3.600 giờ mất ngủ của bác sĩ ghép đa tạng đầu tiên ở Việt Nam
Đã hơn 2 năm kể từ khi ca ghép đa tạng đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam, song sự căng thẳng dường như vẫn còn nguyên vẹn trong lời kể của Thiếu tướng Hoàng Mạnh An, Giám đốc BV Quân đội 103, người bác sĩ chính thực hiện ca ghép lịch sử.
Ca ghép lịch sử
Ngày 3/3/2014, Bệnh viện 103 thông báo đã thực hiện ca ghép đa tạng (tụy và thận) đầu tiên tại Việt Nam. Đây được coi là bước phát triển lịch sử, đưa ngành ghép tạng của Việt Nam tiếp cận với trình độ ghép tạng của thế giới. BS Hoàng Mạnh An cùng 150 cán bộ của Học viện quân y và BV 103 đã tham gia thực hiện ca ghép này.
Các bác sĩ BV 103 trong ca ghép đa tạng đầu tiên tại Việt Nam. |
BS An cho biết, lâu nay, Việt Nam chỉ mới thực hiện được ghép đơn tạng chứ chưa bao giờ ghép đa tạng. "Đề tài KC10 đã đặt ra vấn đề này và BV 103 chúng tôi đã nhận ghép đa tạng tụy và thận", BS An cho hay.
Để chuẩn bị cho ca ghép đa tạng đầu tiên, các bác sĩ tại BV 103 được lựa chọn để gửi đi các trung tâm lớn của thế giới để học tập, sưu tầm tài liệu. Để được thực hành kỹ thuật, BV 103 đã mổ hơn 40 cặp lợn, lấy tụy và thận con này ghép sang con khác.
Tuy nhiên, việc khó khăn để có thể tiến hành ghép tạng chính là tìm được người hiến. BS An cho biết, do ảnh hưởng của yếu tố văn hóa, nguồn tạng hiến ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.
BS An kể, lần đó, may mắn bệnh viện vận động được một người không may bị tai nạn giao thông hiến tạng. Các bác sĩ rà lại danh sách bệnh nhân đang chờ ghép tạng tại BV 103 thì thấy có anh Phan Thái Huyên, một bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường biến chứng suy thận, là quân nhân tại tỉnh đội Sơn La, có các chỉ số phù hợp. Việc liên lạc với anh Huyên thông báo về việc ghép tạng nhanh chóng thực hiện.
Tuy nhiên, thông báo lúc khoảng hơn 1 giờ chiều thì tới hơn 2 giờ, anh Huyên gọi điện lại thông báo rằng, lúc đó không có xe chạy tuyến Sơn La - Hà Nội. Và nếu muốn xuống Hà Nội, anh phải đi xe khách buổi tối, sớm nhất là 5h sáng hôm sau mới có thể có mặt tại bệnh viện.
"Kể từ khi người hiến tạng chết não thì tạng chỉ có thể duy trì được từ 12-18 tiếng để thực hiện ghép. Nếu như bệnh nhân sáng hôm sau mới xuống được bệnh viện thì sẽ quá muộn", BS An nhớ lại. Để đảm bảo thời gian, BS An đã phải gọi điện nhờ tỉnh đội trưởng Sơn La điều một chuyến xe riêng đưa anh Huyên xuống Hà Nội ngay trong đêm đó.
Thiếu tướng, bác sĩ Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện 103, người trực tiếp thực hiện ca ghép đa tạng đầu tiên. |
"Chúng tôi chỉ kịp làm các xét nghiệm cơ bản nhất, không kịp thể làm hết tất cả. Tới 3 giờ sáng hôm đó, chúng tôi quyết định thực hiện ghép tạng", BS Anh nhớ lại. Ca ghép kéo dài suốt 13 tiếng, từ 3 giờ sáng ngày 28/2 tới 16 giờ ngày 1/3 mới kết thúc. Hai ngày sau, sáng 3/3 anh Huyên tỉnh lại.
"Tới lúc bệnh nhân tỉnh lại thì ca ghép có thể nói là đã thành công về kỹ thuật", BS An nói.
5 tháng mất ngủ
Bệnh nhân đã tỉnh. BV 103 cũng đã tổ chức họp báo thông báo ca ghép tạng lịch sử đã hoàn tất. Tuy nhiên, quá trình theo dõi bệnh nhân sau ghép mới là khoảng thời gian khiến BS An "mất ăn mất ngủ".
BS Hoàng Mạnh An nhớ lại, vào khoảng ngày thứ 5 sau ghép, biến chứng bắt đầu xuất hiện. "Từ vết mổ bắt đầu đùn ra rất nhiều dịch. Đến tuần thứ 2 thì có hiện tượng tràn dịch đa màng. Màng phổi, màng tim, ổ bụng lúc nào cũng đầy dịch, chọc hút hàng lít".
BS An và các đồng nghiệp chẩn đoán tụy mới được ghép đã bị viêm đồng thời kích thích cả tụy cũ còn trong ổ bụng cũng viêm thì mới dẫn đến việc tràn dịch lớn như vậy. "Một mặt chúng tôi tích cực điều trị, mặt khác chúng tôi gọi điện sang các trung tâm của Mỹ, Nhật để hỏi kinh nghiệm trong việc xử lý vấn đề này", BS An kể.
Sau đó tình trạng bệnh nhân có đỡ hơn nhưng đến tháng thứ 4 thì từ vết mổ, dịch lại trào ra như suối. Ban đầu, BS An sợ rằng miệng nối của tụy với thành tá tràng và bàng quang bị xì.
"Việc các miệng nối của tụy ghép bị xì như vậy sẽ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc tụy bị viêm cũng rất dễ khiến bệnh nhân tử vong vì nhiễm độc", BS Anh chia sẻ.
BS An cho biết, khi đó ông lo lắng là bởi không chỉ là ca ghép có thể thất bại, mà bởi nếu như ca ghép đầu tiên không thành công, phải rất lâu sau đó sẽ không dám ghép nữa.
Chính vì thế 5 tháng theo dõi điều trị cho bệnh nhân Huyên là khoảng thời gian BS An và các đồng nghiệp tại BV 103 mất ăn mất ngủ. Họ phải thay phiên nhau túc trực ở bệnh viện 24/24 để theo dõi mọi thay đổi của bệnh nhân. "Suốt 5 tháng ấy, tôi rất ít khi về nhà", BS An chia sẻ.
"Đến tháng thứ 5 chúng tôi mở nhỏ ổ bụng để khâu đóng bít đầu tá tràng thì bệnh nhân hoàn toàn bình phục. Điều vô cùng hạnh phúc với anh ấy là không phải dùng thuốc điều trị tiểu đường, suy thận nữa, chỉ dùng thuốc ức chế miễn dịch theo quy trình chung của người ghép tạng", BS An nói.
Anh Phan Thái Huyên, 21 tháng sau ca ghép đa tạng với tình trạng sức khỏe ổn định. Ảnh: BV 103. |
Nhớ lại khoảng thời gian 5 tháng theo dõi điều trị tại bệnh viện sau ghép, anh Huyên cho biết, lúc đó anh không hề biết những biến chứng sau khi phẫu thuật của mình, song anh nhớ rất rõ các bác sĩ đã rất tận tình chăm sóc anh trong suốt thời gian đó.
Anh Huyên cũng xác nhận, sau 2 năm thực hiện ca ghép, bệnh của anh đã khỏi, sống khỏe mạnh ổn định như người bình thường. Anh cũng không còn bị những cơ hạ đường huyết mà có lần suýt cướp đi mạng sống của anh hành hạ. Và quan trọng hơn là anh không còn phải ăn uống kiêng khem như trước.
Hiện tại, BS An và BV 103 đang chuẩn bị cho ca ghép đa tạng thứ 2. BS An cho biết, sau thành công của ca ghép đầu tiên, ca ghép sau sẽ thuận lợi hơn và chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều.
Theo vietnamnet
TIN LIÊN QUAN |
---|