào được một mã, lĩnh được 2 lần “lương”, mỗi lần 100 ngàn đồng thì “đại lý” Liên kết Việt ở Xuân Dục vỡ theo công ty chính. Cụ thấy xấu hổ với con cái, vì già rồi còn dại. Cụ cũng đã chống gậy đến tận nhà “đại lý” để đòi nhưng họ không trả, còn chối phắt: “Chẳng hứa hẹn gì”.
Đi đường nghĩ lẩn thẩn tiếc của, vấp ngã, giờ cụ phải bó bột tay trái. Biết chúng tôi đến điều tra về vụ việc lừa đảo của Công ty Liên kết Việt ở Hưng Yên, cụ tới chỗ hẹn với chúng tôi sớm nhất, móm mém kể, móm mém khóc, trông rất xót xa…
Khi biết nhóm phóng viên chúng tôi về Xuân Dục, nhiều nạn nhân bị lừa đảo gọi nhau đến để trình bày, dù họ biết chúng tôi sẽ không thể giúp họ đòi lại được số tiền đã nhẹ dạ bỏ ra “kinh doanh đa cấp”. Ngôi nhà của chị Phụ, cũng là một nạn nhân trong vụ việc này, chẳng mấy chốc chật người đến “đấu tố” bọn lừa đảo.
Những người phụ nữ thôn quê chất phác vất vả với cuộc mưu sinh, nay phải gánh thêm nỗi buồn mất của nên gương mặt ai nấy đều não nề. Họ kể rằng, “đại lý” Liên kết Việt ở xã Xuân Dục là Nguyễn Khắc Minh và vợ là Lê Thị Tuyết. Ngày ra mắt “đại lý”, Minh đã mượn cả trụ sở UBND xã để tổ chức.
Vì Minh quảng cáo đây là Công ty của Bộ Quốc phòng, là mô hình xóa đói giảm nghèo, bản thân Minh cũng là quân nhân, thường mặc quân phục trong lễ khánh thành hay giảng giải về việc tham gia kinh doanh đa cấp nên mọi người rất tin. Vả lại, người cùng làng, thậm chí có mối quan hệ họ hàng, Minh vẫn bảo: “Nếu công ty vỡ thì cháu lấy tiền nhà trả các bà”. Người này rủ người kia, càng người nghèo càng cố nghĩ và bấu víu hy vọng vào một tương lai phía trước. Nhiều người còn đi vay lãi để gửi cho Minh…
Nếu so số tiền bị lừa của người dân Xuân Dục với các nạn nhân khác của Liên kết Việt thì không nhiều, chục triệu, vài chục triệu đến vài trăm triệu/người. Thế nhưng, nhìn vào hoàn cảnh của họ, có người cả gia sản không quá vài triệu thì số tiền sẽ hiểu rõ hậu quả lâu dài.
Đang đi thu mua lông gà, lông vịt, nghe tin chúng tôi đến, chị Phạm Thị Xuân, 54 tuổi, vội vã đạp xe đạp với bao hàng đồng nát trở về. Dáng người sắt lại vì quá vất vả, nước mắt vòng quanh, chị Xuân cho biết, chị không có chồng con, hiện đang nuôi mẹ già. Hàng ngày, chị đi thu mua đồng nát, nhặt lông gà, lông vịt lấy tiền nuôi mẹ. Khi xuất hiện “đại lý” của Liên kết Việt ở Xuân Dục, chị cũng thử đến nghe một vài lần thuyết trình về kinh doanh đa cấp theo kiểu tiền sinh bội tiền.
Các nạn nhân Phạm Thị Xuân, Phạm Thị Oanh và Nguyễn Thị Mạch khốn khổ vì dính bẫy đa cấp. |
Đêm về, chị Xuân không ngủ được, giấc ngủ của người đàn bà nghèo cứ bị chập chờn bởi những con số 8,6 triệu thành 409 triệu, rồi càng nhiều mã càng sinh lời. Đối với chị, chưa bao giờ nghĩ đến con số trăm triệu; vậy mà, theo cách nói của Minh, chị chỉ cần đầu tư rất ít để có được tiền tỷ. Nhiều đêm trăn trở, chị Xuân đã dốc hết vốn liếng đã dành dụm được sau nhiều năm thu mua đồng nát, mua được 3 mã, vay lãi thêm mua 7 mã để được hưởng mức VIP.
Đùng một cái, Liên kết Việt vỡ, đối tượng Minh phủi tay, thế là giấc mơ đổi đời của người đàn bà nghèo đã tan nhanh như bong bóng xà phòng. Chị có thể lại cày cụi đi bới lông gà, lông vịt để nuôi mẹ tiếp, nhưng còn khoản vay lãi 60 triệu đồng với mức lãi suất 10-12%, biết bao giờ mới trả nổi? Rồi lãi mẹ đẻ lãi con…
Chị Xuân chỉ vào đôi chân khẳng khiu của mình, vừa nói vừa chảy nước mắt: “Chị bị u kheo chân, suy thận, suy gan, nhưng muốn đi mổ thì lấy đâu ra tiền nữa. Còn gánh nặng trả lãi hàng ngày, trước đây mẹ con còn thi thoảng được miếng thịt, bây giờ phải bóp mồm bóp miêng rau cháo qua ngày. Mà chị không biết còn đủ sức khỏe để ngày nào cũng đi làm hay không?”
Nhiều người phụ nữ đến chỗ chúng tôi, chỉ ngồi lặng lẽ, bẽ bàng lau nước mắt. Họ cũng là nạn nhân nhưng đã giấu chồng, giấu con chơi kinh doanh đa cấp và đành âm thầm chịu đựng một mình. Nếu để người thân biết số tiền cả gia đình dành dụm bao năm đã bị biến mất theo “thằng” Liên kết Việt thì chắc chắn sẽ có những bi kịch xảy ra.
Bà Phạm Thị Oanh, 52 tuổi, người bị lừa mất tiền mua 14 mã vừa bế cháu vừa nói: “May mà ông nhà tôi mất rồi chứ ông ý còn, biết chuyện, ông ý chém chết”. Bà Oanh có chút quan hệ họ hàng với nhà Nguyễn Khắc Minh.
Ba năm qua, người của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy lôi kéo bà chơi đa cấp, bà nhất định không mắc. Vì dì ruột của Minh là em dâu bà, vả lại Minh rất ngon ngọt, bảo rằng nếu một năm sau bà không thích chơi nữa thì vợ chồng Minh sẽ trả lại các mã kèm đủ trả lãi. Thế nhưng, khi vỡ trận, bà ngồi đợi mấy ngày đêm cũng không được vợ chồng Minh trả đồng nào. Hiện bà đã phải bán một mảnh đất trả nợ (vì bà Oanh vay lãi để mua các mã hàng), rồi cứ cày cụi hàng tháng trả lãi và không biết đến bao giờ mới trả được hết gốc cho người ta.
Thế mới có câu chuyện cười ra nước mắt mà điều tra viên của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hưng Yên kể lại. Khi điều tra viên theo địa chỉ nhà nạn nhân đến gặp để ghi lời khai thì chỉ gặp chồng họ. Biết vợ mình tham gia đa cấp và bị lừa, ông chồng 62 tuổi bỏ mặc khách, chạy huỳnh huỵch xuống cánh đồng vợ đang cấy để “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người má ấp vai kề vì đã để gia đình bỗng chốc tay trắng. Các điều tra viên phải nhảy xuống ruộng giải cứu bà vợ và trở thành những người hòa giải bất đắc dĩ.
Theo các điều tra viên của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hưng Yên, tại Hưng Yên hiện có hơn 600 nạn nhân của Công ty kinh doanh đa cấp Liên kết Việt. Mỗi nhà mỗi cảnh nhưng nỗi đau của họ sẽ còn kéo dài.
Nhớ chuyện siêu lừa Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên kết Việt trong Trại tạm giam đã than thở rằng: “Nhiều tiền chết có mang đi được đâu”. Nhưng anh ta đâu biết rằng, vì cái sự kiếm tiền bừa phứa của anh ta mà biết bao làng quê đã bị cơn bão “kinh doanh đa cấp” tràn qua. Hơn 60 nghìn nạn nhân là hơn 60 nghìn cảnh đời không thể bình yên. Đã có người đột tử, đã có người thắt cổ quyên sinh, không ít người bỏ làng, bỏ nhà ra đi. Nhiều gia đình vợ chồng, con cái ly tán…
Có bao giờ, những kẻ kinh doanh đa cấp nghĩ đến điều này, hay chúng chỉ biết đến việc tìm cách lừa đảo và nghĩ cách “đốt tiền”? Và những cơ quan chức năng như Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương, họ có nghĩ đến hàng chục nghìn người dân đang điêu đứng vì kinh doanh đa cấp lừa đảo, để siết chặt việc cấp phép và quản lý?
Hiện nay, theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, vẫn có gần 60 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được cấp phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Trong số đó, chắc chắn có không ít “mầm họa” tương tự “Liên kết Việt”. Hơn lúc nào hết, để “chặn bão lừa đảo kinh doanh đa cấp”, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng!
Theo CAND