Quỳ Hợp phấn đấu thành huyện điểm văn hoá, mạnh về kinh tế

17/07/2016 06:49

(Baonghean) - Phấn đấu trở thành huyện điểm văn hóa miền núi và dân tộc thiểu số là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của huyện Quỳ Hợp từ nay đến năm 2020. Nhiều chương trình cụ thể với những giải pháp quyết liệt đã được Quỳ Hợp thể hiện rõ trong đề án thực hiện mục tiêu quan trọng này trong giai đoạn 2016 - 2020. Để hiểu rõ hơn về những bước đi của Quỳ Hợp, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy.

Phóng viên:Đồng chí có thể cho biết, những dấu ấn nổi bật của huyện miền núi Quỳ Hợp qua 15 năm xây dựng huyện điểm văn hóa?

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh: Qua 10 năm thực hiện đề án xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi và đặc biệt trong 4 năm thực hiện Đề án xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi và dân tộc thiểu số 2011 - 2015, huyện miền núi Quỳ Hợp đã thực sự có khởi sắc.

Đền Choọng trong ngày khánh thành.
Đền Choọng trong ngày khánh thành.

Điểm nổi bật là 13 trên tổng số 15 chỉ tiêu lớn đã đạt và vượt, đơn cử như số gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa” 3 năm trở lên; xóm, làng, bản, khối được công nhận và giữ vững danh hiệu đạt chuẩn văn hóa liên tục từ 5 năm trở lên; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa theo tiêu chí mới; xóm (làng, bản, khối) có nhà văn hóa - khu thể thao.

Bà con các dân tộc thiểu số Quỳ Hợp đã đồng lòng thực hiện có hiệu quả phong trào xóa đói, giảm nghèo, vận động nhân dân thâm canh, tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa thị trường góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh (áo đỏ) cùng đoàn công tác Trung ương thăm mô hình trồng cam ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp.
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh (áo đỏ) cùng đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm mô hình trồng cam ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp tháng 5/2016.

Điển hình xây dựng được 5 mô hình phát triển kinh tế: Mô hình “3 giảm, 3 tăng” (ICM) trong thâm canh lúa tại xã Châu Đình; Mô hình “Ứng dụng KHKT sử dụng phân bón lá khoáng sinh học và hợp chất Axit Humic trong thâm canh tăng năng suất lúa” với quy mô 20 ha tại các xã Châu Thái, Châu Lý, Châu Đình; Mô hình “Chuyển đổi một số diện tích lúa thường hạn, thiếu nước, sinh trưởng kém, hiệu quả thấp sang trồng màu có giá trị kinh tế cao hơn” với quy mô 20 ha tại các xã Châu Quang, Châu Đình, Châu Lộc, Yên Hợp; Mô hình “Trồng cây ba kích dưới tán rừng” tại thị trấn Quỳ Hợp; Đề án “Chuyển đổi một số diện tích lúa sinh trưởng kém do hoạt động khai thác khoáng sản đầu nguồn sang trồng mía giống” tại xã Châu Quang và nhân rộng 1 mô hình “Cánh đồng mẫu lúa lớn” tại xã Châu Quang.

Nhiều gia đình Quỳ Hợp làm giàu từ cây cam.
Trồng cam đang là thế mạnh phát triển kinh tế của nhiều hộ gia đình ở Quỳ Hợp.

Được chọn là địa phương xây dựng huyện điểm văn hóa, Quỳ Hợp đã có nhiều nỗ lực với 100% các xóm, bản, khối ở các xã, thị trấn đã xây dựng, bổ sung hương ước có chất lượng, đúng pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương, dân tộc. Đăng ký và tích cực phấn đấu xây dựng đạt “Làng văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Xóm văn hóa” theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Những xã trước đây đã đạt chuẩn văn hóa theo tiêu chí cũ đã tiến hành đăng ký và tiếp tục xây dựng và được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” tiêu biểu như các xã Nghĩa Xuân, Đồng Hợp, Tam Hợp, Châu Quang. Hiện nay, thị trấn Quỳ Hợp đã được công nhận “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.

Cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc, trong đó cán bộ, đảng viên, các gia đình văn hóa, các xã văn hóa, xóm, bản, khối văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa đã gương mẫu thực hiện trước.

Phóng viên: Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những việc làm đã được Quỳ Hợp quan tâm thực hiện nhất là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh: Huyện đã đặc biệt quan tâm việc bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc như đưa dân ca vào trường học, đặc biệt là dân ca Thái và Thổ; duy trì và nhân rộng các mô hình CLB văn hoá dân gian để bảo tồn, trao truyền và phát triển các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc như: nhuôn, xuối, lăm, khắp, đu đu điềng điềng, tập tình tập tang; khắc luống, cồng chiêng, nhảy sạp…

Múa Xái Coóng theo nhịp chiêng.
Chị em dân tộc Thái Quỳ Hợp múa Xái Coóng theo nhịp chiêng.

Trong năm 2015, huyện đã mở được 4 lớp dạy - học tiếng và chữ Thái cho 200 học viên. Một nếp văn hóa được duy trì đều đặn là mặc trang phục dân tộc mình trong ngày đầu tuần đối với học sinh và trong những dịp lễ, hội, đám cưới… đối với cán bộ, công chức và nhân dân. Huyện cũng quan tâm bảo tồn và phát triển kiến trúc nhà sàn trong nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Thái, Thổ.

Những xã, xóm, bản có tỷ lệ đông đồng bào dân tộc thiểu số đã xây dựng nhà văn hóa cấp xã, cấp xóm theo kiến trúc nhà sàn truyền thống như ở các xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Châu Quang, Châu Đình, Nghĩa Xuân, Châu Lý, Châu Cường. Các món ăn truyền thống của đồng bào Thái, Thổ như: canh ột, canh môn, hò mọc, cơm lam, thịt chua… được quan tâm bảo tồn và phát huy trong mỗi gia đình, trong cộng đồng xã hội.

Trong những năm qua, huyện tiếp tục chỉ đạo xã Châu Cường và các xã lân cận như Châu Quang, Châu Thái, Châu Đình thực hiện các hoạt động Lễ hội văn hóa truyền thống Mường Ham. Hiện nay, đền Choọng, xã Châu Lý đã được UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh và đã được cấp phép tổ chức lễ hội trong năm 2016.

Phóng viên: Phát huy những giá trị đạt được trong 15 năm qua, giai đoạn 2016 -2020, mục tiêu của đề án xây dựng Quỳ Hợp thành huyện điểm văn hóa miền núi và dân tộc thiểu số là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh: Huyện đã xác định mục tiêu tổng quát của đề án là Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số. Xây dựng huyện Quỳ Hợp có đời sống kinh tế - xã hội ổn định, phát triển; giàu bản sắc văn hóa miền núi, dân tộc thiểu số, đưa Quỳ Hợp trở thành huyện miền núi khá nhất của tỉnh Nghệ An.

Trong đó, một số chỉ tiêu lớn đã được đặt ra như: 80% trở lên gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa” 3 năm trở lên; 75% xóm, làng, bản, khối trở lên được công nhận và giữ vững danh hiệu đạt chuẩn văn hóa liên tục từ 5 năm trở lên. 10/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu bình quân hàng năm có ít nhất 15 xóm, bản đạt chuẩn xóm bản NTM, lựa chọn có lộ trình để từng bước đạt, hoàn thành các chỉ tiêu của 19 tiêu chí NTM.

Học thêu dệt trên khung tạo lớp đào tạo nghề ở xã Châu Tiến (Quỳ Hợp).
Học thêu dệt trên khung tạo lớp đào tạo nghề ở xã Châu Tiến (Quỳ Hợp).

Để thực hiện được mục tiêu đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình tham gia các hình thức hợp tác phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX xây dựng, mở mang làng nghề truyền thống như mây, tre đan, dệt thổ cẩm… tại một số xã như Nam Sơn, Bắc Sơn, Châu Cường, Châu Quang.

Đa dạng các hình thức hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động việc làm, nhất là nguồn lao động tại chỗ là người địa phương, giảm mạnh việc người lao động của huyện bỏ quê hương đi làm ăn xa; nâng cao thu nhập của người dân địa phương. Tuyên truyền phổ biến, vận động nhân dân đồng sức, đồng lòng cùng chung tay, tập trung đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Khắc phục sớm các hủ tục trong việc tổ chức tang lễ, nhất là ở đồng bào dân tộc Thái.

Đẩy mạnh các hoạt động, các phong trào ở cơ sở. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phòng, chống tảo hôn, phòng chống tội phạm; bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội; đền ơn đáp nghĩa; nhân đạo từ thiện; an toàn giao thông và các phong trào văn hóa - xã hội khác ở nông thôn.

Quỳ Hợp sẽ tiếp tục thực hiện tốt phong trào đưa dân ca vào trường học, đặc biệt là dân ca Thái và Thổ. Duy trì và nhân rộng các mô hình CLB văn hoá dân gian để bảo tồn, trao truyền và phát triển các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc; thành lập và tổ chức hoạt động tốt Câu lạc bộ hát và dạy hát dân ca Thái, Thổ cấp huyện, Câu lạc bộ cồng, chiêng xã Châu Thái các hội viên là các nghệ nhân người dân tộc Thái, Thổ trong huyện. Bảo tồn trang phục, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; kiến trúc nhà sàn của dân tộc Thái, Thổ, các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, thêu, đan lát…

Khảo sát, quy hoạch, xây dựng mới và khôi phục lại các làng nghề truyền thống trên địa bàn. Cùng với đó là việc bảo tồn và phát triển các món ăn truyền thống của đồng bào Thái, Thổ như: Canh ột, canh môn, hò mọc, cơm lam, thịt chua... Chỉ đạo xã Châu Cường và các xã lân cận như Châu Quang, Châu Thái, Châu Đình thực hiện tốt nội dung, chương trình, các hoạt động Lễ hội văn hóa truyền thống Mường Ham theo định kỳ 3 năm/lần.

Xây dựng một số công trình lịch sử, văn hoá trọng điểm gắn với du lịch như: Thác bản Bìa (Châu Lý); Bia dẫn tích Bãi tập - Lê Lợi (Tam Hợp); Suối rừng (Đồng Hợp); Thác bản Tạt (Yên Hợp); Hang Pựn Pang - Nang Ni (Châu Cường); Khu du lịch sinh thái đập Muỗng (Châu Thái); Khe Lạnh (thị trấn).

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

An Nhân

TIN LIÊN QUAN