Linh thiêng đền Choọng

16/07/2016 07:26

(Baonghean) - Giữa muôn trùng đại ngàn, thung lũng Mường Choọng như một cánh đồng rộng lớn. Nổi lên giữa trung tâm của thung lũng Mường Choọng là Pu Đên. Pu Đên, tiếng Thái nghĩa là Núi Đền. Giống như bạt ngàn núi rừng Mường Chọong, Pu Đên quanh năm cây cối tươi tốt, khác chăng trên đỉnh núi Pu Đên còn lưu vết tích Đền Choọng xưa. Ở nơi “sơn hồi thủy tụ” có một huyền thoại đẹp được dân bản lưu truyền bao đời nay - huyền thoại Nang Phốm Hóm (Nàng tóc thơm).

Đền Choọng là điểm đến tâm linh của du khách.
Đền Choọng là điểm đến tâm linh của du khách.


Chuyện kể rằng, vào thế kỷ XV, một tướng của nghĩa quân Lam Sơn đã đem lòng yêu thương, hẹn thề nên duyên chồng vợ cùng một người con gái Thái đẹp người, đẹp nết là Nang Phốm Hóm - Nàng tóc thơm. Ngay từ lúc sinh ra nàng đã có được nét thông minh, lanh lợi khác người, đặc biệt là mái tóc nàng luôn thoang thoảng hương thơm hoa rừng. Được nghĩa quân tin tưởng giao trọng trách lớn, nàng đến từng nhà hướng dẫn bà con trong vùng làm ra thật nhiều lúa gạo, dệt nên nhiều tấm vải phục vụ nghĩa quân kháng chiến trường kỳ.

Tướng quân cùng nghĩa quân chinh chiến dặm trường… Dõi theo tin thắng trận của nghĩa quân, Nàng cùng dân bản càng ra sức cấy trồng, ươm tơ dệt vải làm tròn vai trò miền hậu phương lớn. Một buổi chiều nọ, trong nỗi nhớ mong tướng quân da diết nơi chiến trận, lúc gội đầu nàng đã thẫn thờ vô ý làm rơi chiếc lược, với tay vớt lược và bị nước cuốn xuống vực sâu…

Đền Choọng phục dựng.
Đền Choọng đã được phục dựng một cách khang trang chính trên nền cũ.

Nhận được tin nàng mất, tướng quân tức tốc tìm về cùng binh lính và người dân Mường Choọng ngày đêm ra sức tìm Nàng. Nhưng vực nước quá sâu, đất ven dòng Nậm Choọng đào lên chất thành núi mà chẳng thấy Nàng đâu, chỉ thấy những sợi tóc thơm. Thương nhớ Nàng, người dân Mường Choọng đã lập đền thờ ngay trên núi Pu Đên - ngôi đền ấy có tên đền Choọng. Nang Phốm Hóm là biểu tượng đẹp về công- dung- ngôn- hạnh của người con gái Thái, là biểu tượng kết tinh tình đoàn kết miền xuôi và miền ngược.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Đền Choọng xưa giờ không còn nữa, nhưng dấu ấn văn hóa tâm linh, dấu ấn một thời kỳ lịch sử thì mãi còn. Để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc và thể theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc nơi đây, năm 2013, Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân huyện Qùy Hợp quyết định tiến hành tôn tạo, phục dựng lại đền Choọng ngay tại núi Pu Đên.

Đền Choọng được tôn tạo, phục dựng chính trên nền cũ với khuôn viên rộng hơn 9 ha, gồm các hạng mục: Thượng điện, hạ điện, tả vu, hữu vu, tam quan, cổng tứ trụ, sân, đường lên hạ điện, thượng điện; Cầu, đường, sân bãi và các công trình phụ trợ khác. Công trình do Công ty CP Bảo tồn di sản văn hóa Việt thiết kế kỹ thuật với vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và những nhà hảo tâm, đền Choọng được tôn tạo, phục dựng trở thành một quần thể kiến trúc, xứng tầm là một công trình văn hóa tâm linh, lịch sử của huyện.

Ðiểm bắt đầu của đền Choọng là Nghi môn được kết cấu gồm hai trụ biểu được làm bằng đá hoa cương nguyên khối, bốn mặt tạc long, ly, quy, phụng rất công phu và tinh xảo. Bên cạnh hai trụ biểu là tượng 2 con voi bằng đá granit nguyên khối. Qua Nghi môn là đến Miếu Sơn thần được làm bằng đá hoa cương nguyên khối.

Điều đặc biệt là ngay bên trái đền chính là khuôn viên trưng bày, lưu giữ nguyên bản di chứng của đền Choọng xưa đó là: 16 viên đá cổ làm đế kê cột đền. Đền chính được thiết kế uy nghi, bề thế vừa cổ kính thâm nghiêm tiêu biểu cho lối kiến trúc truyền thống của đền chùa việt Nam, vừa mang dáng dấp rất riêng của văn hóa dân gian người Thái cổ.

Đền chính được bố trí ba cung thờ, trong đó cung chính giữa là nơi bài trí thờ Nang Phốm Hóm và hạt lúa thần. Tượng Nang Phốm Hóm được đúc bằng đồng theo mẫu một người phụ nữ dân tộc Thái với trang phục truyền thống, đầu đội khăn phiêu, mặc áo cóm đính hai hàng khuy ở giữa, váy khắc các hình hoa văn truyền thống của người Thái ở Mường Choọng.

Ngày 16/8/2015, đền Choọng được UBND tỉnh Nghệ An quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Từ ngày khánh thành đến nay, đền Choọng đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân đồng bào các dân tộc trong huyện, trong tỉnh và bà con Mường Choọng và du khách thập phương về sinh hoạt tín ngưỡng cũng như du lịch tâm linh trong các dịp lễ hội và Tết đến, Xuân về; đặc biệt là ngày giỗ Nàng Tóc thơm vào ngày Rằm tháng 6 âm lịch hàng năm.

Huy Nhâm

TIN LIÊN QUAN