Vì sao Mỹ có nhiều vụ xả súng thảm sát nhất thế giới

13/06/2016 23:21

Mỹ xảy ra nhiều vụ tàn sát bằng súng có thể vì khả năng tiếp cận súng dễ dàng, mong muốn nổi tiếng và tâm lý bắt chước, cạnh tranh nhau của những kẻ tấn công.

vi-sao-my-co-nhieu-vu-xa-sung-tham-sat-nhat-the-gioi

Các nhà điều tra làm việc tại hiện trường vụ xả súng ở Orlando, Florida. Ảnh: Reuters

Khi một tay súng hôm qua tấn công hộp đêm đồng tính ở Orlando khiến 50 người chết, tên này đã gia nhập một danh sách dài những kẻ tấn công ở Mỹ cướp đi liền lúc mạng sống của nhiều người.

Khi nói đến các cuộc tàn sát bằng súng, Mỹ có lịch sử đặc biệt bi thảm: Có nhiều vụ thảm sát bằng xả súng tại Mỹ hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới, theo một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái.

Năm 1966 - 2012, có 90 vụ xả súng tại Mỹ, trong số 292 vụ trên toàn thế giới. Xả súng giết người hàng loạt được định nghĩa trong nghiên cứu là có 4 nạn nhân trở lên, nhưng không tính đến các vụ giết người có liên quan đến băng đảng hay các vụ giết chóc nhiều thành viên trong gia đình. Các vụ nổ súng như vậy từng xảy ra tại một rạp chiếu phim ở Aurora, Colorado, trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut vào năm 2012. Vụ tấn công tại hộp đêm đồng tính ở Orlando hôm 12/6 là vụ xả súng tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ, với ít nhất 50 người chết và 53 người bị thương.

Trong khi Mỹ chiếm 5% dân số thế giới, thì có 31% số vụ xả súng xảy ra ở Mỹ. "Mọi người có chút ngạc nhiên bởi những thống kê này", Adam Lankford, phó giáo sư về tư pháp hình sự tại Đại học Alabama, thực hiện thống kê và phân tích, nói trên nói.

Khác biệt của Mỹ

Ông Lankford đã tìm hiểu hồ sơ các vụ tấn công và phát hiện một vài đặc điểm mà Mỹ khác với các quốc gia khác.

Tại Mỹ, người dân có nguy cơ thiệt mạng trong các vụ xả súng cao hơn nếu họ đang ở nơi làm việc hay ở trường. Ở nước ngoài, các vụ việc thường xảy ra ở gần căn cứ quân sự.

Trong hơn một nửa các trường hợp tại Mỹ, kẻ tấn công mang nhiều hơn một khẩu súng. Tại các nước khác, kẻ tấn công thường chỉ có một khẩu súng.

Tại Mỹ, số nạn nhân trung bình trong một vụ xả súng là 6,87. Trong khi tại 171 quốc gia khác, số này là 8,8.

Lankford cho rằng có ít người thiệt mạng trong các vụ xả súng tại Mỹ hơn vì cảnh sát Mỹ thường xuyên được huấn luyện cách đối phó với những tình huống đó, mặc dù nó xảy ra ít thường xuyên hơn so với các loại tội phạm khác.

"Cảnh sát các nước khác phản ứng chậm hơn và có thể không được chuẩn bị kỹ càng khi phản ứng", ông nói.

Hiện tượng "lây lan"

Nhiều tay súng ở Mỹ mắc bệnh tâm thần, theo số liệu thống kê. Nhưng các nghiên cứu khác chỉ ra rằng số lượng ước tính ca mắc bệnh tâm thần không tăng đáng kể, trong khi số lượng các vụ xả súng giết người hàng loạt tại Mỹ đã tăng vọt.

Các cuộc tấn công như vậy tăng gấp ba lần trong năm 2011-2014, theo một phân tích của Trường Y tế Havard và Đại học Đông Bắc. Nghiên cứu của Harvard cho thấy rằng trung bình cứ 64 ngày lại có một cuộc tấn công. Trong suốt 29 năm trước đó, trung bình cứ 200 ngày mới có một cuộc tấn công. Ngược lại, tỷ lệ giết người ở Mỹ nói chung và tỷ lệ bạo lực súng lại giảm đáng kể trong hai thập kỷ qua.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng những vụ xả súng có thể lây lan: Một vụ giết người hoặc nổ súng có thể kích động cho vụ khác diễn ra trong khoảng hai tuần - một loại "lây lan" kéo dài khoảng 13 ngày, các nhà nghiên cứu kết luận trong một nghiên cứu khác.

Hiện tượng bắt chước này phổ biến hơn ở Mỹ vì người dân nước này dễ tiếp cận súng hơn so với các nước khác. Mỹ có nhiều súng hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ước tính khoảng 270 - 310 triệu súng đang lưu hành tại Mỹ. Với dân số Mỹ ở khoảng 319 triệu người, thì trung bình gần như người Mỹ nào cũng sở hữu súng.

Hơn một phần ba người Mỹ nói rằng một người nào đó trong gia đình họ sở hữu một khẩu súng, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew. Quốc gia có số lượng súng cao kế tiếp Mỹ là Ấn Độ, với 46 triệu khẩu trên dân số 1,25 tỷ người. Tuy nhiên, Ấn Độ thậm chí không nằm trong top 5 các quốc gia xảy ra nhiều vụ xả súng giết người hàng loạt nhất.

Các con số này cho thấy các quy định hạn chế súng mang đến sự khác biệt. Lankford dẫn chứng Australia, đất nước có 4 vụ xả súng giết người hàng loạt năm 1987 - 1996. Sau sự cố đó, dư luận quay lưng lại với người sở hữu súng và quốc hội thông qua luật quản lý súng chặt chẽ hơn. Australia đã không có vụ xả súng giết người hàng loạt nào kể từ đó.

Tuy nhiên, không có xu hướng chính trị tương tự tại Mỹ. Các cuộc thăm dò của Pew thực hiện sau khi nhiều vụ xả súng khét tiếng xảy ra cho thấy rằng người Mỹ thường ủng hộ sở hữu súng nhiều hơn sau các vụ việc như vậy.

Mong muốn nổi tiếng

Lankford đưa ra một giả thiết giải thích nguyên nhân những tay súng thực hiện các vụ tấn công. "Tôi bị ấn tượng bởi nghiên cứu cho thấy nổi tiếng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của thế hệ này", Lankford nói. "Có vẻ như người Mỹ ngày càng mong muốn được nổi tiếng, và không nghi ngờ rằng có mối liên quan giữa việc những kẻ tấn công biết truyền thông sẽ đưa tin về vụ việc chúng gây ra và khả năng chúng hành động".

Những kẻ tấn công cũng có thể tìm kiếm sự nổi tiếng khi nhân danh cho điều mà chúng coi như một "sứ mệnh", chẳng hạn như phong trào jihad Hồi giáo, ông nói.

"Rõ ràng những kẻ khủng bố muốn nổi tiếng, cho dù việc đó xuất phát từ chính bản thân kể tấn công hay để phục vụ cho động cơ nào đó. Chúng ta đã thấy xu hướng này từ vụ giữ con tin trong thế vận hội Olympic 1972", Lankford nói. "Nếu vụ tấn công Orlando được thúc đẩy bởi ý thức hệ Hồi giáo cực đoan, vốn căm ghét những người đồng tính luyến ái, thì kẻ tấn công có thể muốn nổi tiếng với động cơ này.

Bố của Omar Mateen, kẻ xả súng vào hộp đêm ở Orlando cho biết hắn từng tức giận khi nhìn thấy những người đồng tính nam hôn nhau. Mateen cũng đã gọi cho 911 và thề trung thành với thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi trước khi thực hiện vụ tấn công. Hãng tin của IS cũng tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ xả súng, nói rằng kẻ tấn công là chiến binh của nhóm.

Lankford cho rằng điều nguy hiểm là vụ tấn công Orlando có thể kích động kẻ khác làm theo.

"Những tay súng muốn nổi tiếng sẽ tìm cách giết nhiều nạn nhân hơn, như một kiểu cạnh tranh", ông nói. "Nhưng điều đáng sợ hơn là những kẻ tấn công có thể sẽ tìm cách mới để gây sự chú ý.

"Tỷ lệ giết người tại nước ta cao hơn so với các quốc gia châu Âu. Những cuộc tấn công kiểu này khiến chúng ta hiện lên tiêu cực so với phần còn lại của thế giới và bị mang tiếng là quốc gia bạo lực", Lankford nói. "Thành thật mà nói, nếu chúng ta có thể gửi đến cho thế giới thông điệp từ những vụ việc này, thì đó là 'những việc như thế này luôn có thể xảy ra, hãy chuẩn bị và rút kinh nghiệm từ nó trước khi bi kịch tìm đến bạn'".

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN