Thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung ở Bệnh viện Giao thông Vận tải Vinh
(Baonghean) - Ung thư cổ tử cung được ví như một “sát thủ thầm lặng”, tiềm ẩn trong những triệu chứng viêm nhiễm phụ khoa thông thường không có dấu hiệu rõ ràng để nhận biết.
Tuy nhiên sẽ chữa khỏi nếu khám và phát hiện sớm để xử lý đơn giản từ tuyến dưới. Chương trình tầm soát phát hiện ung thư cổ tử cung sớm ở Bệnh viện Giao thông - Vận tải Vinh đã chứng minh mỗi phụ nữ cần có lựa chọn thông minh cho sức khỏe của bản thân mình.
Bệnh viện Giao thông - Vận tải Vinh nguyên là Bệnh viện ngành chuyên chăm sóc sức khỏe cho công nhân lao động ngành Giao thông Vận tải; có đặc điểm công nhân nữ thường xuyên phải di chuyển theo những tuyến đường, công trình, làm việc dưới trời nắng gắt, nhưng chế độ vệ sinh kém, hàng năm công tác khám sức khỏe định kỳ cho thấy tỷ lệ viêm nhiễm phụ khoa khá cao, nếu không được điều trị kịp thời diễn biến rất khó lường.
Khám và tư vấn cho bệnh nhân về chương trình tầm soát UTCTC. |
Từ năm 1994, Bác sỹ Ngô Bình phụ trách Khoa Sản của bệnh viện, nguyên là bác sỹ có chuyên ngành xét nghiệm vi sinh vật đã được giáo sư Ngô Thu Thoa và bác sỹ Nguyễn Đại Bình ở Bệnh viện K Trung ương trực tiếp hướng dẫn để áp dụng xét nghiệm PAP trên diện rộng nhằm tầm soát, ngăn chặn ung thư cổ tử cung (viết tắt UTCTC) trên Bệnh viện Giao thông - Vận tải Vinh.
Việc tầm soát bao gồm khám phụ khoa và xét nghiệm tế bào cổ tử cung (xét nghiệm PAP). Nếu có dấu hiệu nghi ngờ ung thư, bệnh nhân được sinh thiết cổ tử cung để chẩn đoán chính xác và chuyển tuyến trên điều trị. Những bệnh nhân chưa có dấu hiệu ung thư thì được điều trị tại Bệnh viện Giao thông -Vận tải bằng phương pháp đốt điện lộ tuyến, khoét chóp cổ tử cung (LEEP) hoặc phẫu thuật nếu có tổn thương phối hợp.
Năm 2007, bệnh viện đầu tư máy soi cổ tử cung kỹ thuật số và đưa vào sử dụng giúp bệnh nhân thấy rõ hơn vấn đề để đồng hành cùng thầy thuốc xử lý bệnh lý của mình. Đến nay, việc thực hiện tầm soát cổ tử cung đối với đội ngũ công nhân nữ trong ngành và các bệnh nhân nữ ở tỉnh Nghệ An đến với bệnh viện ngày càng nhiều.
Trung bình mỗi năm, Khoa Sản Bệnh viện Giao thông - Vận tải Vinh tiếp nhận và thực hiện tầm soát UTCTC cho gần 3.000 bệnh nhân. Trong đó, phát hiện và điều trị tại chỗ 600 ca, chuyển lên tuyến trên khoảng 20 ca đã chuyển sang giai đoạn ung thư. Như chị Nguyễn Thị Nhung (SN 1963) là công nhân bốc vác của Cảng Nghệ Tĩnh - cơ quan nằm trong hệ thống được chăm sóc sức khỏe toàn diện tại Bệnh viện Giao thông Vận tải.
Những kỳ khám sức khỏe tổng quát theo chương trình của cơ quan, do đặc điểm công việc phải nay đây mai đó lại thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe nên chị không thường xuyên đi khám định kỳ. Đến khi có biểu hiện rõ bệnh, chị mới đi bệnh viện khác tuyến để khám và được chẩn đoán có thai ngoài tử cung. Chưa yên tâm với chẩn đoán này, chị đến Bệnh viện Giao thông - Vận tải Vinh, sau khi thực hiện tầm soát bằng phương pháp xét nghiệm PAP, bác sỹ khoa sản gạt phần tế bào bong vùng tổn thương đem nhuộm màu và xem xét dưới kính hiển vi.
Sự biến đổi của hình thể tế bào, nhân màng và nguyên sinh chất phát hiện tế bào viêm có nguy cơ phát triển thành khối u, đã giới thiệu và tư vấn cho chị ra gấp Bệnh viện K Trung ương để làm thêm các xét nghiệm để có hướng điều trị kịp thời. Bệnh viện K kết luận chị bị UTCTC, phải tuân thủ lịch trình điều trị khá dài. Chị Nhung nghỉ việc hơn 6 tháng để xạ trị hóa chất và áp sát liều cao ở Bệnh viện K Trung ương trong tình trạng sức khỏe rất xấu, sau đó chị phải mổ cắt cổ tử cung. Thêm thời gian điều trị tại Bệnh viện Giao thông - Vận tải Vinh thời gian khá dài chị Nhung mới có thể ổn định sức khỏe…
Nhắc đến bệnh tật của mình, chị Nhung chia sẻ: “Tôi muốn gửi đến chị em phụ nữ một lời cảnh báo: nên khám sức khỏe theo định kỳ và tuân thủ việc thực hiện tầm soát cổ tử cung để phát hiện sớm và điều trị kịp thời tại bệnh viện cơ sở vừa đơn giản, không tốn kém, đảm bảo sức khỏe và đặc biệt là đảm bảo hạnh phúc gia đình…”.
Khoa xét nghiệm máu Bện viện Giao thông - Vận tải Vinh |
Chị Nhung, chị Lý nằm trong số 20 bệnh nhân phát hiện ung thư chuyển tuyến trên hàng năm do phát hiện muộn. Còn những bệnh nhân Lê Thị Tâm ở Cửa Nam, Nguyễn Thị Hương, Lê Thị Quế, Trần Thị Xuân đều ở Bến Thủy… là trong số 200 bệnh nhân điều trị Leep cổ tử cung tại Khoa Sản thật sự may mắn vì tầm soát, bấm sinh thiết để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh lý và phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Phương pháp điều trị Leep được xử lý tại khoa Sản bằng cách khoét chóp cổ tử cung hoặc cắt bỏ tử cung hoàn toàn nếu phát hiện bệnh nhân có tổn thương phối hợp, điều trị chỉ trong vòng 1 - 2 ngày. Hay 300 bệnh nhân được điều trị đơn giản hơn bằng phương pháp đốt tuyến cổ tử cung chỉ trong thời gian phút…
Thực hiện tầm soát cổ tử cung phát hiện sớm ung thư được Khoa Sản Bệnh viện Giao thông - Vận tải Vinh thực hiện rất tốt, thể hiện bằng con số tăng thêm qua mỗi năm: năm 2013 có 2.726 ca, năm 2014 có 2.926 ca và năm 2015 có 3.163 ca. Theo bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Minh - Trưởng Khoa Sản thì việc phát hiện sớm điều trị đơn giản, không tốn kém và đảm bảo sức khỏe. Vì vậy, chị em phụ nữ cần có kiến thức để không phải tiếc nuối khi đã quá muộn.
Đạm Phương