Hồ Tùng Mậu - tấm gương đạo đức cao đẹp, sáng ngời

09/06/2016 11:21

(Baonghean.vn) - Đồng chí Hồ Tùng Mậu là tấm gương trong sáng về đạo đức cách mạng nhân, nghĩa, trí, dũng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đồng chí đã cống hiến trọn cuộc đời cho nhân dân, cho Tổ quốc, cho Đảng, cho cách mạng. Tên tuổi đồng chí là niềm tự hào của đất nước, của quê hương.

Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình, dòng họ, quê hương giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Từ khi sinh ra cho đến phút cuối cùng, Hồ Tùng Mậu đã viết tiếp trang sử vẻ vang của gia đình, dòng tộc “Đời nối đời vì nước”. Ở đồng chí nhất quán một lẽ sống ở đời và làm người cao đẹp: Vì nước, vì dân, quên thân vì nghĩa lớn.

Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hồ Tùng Mậu đã thể hiện rõ phẩm chất cách mạng trong sáng, tốt đẹp của người cộng sản chân chính, kiên trung.

Đồng chí Hồ Tùng Mậu (ngồi giữa, hàng sau).
Đồng chí Hồ Tùng Mậu (ngồi giữa, hàng sau).

Đồng chí Hồ Tùng Mậu là một danh nhân mà danh hiệu cao quý nhất đó là người cộng sản. Trong buổi đầu nhen nhóm ngọn lửa cách mạng, Hồ Tùng Mậu là một người hoạt động từ rất sớm, nhiều năm lăn lộn trong các phong trào yêu nước và cách mạng ở Thái Lan, Trung Quốc. Hồ Tùng Mậu đã cùng với các đồng chí Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái thành lập nhóm Tâm Tâm xã. Hồ Tùng Mậu là một trong những lớp người đầu tiên tham gia tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đây là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Chính đồng chí Hồ Tùng Mậu đã tham dự các lớp huấn luyện chính trị của tổ chức này.

Tại Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), đồng chí Hồ Tùng Mậu giúp việc cho Đại diện Quốc tế cộng sản Nguyễn Ái Quốc và giúp các công việc cho hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, đồng chí Hồ Tùng Mậu thuộc vào lớp những người cách mạng tiền bối.

Đồng chí Hồ Tùng Mậu là một trong những người gần gũi và là người học trò, người giúp việc đắc lực cho Nguyễn Ái Quốc. Khi Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh ở Hồng Kông bắt giam trái phép năm 1931, Hồ Tùng Mậu là người tích cực liên hệ với Hội quốc tế Cứu tế Đỏ và vận động luật sư Lô-giơ-bai dùng pháp lý đấu tranh buộc chính quyền Anh ở Hồng Kông trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc.

Đồng chí Hồ Tùng Mậu còn bị cảnh sát Anh ở Hồng Kông bắt (tháng 6- 1931) và bị trục xuất khỏi tô giới Anh đưa về Việt Nam rồi kết án tử hình, sau giảm xuống chung thân. Cũng như bao chiến sĩ cách mạng trung kiên khác của Tổ quốc, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho dân tộc. Cả cuộc đời mình, từ thời niên thiếu đến khi hy sinh (23/7/1951).

Nhà thờ cụ Hồ Tùng Mậu.
Nhà thờ cụ Hồ Tùng Mậu.

Ở Hồ Tùng Mậu, bản lĩnh và trí tuệ một chiến sĩ với ý chí cách mạng kiên cường, một con người đậm chất nhân văn, am hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa - một nhà lãnh đạo cận nhân tình. Suốt những năm làm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu IV, rồi giữ cương vị Tổng Thanh tra Chính phủ, đồng chí Hồ Tùng Mậu làm việc quên mình với tác phong chan hòa, bình dị và khảng khái.

Đồng chí có uy tín lớn trong nhân dân và trong đội ngũ cán bộ, được mọi người thân mật gọi là “Cụ Mậu”, “Cụ Hồ em”. Dù ở cương vị nào, đồng chí Hồ Tùng Mậu cũng thể hiện là một người cán bộ lão thành cương trực và trung hậu, luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ với một tinh thần trách nhiệm cao. Với phẩm chất cách mạng tốt đẹp cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, với tinh thần tận tụy, thanh liêm, “Dĩ công vi thượng”.

Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phẩm chất đạo đức này của Hồ Tùng Mậu được minh chứng qua việc Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ông làm Tổng Thanh tra Chính phủ đầu tiên. Hồ Tùng Mậu được chọn là vì ông vừa có đạo đức, vừa có tài, đủ năng lực phân định đúng - sai trong việc thực thi chính sách của Đảng và Chính phủ trong các cơ quan công quyền và các cá nhân có chức quyền và tài sản của dân được dân giao phó, ông luôn lấy chữ vì dân làm đầu, ghét thói đặc quyền đặc lợi, không bao giờ lợi dụng quyền hạn, chức vụ công tác để mưu cầu lợi ích riêng cho gia đình, cá nhân.

Nhân ái, khoan dung, độ lượng là phẩm chất làm người cao thượng của Hồ Tùng Mậu. Thương người, dung thứ cho người là những đức tính bẩm sinh của ông đã bộc lộ từ thuở nhỏ. Tình thương người được nảy nở và được nâng lên dần cùng với nhận thức và bề dày hoạt động thực tiễn. Thương những người ruột thịt trong gia đình, thương bà con làng xóm, những người cùng cảnh ngộ, thương đồng chí, đồng bào bị bóc lột, đàn áp, thương các dân tộc, quần chúng nô lệ bị đọa đày. Từ tình thương đồng bào ông đã vươn đến tình thương yêu đồng loại và đạt đến chủ nghĩa nhân văn cộng sản cao quý.

Với những người ruột thịt trong gia đình, đồng chí Hồ Tùng Mậu dành tình cảm yêu thương sâu lắng, quan tâm chu đáo: Nhiều lần đồng chí nén nỗi đau riêng trong lòng để đứng vững, đi theo con đường đã chọn. Với quê hương, đồng chí gần gũi, chia sẻ đầy trách nhiệm. Với cấp dưới, đồng sự, đồng chí bao giờ cũng sâu sát ân cần... Tất cả ở đồng chí toát lên đạo lý ngàn đời của dân tộc: Yêu nước, thương nòi, nhân ái với con người... Vẻ đẹp trong nhân cách con người đồng chí làm sáng lên và lan tỏa các giá trị văn hóa của Đảng ta.

Trường PTCS Hồ Tùng Mậu, xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu).
Cô và trò Trường PTCS Hồ Tùng Mậu, xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu).

Đồng chí Hồ Tùng Mậu được công nhận là lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng. Ngày 18/01/2008, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Huân chương cao quý - Huân chương Sao Vàng cho đồng chí Hồ Tùng Mậu.

Tấm gương đạo đức Hồ Tùng Mậu với các biểu hiện, chuẩn mực đạo đức cụ thể nên được xem là một mô hình đạo đức thực tiễn mà xã hội chúng ta đang hướng đến xây dựng: tận trung với nước, tận hiếu với dân, giữ vững lập trường giai cấp công nhân, biết phân định phải - trái, đúng - sai, sống giản dị, khiêm tốn, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đồng chí Hồ Tùng Mậu là một tấm gương lớn suốt đời phấn đấu cống hiến cho lý tưởng của Đảng, của cách mạng, lấy độc lập của Tổ quốc, tự do cho đồng bào làm lẽ sống.

Thái Bình (Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN