Thanh Chương – mảnh đất của những anh hùng

01/05/2016 21:18

(Baonghean.vn) - Thiên nhiên không hào phóng ban tặng cho Thanh Chương những tài nguyên sẵn có nhưng từ trong đói khổ, mảnh đất này đã sản sinh ra nhiều danh tướng.

Phát huy truyền thống Xô viết Hạnh Lâm - Võ Liệt, qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thanh Chương là hậu cứ quan trọng, đồng thời cũng là chiến trường ác liệt chống lại các cuộc chiến tranh phá hoại. Cùng những đóng góp đặc biệt xuất sắc ở hậu phương, đã có trên 50.000 lượt người con Thanh Chương lên đường cầm súng chiến đấu trên các chiến trường. Phát huy truyền thống quê hương, họ đã hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc. Trong đó có 11 người được phong tặng và truy tặng danh hiệu nhà nước cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Cảnh sắc Thanh Chương. Ảnh: internet.
Cảnh sắc Thanh Chương. Ảnh: internet.

Nhiều người trong số họ khi nhắc đến làm quân thù khiếp sợ như Trung tướng Nguyễn Đệ (biệt danh là Ba Trung) – vị tướng nổi danh một vùng miền Tây Nam bộ. Câu chuyện về Trung tướng Nguyễn Đệ - người con của mảnh đất Võ Liệt anh hùng đã trở thành truyền ngôn được người dân “quê nhút” nhắc nhớ mãi.

Sinh ra trong một gia đình nghèo thuộc xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương (Nghệ An), chưa đầy 4 tuổi, cậu bé Đệ đã phải gánh chịu phận mồ côi cha, rồi 3 năm sau mẹ cậu đi bước nữa và theo bố dượng vào mưu sinh ở đất Nam Kỳ. Mới lên 7 tuổi, Nguyễn Đệ đã trở thành người ở đợ cho một gia đình hào phú trong làng.

Đi ở được 4 năm, khi cậu đã thấm thía hết mọi đắng cay, tủi nhục thì người mẹ từ miền Nam trở về trả cho chủ nhà 30 đồng bạc Đông Dương để chuộc con trai. Sau đó, người mẹ đưa cậu con trai vượt hàng ngàn cây số vào tận sở cao su Bình Ba, thuộc Xuân Lộc (nay là huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Tại đây, cậu bé hơn 10 tuổi chính thức trở thành một phu đồn điền, sống cuộc đời cơ cực, cay đắng dưới đòn roi của bọn cai đồn.

Trung tướng Nguyễn Đệ (giữa) và Bộ Tư lệnh Tiền phương quân khu IX lên kế hoạch mở màn chiến dịch Đông - Xuân 1974 - 1975 ở mặt trận Vĩnh - Trà.  Ảnh: Tư liệu
Trung tướng Nguyễn Đệ (giữa) và Bộ Tư lệnh Tiền phương quân khu IX lên kế hoạch mở màn chiến dịch Đông - Xuân 1974 - 1975 ở mặt trận Vĩnh - Trà. Ảnh: Tư liệu

Tháng 4/1945 đã mở ra bước ngoặt cuộc đời của người thanh niên đất Nghệ lưu lạc trên đất Nam Kỳ. Tham gia tổ chức Thanh niên Tiền Phong, Nguyễn Đệ được giao nhiệm vụ rải truyền đơn tuyên truyền, sau đó làm liên lạc cho Mặt trận Việt Minh cấp huyện. Do tích cực, hăng hái hoạt động, lại được tham gia lớp bồi dưỡng chính trị, Nguyễn Đệ được cử làm thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong xã Phước Thiềng (huyện Long Thành). Từ đó, với ý chí và bản lĩnh cách mạng, Nguyễn Đệ luôn lập công xuất sắc trong các nhiệm vụ, ‘băng’ qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc với tâm thế của ‘người đứng mũi …”.

Chuyện về Trung tướng Nguyễn Đệ còn được người dân Võ Liệt nhớ như in, rằng mải miết trên những dặm trường chiến trận, khi đã nguôi việc trọng nước nhà, Trung tướng mới có thời gian trở về tìm quê cũ. Xa quê từ thuở còn thơ, nhớ về quê nhưng không rõ đích xác ở đâu. Cứ lần tìm, hỏi han mãi mới vỡ òa trong hạnh phúc khi tìm được miền quê Võ Liệt – nơi chôn rau cắt rốn của mình. Cuộc đời và sự nghiệp của Trung tướng Nguyễn Đệ là bản anh hùng ca bất khuất, tiêu biểu cho hàng ngàn người con đất Thanh Chương vươn lên từ đói khổ, nô lệ, tìm đến ánh sáng cách mạng.

Đình Võ Liệt (Thanh Chương). Ảnh: Công Kiên.
Đình Võ Liệt (Thanh Chương). Ảnh: Công Kiên.

Từ miền quê Thanh Chương ra đi, với hành trang là sức mạnh tinh thần và truyền thống quê hương, không ai trong số họ nghĩ rằng mình sẽ trở thành người anh hùng trong cuộc chiến. Thế nhưng, phải chăng, chính sự chịu thương, chịu khó, tính cách can trường, bền bỉ, quyết liệt của người ‘quê nhút’ đã giúp họ trở thành người lính trong tốp đầu của nhiều đơn vị. Như Anh hùng phi công Nguyễn Ngọc Độ, Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Xuân Cần, Anh hùng Hoàng Đình Kiền, Anh hùng Nguyễn Quang Trung … Có người hiển hách với binh nghiệp nhưng cũng có người rời quân ngũ như những người lính bình thường. Và có nhiều người, rời tay súng lại bình dị nắm chắc tay cày nơi cuối sông đầu bãi.

Những người anh hùng trên quê hương cách mạng nay đa số đều đã già yếu. Có người đã ra đi theo quy luật của nhân sinh, có người người xa quê gắn bó cuộc sống nơi chiến trường xưa, người lại theo con theo cháu sống khắp mọi miền đất nước, chỉ còn duy nhất Anh hùng Nguyễn Quang Trung còn ở lại. Được phong tặng Anh hùng khi mới ngoài 20 tuổi, nay, người hùng chiến trận thuở nào cũng sắp bước vào tuổi cổ lai hy. Trong những câu chuyện của thời bình, vẫn còn đậm sâu lắm những hào hùng, bi tráng của những ngày chinh chiến cách đây non nửa thế kỷ. Câu chuyện của họ luôn bình dị nhưng là cội nguồn sức mạnh, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ nối tiếp.

Thanh Chương là đất anh hùng. Năm 1996, nhân dân và LLVT huyện Thanh Chương được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Tiếp đó, 11 xã của huyện: Cát Văn, Thanh Lĩnh, Thanh Ngọc, Thanh Đồng, Ngọc Sơn, Thanh Khai, Thanh Dương, Thanh Tường, Thanh Hưng, Thanh Hà, Thanh Văn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trong đó, 3 xã có 2 người con anh hùng là xã Cát Văn (anh hùng LLVTND Trần Kim Cầu, Hoàng Đình Kiền); xã Phong Thịnh (Anh hùng LLVTND Đặng Đình Hồ, Nguyễn Ngọc Độ); Thanh Xuân (Anh hùng LLVTND Bùi Đình Hường, Nguyễn Cảnh Dần). Mạch nguồn truyền thống vẻ vang ấy mãi là hành trang, là niềm tự hào chắp cánh cho những bước đi lên của mảnh đất Thanh Chương hôm nay.

Trần Đình Hà

Đài Thanh Chương

TIN LIÊN QUAN