Nơi 'tạm trú' của động vật hoang dã

03/07/2016 07:34

(Baonghean) - Suốt ngày “làm bạn” với những con vật hoang dã, cứu chữa, chăm sóc chúng và chờ ngày thả về với rừng xanh là công việc của các nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát. Đây thực sự là một nghề nguy hiểm, nguy cơ tai nạn và thương tích rất cao nhưng vượt lên tất cả, tình thương đối với loài vật, tình yêu với rừng đã giúp họ gắn bó, say mê cùng công việc.

Giữa mùa hè, đất trời Con Cuông nóng bức như rang, dòng sông Lam nhiều đoạn trơ đáy, muông thú đều tìm cho mình chỗ trú ẩn để tránh cái nắng chói chang. Mặt trời đứng bóng, sau bữa cơm trưa, anh Phan Hữu Huấn tranh thủ ra tắm cho 2 chú lợn rừng nhốt trong chuồng. Hai chú lợn đang nằm thở phì phò, như bừng tỉnh đứng dậy đón luồng nước mát lạnh, rồi nhanh nhẹn lượn vòng quanh chuồng…

Anh Phan Hữu Huấn và 1 cá thể kỳ đà.
Anh Phan Hữu Huấn và 1 cá thể kỳ đà.

Tạm ngừng công việc, anh Huấn chia sẻ: “Lợn là loài vật có khả năng chịu nóng kém, nên ngoài việc tăng cường nguồn thức ăn, đảm bảo dinh dưỡng, phải thường xuyên tắm cho chúng, đề phòng thiếu nước dẫn đến kiệt sức”. Tắm xong cho lợn rừng, anh Huấn lần lượt qua chuồng khỉ, chuồng gấu và điểm nhốt ba ba để kiểm tra. Xong chừng ấy việc, anh Huấn mới yên tâm nghỉ trưa...

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã của VQG Pù Mát là nơi “tạm trú” của các loài động vật tịch thu được từ hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn toàn tỉnh để cứu chữa, chăm sóc trước khi được đem thả vào rừng tự nhiên. Trung tâm đang sở hữu 1,5 ha diện tích rừng và hệ thống chuồng trại gồm 5 chuồng lớn đảm bảo cứu hộ tạm thời cho các loài: thú ăn thịt, linh trưởng, nhím, tê tê...; 1 chuồng cứu hộ các loài thú móng guốc; 2 khu cứu hộ rùa cạn và rùa nước; 6 chuồng sắt cứu hộ các loài mèo, cầy... Đồng thời, đảm bảo các điều kiện tối thiểu về trang thiết bị để thực hiện tốt các nhiệm vụ cứu hộ như đồ nghề thú y, các loại dụng cụ cho ăn, chăm sóc thú, tủ lạnh bảo quản thuốc và có hồ sơ quản lý theo dõi công tác cứu hộ hàng ngày.

Anh Huấn dẫn chúng tôi đi một vòng quanh các chuồng trại để tham quan, ngoài 4 cá thể lợn rừng vừa tắm, còn có thêm 6 cá thể khỉ, 2 cá thể gấu ngựa, 5 cá thể kỳ đà, 11 cá thể rùa, 1 cá thể vượn đen má trắng. Số động vật hoang dã này đều do các lực lượng chức năng tịch thu và bàn giao cho Trung tâm trong thời gian gần đây. Sau tiếp nhận, các cá thể động vật này được đưa về nuôi nhốt, và được các nhân viên Trung tâm chăm sóc, chữa trị các vết thương, từng bước thuần dưỡng, đến thời điểm phục hồi sức khỏe, đủ khả năng sinh sống ngoài môi trường sẽ được thả vào vùng lõi VQG Pù Mát.

Nhân viên Trung tâm cứu hộ gồm 3 người, ngoài anh Phan Hữu Huấn còn có anh Nguyễn Tất Hà và Thái Văn Trung. Cả 3 anh em đều ở miền xuôi, vài ba tuần hoặc 1 tháng mới có điều kiện sắp xếp về thăm gia đình. Tốt nghiệp ngành thú y, 3 người lên đây liên hệ công việc và được phân công nhiệm vụ cứu chữa, chăm sóc những cá thể động vật hoang dã tịch thu được trong các vụ săn bắt và buôn bán.

Chăm sóc 2 cá thể khỉ được nuôi dưỡng  tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã  (VQG Pù Mát, Con Cuông).
Chăm sóc 2 cá thể khỉ được nuôi dưỡng tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (VQG Pù Mát, Con Cuông).

Công việc hàng ngày của các anh là chuẩn bị thức ăn, chăm sóc, chữa trị vết thương (nếu có) cho các cá thể động vật và tổ chức vệ sinh, xử lý chuồng trại. Nghe qua, tưởng chừng không quá nặng nề, nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy thực sự không hề đơn giản. Bởi lẽ, thức ăn của các loài vật hoang dã thường khác nhau, có loài ăn tạp, nhưng cũng có loài khá kén thức ăn, mỗi ngày việc tìm và đặt mua thức ăn cho các loài vật đang được nuôi nhốt tại trung tâm không hề dễ dàng. Đã thế, mỗi cá thể lại có sở thích ăn uống riêng, buộc các nhân viên phải nắm rõ về thói quen ăn uống.

Chẳng hạn, cũng là lợn rừng nhưng cặp ở chuồng bên phải thích ăn các loại củ quả như bầu, bí, khoai, sắn và chuối; còn cặp ở chuồng bên trái lại thích ăn các loài rau như rau khoai, rau muống và bắp ngô. Thành ra, cùng một loài nhưng việc chăm sóc và tìm kiếm nguồn thức ăn cũng khác nhau, đòi hỏi người chăm phải kỳ công hơn. Hay với 5 chú kỳ đà đang được chăm sóc, anh Huấn có thể nắm rõ đặc tính từng con về món ăn ưa thích cũng như địa điểm trú ẩn.

Việc tìm kiếm nguồn thức ăn cũng không quá khó khăn, chỉ cần bỏ thêm thời gian và công sức, điều đáng nói hơn là những rủi ro và hiểm nguy có thể gặp phải khi tiếp xúc với các loài thú hoang dã. Với bản năng sinh tồn, chúng sẵn sàng tấn công tất cả những đối tượng chúng cho là gây ra mối nguy hiểm. Đặc biệt, những loài vật hoang dã bị con người bắt giữ và gây tổn thương trên cơ thể thường trở nên hết sức hung dữ, khi thấy bóng dáng con người xuất hiện, chúng luôn cảnh giác và sẵn sàng lao vào tấn công. Ngay cặp lợn rừng những ngày mới đưa về nhốt, mỗi lần anh Phan Hữu Huấn mang thức ăn ra chúng đều “gằm ghè” như muốn nhảy đến để cắn xé.

Có lần, anh đang dọn dẹp, tẩy rửa chuồng, một chú lợn lấy hết tốc lực lao tới chân, rất may anh kịp thời phán đoán được tình huống và nhảy lên bám lấy tấm lưới dùng để phân cách các ngăn. Nếu không nhanh, hôm ấy chắc chắn bắp chân hoặc đầu gối của anh đã “dính” hàm răng của lợn rừng.

Hay lần khác, anh Nguyễn Tất Hà tiếp cận một chú khỉ vừa bị người dân bản địa đánh bẫy làm đứt một chân, thấy người bước vào chú khỉ này liền xông tới cào xé vào tay, vào mặt để giải tỏa nỗi đau đớn và tức giận. Với các loài thú hung dữ khác như hổ, gấu, cá sấu..., các nhân viên phải luôn cảnh giác, đề phòng và giữ đúng khoảng cách, nếu không rất dễ gặp “tai nạn nghề nghiệp”.

Những con thú bị sập bẫy hầu hết đều bị thương ở mức độ khác nhau, anh Huấn và các đồng nghiệp tìm giải pháp cứu chữa, chăm sóc. Với vết thương ở mức bình thường thì không quá khó khăn, nhưng với vết thương nặng, các anh phải tiến hành gây mê để phẫu thuật.

Khó nhất là khi tiếp cận để khống chế và gây mê, chúng đau đớn, vật vã thảm thiết. Khi tỉnh lại, bị kiệt sức, những con thú đáng thương ấy được các nhân viên cứu hộ “dỗ” từng bữa ăn để nhanh chóng hồi phục. Dần dần, nhận thấy được sự chăm sóc và quan tâm, chúng bắt đầu nhìn các anh bằng ánh mắt thân thiện, có vẻ như cũng cảm nhận được đó là những ân nhân, kể cả loài nhát như là kỳ đà.

“Vài ba tuần tôi mới được về nhà với con, vừa về đến nơi phải tranh thủ giúp vợ một vài công việc lại đã phải tính chuyện trở lại cơ quan”- anh Nguyễn Tất Hà tâm sự. Mấy năm làm nhân viên cứu hộ, anh Hà nhận ra một điều rằng, các loài thú hoang dã có thể cảm nhận được quan tâm, chăm sóc ân cần của mình và đáp lại bằng sự thân thiện, bản năng hung dữ giảm đi phần nào.

Nhân viên cứu hộ động vật hoang dã chăm sóc 2 cá thể lợn rừng.
Nhân viên cứu hộ động vật hoang dã chăm sóc 2 cá thể lợn rừng.

Dần dà, anh có việc đi đâu vài ngày, lúc trở về liền chạy vội ra các chuồng xem xét, những con vật cũng nhảy lên và cất tiếng kêu, biểu lộ mừng rỡ. Anh nhớ mãi chú khỉ bị sập bẫy đứt lìa chân lần ấy, bị nó cào xé khắp người nhưng anh vẫn kiên trì thuần hóa. Qua mấy tháng, anh và chú khỉ gần như thành đôi bạn, có những lúc khuya vắng, anh ra đứng cạnh chuồng khỉ như để chuyện trò cho vơi nỗi nhớ gia đình. Rồi cũng đến ngày chú khỉ phục hồi sức khỏe, lãnh đạo VQG Pù Mát quyết định thả nó về với rừng xanh.

Anh Hà cùng mấy người nữa đưa nó vào vùng lõi, lúc bước ra cửa lồng, chú khỉ đứng nhìn anh trân trân. Mọi người quay về, nó đi theo một đoạn xa, rồi trèo lên một cây cao dõi theo và hú lên những tiếng như là lời cảm ơn và chào tạm biệt. Trở về, mất mấy tuần liền anh Hà không tránh được nỗi buồn mỗi khi qua cái chuồng trống trải nơi từng nhốt chú khỉ cụt chân ấy...

Chứng kiến công việc hàng ngày của nhân viên cứu hộ động vật hoang dã, không khỏi khâm phục công việc âm thầm, lặng lẽ nhưng hết sức hữu ích của các anh. Nhờ các anh, nhiều cá thể động vật hoang dã bị săn bắt và buôn bán được chăm sóc và trở về với môi trường tự nhiên, góp phần làm cân bằng môi trường sinh thái...

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN