'Mách nhỏ' cách làm bài thi THPT quốc gia môn Toán

18/05/2016 11:32

Môn Toán thi theo hình thức tự luận nên ngoài việc vận dụng kiến thức để tư duy tìm lời giải, học sinh cũng cần rèn luyện cách trình bày. Mục đích là có thể lấy được điểm tối đa của các câu, ý mình có thể giải được.

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, Toán là một trong 4 môn bắt buộc. Đây cũng là môn được nhiều học sinh lựa chọn để tổ hợp thành nhóm xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng. Vì vậy, trong khoảng hai tháng trước ngày thi, học sinh cần lên kế hoạch ôn tập hiệu quả.

Muốn đạt được điểm cao ngoài việc phải nắm kiến thức cơ bản thì học sinh cần có khả năng giải quyết các bài mang tính phân loại. Dưới đây là một số kinh nghiệm ôn thi môn Toán tôi đúc kết trong thời gian giảng dạy học sinh cuối cấp:

Nội dung ôn tập cần bám sát với cấu trúc đề thi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Ôn tập đầy đủ, bao quát các phần kiến thức, từ cơ bản đến nâng cao. Đi đôi với ôn tập lý thuyết là các ví dụ chọn lọc minh họa để có hiểu kiến thức và biết cách vận dụng, đồng thời có hệ thống bài tập tự làm nhằm củng cố lý thuyết, rèn kỹ năng làm bài cho bản thân.

Môn Toán thi theo hình thức tự luận nên ngoài việc vận dụng kiến thức để tư duy tìm lời giải cho bài, học sinh cũng cần rèn luyện cách trình bày. Mục đích là có thể lấy được điểm tối đa của các câu, ý mình có thể giải được.

Đây là giai đoạn nước rút do vậy học sinh nên xem lại kiến thức tổng hợp đã nắm được. Đối với môn Toán, việc giải quyết các bài toán yêu cầu các bạn phải nắm được các kiến thức cũ của những năm trước. Điển hình là bài toán khảo sát, các kiến thức cũ cần nắm được như đạo hàm và giới hạn của chương trình lớp 11. Hay như bài hình học phẳng cần có kiến thức cũ của lớp 10 và lớp 9.

Học sinh cần cụ thể về thời gian ôn tập trên mỗi chủ đề kiến thức. Phần kiến thức nào quan trọng, hay xuất hiện trong đề thi và dễ lấy được điểm thì dành thời gian để ôn tập nhiều hơn. Tất cả chủ đề đều được ôn tập chứ học sinh không “học tủ”, bên cạnh đó cũng không ôn tập một cách tràn lan.

Với cấu trúc đề thi như hiện tại có khoảng 60-70% là mức độ trung bình nên có thể ôn tập phần đó tương đối dễ. Rất nhiều phần kiến thức đó nằm trong chương trình lớp 12, do vậy đọc và xem lại tất cả kiến thức cũng không khó để đạt điểm 6-7.

Các em cần thường xuyên làm đề thi thử tổng hợp để rèn luyện, trau dồi kiến thức cũng như kỹ năng làm bài. Điều này cũng rất cần vì có rất nhiều học sinh khi ôn tập từng chủ đề kiến thức riêng lẻ thì nhận thức rất nhanh, vận dụng vào giải bài tập rất tốt, nhưng lại nhanh quên các kiến thức đã ôn tập trước đó vì lâu không vận dụng đến. Thông qua bài thi thử, học sinh có thể nhờ giáo viên chấm để có thể phát hiện những lỗ hổng kiến thức nhằm kịp thời bổ sung, cũng như lỗi về trình bày để kịp thời được giáo viên giúp đỡ sửa chữa.

Bên cạnh đó, các em phải đảm bảo sức khỏe và tinh thần để có thể ôn tập đạt kết quả tốt nhất, phân chia thời gian học tập xen với nghỉ ngơi một cách hợp lý, ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Hãy tự tin vào bản thân, lạc quan và chăm chỉ học tập. Thời gian vẫn còn để bạn ôn lại những gì mình còn thiếu hụt.

Những chú ý khi làm bài thi

Khi nhận đề thi, học sinh nên dành thời gian để đọc đề khoảng 5 phút (bằng thời gian từ lúc phát đề đến lúc tính giờ làm bài), ghi chú những dạng bài quen thuộc hay đã biết định hướng làm bài.

Nên làm những câu dễ nhất đầu tiên. Thứ nhất là để lấy chắc điểm phần đó. Thứ hai là giải tỏa tâm lý vì sau khi nhận đề hầu như tất cả thí sinh đều hồi hộp xen với lo lắng không biết đề khó dễ thế nào. Khi làm được những câu đầu tiên một cách trôi chảy có thể tạo tâm lý hưng phấn để làm các câu tiếp theo.

Khi làm bài không được có tâm lý chủ quan, kể cả bài dễ nhất. Đối với môn Toán, nhiều bạn hay “tặc lưỡi” khi gặp những bài dễ rồi dẫn đến không rèn luyện được tính cẩn thận, đánh mất điểm. Đôi khi, những bài khó là sự tổng hợp của các bước thông qua các bài dễ mà mấu chốt là ý tưởng để giải quyết nó.

Có thể làm bài không theo thứ tự trong đề thi. Mặc dù theo thông tin về cách ra đề thi hiện nay, các câu được sắp xếp từ dễ đến khó nhưng khi làm bài không nhất thiết phải tuân theo thứ tự đó. Học sinh phải xác định các câu “dễ” đối với mình và làm trước. Nên đánh dấu các câu mà mình chưa làm được hay đã bỏ qua để quay lại khi đã xong các câu khác.

Nên phân bố thời gian hợp lý. Học sinh không nên lao vào làm câu khó trước vì rất dễ mất nhiều thời gian mà chưa chắc đã làm được. Việc nháp bài và sử dụng máy tính hỗ trợ tính toán cũng rất quan trọng. Nháp bài thì không cần đẹp, sạch, tránh mất nhiều thời gian vì viết nháp hay vẽ nháp là để tìm hướng giải bài hoặc trình bày vắn tắt. Dùng máy tính hỗ trợ để đỡ mất thời gian nhẩm hay tính toán nhưng phải nhập cho máy tính đúng dữ kiện thì máy mới đưa ra kết quả chính xác.

Nên trình bày bài cẩn thận, lời giải cần rõ ràng, mạch lạc và lôgic. Chữ viết cần dễ đọc, sạch sẽ. Không nên dùng bút xóa khi làm bài thi, nếu sai ta chỉ cần gạch đi và viết lại. Kết thúc mỗi câu thường phải có kết luận của câu đó.

Thang điểm chấm được chia nhỏ đến 0,25 nên nếu có bài nào đó ta chưa giải quyết triệt để được thì cứ trình bày phần đã giải quyết được vào bài vì theo đáp án chấm có thể đến bước đó là đã được một phần điểm. Thêm được 0,25 điểm là có thể tăng thêm cơ hội cho bản thân.

Không nên nộp bài sớm trước khi hết giờ. Hãy tận dụng hết thời gian làm bài để làm hết các câu có thể. Thậm chí nếu là học sinh trung bình khá, có những câu không thể làm (vì đề thi có tính phân loại rất cao) thì có thể dành thời gian còn lại để kiểm tra lại tính đúng đắn của các bài đã làm được.

Thạc sĩ Kiều Văn Vượng
Giáo viên Toán trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội)

TIN LIÊN QUAN