Cảnh sát chống bạo động Hy Lạp 'dọn dẹp' trại tị nạn lớn nhất châu Âu

24/05/2016 15:37

(Baonghean.vn) - Cảnh sát Hy Lạp đang nỗ lực dọn sạch trại tị nạn phi chính thức lớn nhất châu Âu, nơi hàng nghìn người di cư mắc kẹt trong nhiều tháng ở phía Nam biên giới Hy Lạp-Macedonia.

Cảnh sát Hy Lạp tiến vào khu trại di cư Idomeni tại biên giới với Macedonia. Ảnh: AP.
Cảnh sát Hy Lạp tiến vào khu trại di cư Idomeni tại biên giới với Macedonia. Ảnh: AP.

Phóng viên không được phép tiến vào khu vực trên, song theo các nhân chứng khoảng 400 cảnh sát chống bạo động đã tiến vào khu trại từ sáng sớm 24/5 để buộc khoảng 8.000 người cư trú tại đây phải rời đi. Nhiều người tình nguyện lên những chuyến xe của chính phủ, và đến 8h sáng theo giờ địa phương chưa ghi nhận trường hợp bạo lực nào xảy ra.

Idomeni là cửa khẩu phi chính thức mà hàng trăm nghìn người di cư đi qua để tiến vào Macedonia trong năm 2015. Người di cư đã bắt đầu dựng trại tại đó khi chính phủ Macedonia đóng cửa biên giới với công dân một số nước từ tháng 11 năm ngoái. Khi biên giới bị đóng hoàn toàn vào tháng 3 năm nay, khu vực này trở thành khu trại, và là biểu tượng cho thất bại của châu Âu trong việc xử lý cuộc khủng hoảng di cư.

Giới chức Hy Lạp trong nhiều tuần đã tìm cách chuyển người từ Idomeni tới các khu trại chính thức tại các căn cứ quân sự cũ. Nhưng nhiều người di cư không muốn rời đi do hy vọng biên giới sẽ mở lại; những người khác muốn vượt biên qua sự tiếp tay của bọn buôn người; và nhiều người vẫn lo sợ bị nhốt chặt trong những trung tâm được chính phủ xây vội.

Theo một thỏa thuận hồi mùa Hè năm ngoái của EU, người di cư về cơ bản sẽ được chuyển tới các quốc gia khác ở châu Âu - nhưng cho đến nay các thành viên EU vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ.

Cảnh sát chống bạo động đứng giữa những ngôi lều trong trại Idomeni sáng 24/5. Ảnh: AP.
Cảnh sát chống bạo động đứng giữa những ngôi lều trong trại Idomeni sáng 24/5. Ảnh: AP.

Khi chính phủ hứa hẹn không sử dụng vũ lực để dẹp bỏ Idomeni, nhiều tình nguyện viên trong khu vực tỏ ý nghi ngờ sẽ hoàn tất việc này vào ngày 24/5.

Vasilis Tsartsanis, một tình nguyện viên Hy Lạp phục vụ tại khu vực này kể từ khi người di cư bắt đầu đổ xô về đây cuối năm 2014 cho biết: “Có vẻ như họ đang di tản, nhưng tôi không rõ liệu họ sẽ làm cách nào để thực hiện việc đó. Họ có thể tìm cách đe dọa khiến người di cư rời đi”.

Médecins Sans Frontières, hiện diện tại Idomeni hơn 1 năm qua khẳng định đến 8h sáng chưa có vụ bạo lực nào xảy ra.

Loic Jaeger, người đứng đầu tổ chức từ thiện này tại Hy Lạp nói: “Đến nay mọi chuyện vẫn yên bình, mọi người đang di tản”.

Jaeger cũng lập luận vụ di tản là thất bại của sự thống nhất châu Âu. Ông nói với Guardian: “Mọi người đều hào hứng về vụ di tản - về việc có bạo lực hay không - nhưng đó không phải là trọng điểm. Vấn đề ở đây là đáng lẽ họ phải đang ở trong một căn hộ tại châu Âu: họ chỉ có 8.000 người. Tại sao lại đưa họ lên xe tới những khu trại chưa xây dựng xong ở Hy Lạp, khi châu Âu đã hứa sẽ tái định cư cho họ?”

Tầm nhìn từ hàng rào vào bên trong khu trại. Ảnh: AP.
Tầm nhìn từ hàng rào vào bên trong khu trại. Ảnh: AP.

Ở những nơi khác tại Hy Lạp, 50.000 người di cư bị mắc kẹt trong cảnh cô lập từ tháng 3, khi các nước Balkan đóng cửa hành lang nhân đạo từng đưa hàng trăm nghìn người tị nạn tới các nước như Đức và Thụy Điển trong năm 2015.

Hàng nghìn người đang kẹt trong cảnh khốn cùng trong các trung tâm tạm giam ở các đảo của Hy Lạp, nơinhiều người nhịn đói để phản kháng cách người ta đối xử với họ. Wassim Omar, một giáo viên Syria bị bắt tại đảo Chios: “Đây là ngày thứ 7 tôi nhịn đói. Chúng tôi không muốn sống ở đây”.

Một số người vẫn muốn thông qua đường dây buôn người để tới Đức. Abdo Raja, một người Syria 22 tuổi nói với hãng tin AP đêm trước vụ di tản Idomeni: “Chúng tôi nghe nói rằng mai chúng tôi đều phải tới các trại. Tôi không quan tâm lắm, nhưng mục tiêu của tôi không phải đến đó mà là đến Đức”.

Tình hình nhân đạo thảm khốc tại Hy Lạp, cùng với vụ đóng cửa biên giới và đe dọa trục xuất trở lại Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến số người di cư tới Hy Lạp giảm trong những tuần qua. Nhưng ủy ban kháng cáo Hy Lạp mới đây ra nghị định rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải nước phù hợp với người di cư - đồng nghĩa với việc người di cư lại có thêm động lực để vượt biển tới Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Thảo Linh

(Theo Reuters)

TIN LIÊN QUAN