Những thông điệp ngầm gửi Trung Quốc sau cuộc gặp Abe-Putin

09/05/2016 11:06

(Baonghean) - Chuyến thăm Nga và hội kiến Tổng thống Putin tại Sochi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phát thông điệp ngầm đến Trung Quốc, rằng đồng minh của nước này vẫn có khả năng đưa tay hợp tác với Nhật Bản, phù hợp với xu thế hiện nay của thế giới.

Tổng thống Nga hoan nghênh Thủ tướng Nhật Bản tại thành phố Sochi hôm 6/5. Ảnh: AFP.
Tổng thống Nga hoan nghênh Thủ tướng Nhật Bản tại thành phố Sochi hôm 6/5. Ảnh: AFP.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Mỹ kêu gọi các đồng minh châu Âu và Nhật Bản tiến hành bao vây cấm vận xứ sở bạch dương. Bởi vậy, các quốc gia trên khi tiếp xúc với nước Nga, hay với Tổng thống Putin đều “nhìn trước ngó sau” hết sức cẩn trọng, thăm dò phản ứng của Mỹ để tránh làm phật lòng đồng minh.

Nhật Bản cũng không phải ngoại lệ, trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc, đất nước hoa anh đào phải dựa vào chiếc ô an ninh hạt nhân của Mỹ để bảo vệ an ninh quốc gia.

Trong bối cảnh Nga-Mỹ đối đầu, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh 7 nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản cuối tháng này, việc ông Abe quyết định gặp ông Putin hiển nhiên đã trở thành đề tài bàn luận của thế giới.

Liệu sự kiện trên có động chạm đến quan hệ Mỹ-Nhật? Cần nhắc lại rằng trong 3 năm cầm quyền Thủ tướng Nhật Bản gặp gỡ Tổng thống Nga nhiều hơn Tổng thống Mỹ, cho thấy việc thiết lập quan hệ với Moskva là vấn đề hết sức quan trọng đối với Tokyo. Và không vì quan hệ đồng minh với Mỹ mà Nhật lại “bỏ rơi” mối quan hệ với Nga, bởi những cường quốc khôn ngoan nhất sẽ đa dạng hóa quan hệ trong bối cảnh quốc tế phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay.

Dĩ nhiên, chuyến thăm ông Putin ngày 6/5 vừa qua của ông Abe đã khiến Mỹ không vừa lòng. Nhưng họ cũng phản ứng rất dè dặt, thậm chí Mỹ còn tỏ ra ủng hộ chuyến đi này một cách công khai. Nhưng phía Mỹ cũng biết quan hệ Nhật-Nga có giới hạn nhất định, dù gặp Putin nhiều lần thì quan hệ song phương của họ vẫn còn nhiều bất đồng khó giải quyết. Tiên lượng được giới hạn mà Nhật khó vượt qua khi bắt tay với Nga phần nào giúp Mỹ yên tâm.

Xét trên phương diện khác, quan hệ cải thiện giữa Nhật với Nga cũng làm lợi cho Mỹ, bởi sẽ có tác động ngầm tới Trung Quốc, phá vỡ liên minh của Moskva với Bắc Kinh, đồng thời giúp Nhật gửi đi thông điệp họ không chỉ là đồng minh với Mỹ mà còn xem Nga là bạn. Tình cảnh này buộc Trung Quốc phải xem xét lại các hành động của mình trên Biển Đông nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Trong chuyến công du vừa qua, ông Abe chắc chắn đã thông báo với các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp,… về nội dung thảo luận với Nga tại Sochi. Dù vậy, rõ ràng ông Abe vẫn hiểu rằng tranh chấp lãnh thổ là đề tài khó lòng giải quyết trong cuộc gặp lần này.

Còn về kinh tế, Nhật-Nga đang có khoảng không hợp tác rộng rãi về khí đốt, khí hóa lỏng, tài chính, công nghệ,.. Và biết đâu, chương trình nghị sự giữa 2 nhà lãnh đạo có đề cập đến khả năng hợp tác và an ninh, dù không nói ra nhưng kịch bản này cũng khiến Trung Quốc phải bận lòng.

Trong chuyến đi này, Nhật cũng đề nghị Nga giảm bớt chuyển giao vũ khí, phương tiện hiện đại cho Trung Quốc vì việc đó sẽ làm lệch cán cân quân sự tại Đông Bắc Á, gây bất lợi cho Tokyo và các nước khác.

Nga và Nhật còn nhiều khoảng không hợp tác về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực khí đốt. Ảnh: Internet.
Nga và Nhật còn nhiều khoảng không hợp tác về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực khí đốt. Ảnh: Internet.

Dư luận cũng đặt câu hỏi đâu là nguyên do thực sự khiến Nga vui vẻ chào đón Thủ tướng Nhật Bản? Trong 2 năm qua, có thể nói rằng bao vây cấm vận đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Nga. Giờ đây, đồng minh của Mỹ, nền kinh tế thứ 3 thế giới đến thăm Nga, cho thấy Nga không hề đơn độc.

Khi mở toang cánh cửa hợp tác với Tokyo, mục đích sâu xa của ông Putin còn nhằm phát đi thông điệp chính trị và ngoại giao rằng Nga không thể bị cô lập. Thứ nữa, Nga cần vốn và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, đánh thức những tiềm lực đang ngủ yên, còn Nhật là quốc gia có đầy đủ điều kiện hỗ trợ Nga, giúp Moskva đa dạng hóa đối tác khai phá vùng Viễn Đông. Rõ ràng ông Putin đang muốn bắt tay với Nhật để giảm sức ép và sự phụ thuộc vào đồng minh Trung Quốc cả về kinh tế lẫn an ninh.

Về phần mình, Trung Quốc rất khôn ngoan và kín tiếng. Một số trang tin chính thống của Trung Quốc chỉ đưa tin chuyến thăm Nga của Nhật Bản như bình thường. Nhưng thực chất, phải nói rõ rằng Bắc Kinh không muốn Moskva bắt tay với Tokyo, bởi khi đó sức ép của nước này đối với Nga, Nhật sẽ giảm đi.

Về xu hướng phát triển quan hệ Nga-Nhật trong thời gian tới, như đã nói ở trên, xét phương diện kinh tế, Nga cần Nhật Bản và ngược lại Nhật Bản cũng công khai rằng họ cần Nga. Về mặt chính trị, còn khúc mắc về Vùng lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril giữa 2 bên. Nhưng vấn đề ngầm hiểu là trước sức mạnh hiện nay của Trung Quốc, Nhật hay Mỹ đều đứng ngồi không yên trước quan hệ chặt chẽ Bắc Kinh-Moskva, do đó mở rộng quan hệ Nhật-Nga phục vụ lợi ích của cả 2 bên Nhật và Mỹ.

Có thể dự đoán trong thời gian tới 2 bên sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ về cả chính trị, kinh tế lẫn an ninh. Rào cản tranh chấp lãnh thổ và liên minh Mỹ-Nhật vẫn sẽ đóng vai trò những chiếc phanh hãm không cho quan hệ Nhật-Nga tiến triển nhanh chóng, nhưng xu hướng chung là mối quan hệ này sẽ ngày một cởi mở và phát triển theo chiều hướng tích cực.

PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an

TIN LIÊN QUAN