Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ gây khó khăn cho xuất khẩu Việt Nam vào thị trường này

06/06/2016 09:55

(Baonghean) - Sự suy giảm tăng trưởng và phá giá đồng nhân dân tệ mới đây của Trung Quốc - nền kinh tế đứng thứ hai thế giới cũng như các nền kinh tế mới nổi khác, đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu, ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Đối với Việt Nam, sự suy giảm và phá giá tiền tệ Trung Quốc đã gây khó khăn cho xuất khẩu vào thị trường này, đồng thời tác động gây bất lợi cho sản xuất trong nước.

May hàng xuất khẩu tại công ty CP may Halotexco.  Ảnh: An Vinh
May hàng xuất khẩu tại công ty CP may Halotexco. Ảnh: An Vinh

Mặt bằng giá có xu hướng tăng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Hội nghị các nước G-7 vừa kết thúc tại Nhật Bản đã cảnh báo kinh tế thế giới có thể sẽ rơi vào tình trạng suy thoái xấu hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nên đã khuyến nghị Chính phủ các nước phải tăng cường các giải pháp kích thích kinh tế, nhất là các chính sách kích cầu để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa thế giới thời gian gần đây đang có xu hướng tăng trở lại, trong đó, đáng chú ý là giá dầu thô đã có thời điểm vượt mức 50 USD/thùng, tăng tới 80% so với mức thấp nhất (28 USD/thùng) vào giữa tháng 1/2016; giá hàng hóa nông sản thế giới đang có xu hướng tăng lên,... là những yếu tố tác động đến chi phí đầu vào và mặt bằng giá cả, lạm phát của nước ta trong thời gian tới.

Về tình hình kinh tế trong nước, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, tác động tích cực từ việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do với các khu vực và các nước,... nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là hậu quả của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển; sự phục hồi kinh tế chậm, năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh gay gắt hơn không chỉ ở thị trường xuất khẩu, mà ngay cả ở thị trường thế giới, càng gây thêm khó khăn cho phát triển kinh tế nước ta.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016, các bộ, ngành Trung ương và địa phương phải tập trung chỉ đạo, không được chủ quan trong điều hành, cần công khai, minh bạch hết các sự thật về tình hình kinh tế đất nước để có các giải pháp xử lý phù hợp, đồng thời chủ động chuẩn bị sẵn các phương án khác nhau để xử lý các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra. Tăng trưởng kinh tế phải đạt được mục tiêu cả về tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Không chủ quan trong điều hành

Để đạt được các mục tiêu này, trong các tháng cuối năm, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tích cực thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Theo đó, ngoài việc tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016, các nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, nhất là về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020, về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020,…

Hàng tháng, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần làm rõ các tác động của việc triển khai các nhiệm vụ này; nhiệm vụ nào chưa hoàn thành đúng thời gian quy định, làm rõ lý do việc triển khai chậm thời gian.

Về kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, các cơ quan có trách nhiệm phải theo dõi sát sao diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước. Từ nay đến cuối năm, không điều chỉnh tăng giá điện, giá phí giao thông đường bộ.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường công tác giám sát hoạt động kê khai giá của doanh nghiệp, nhất là các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng, nông, lâm nghiệp và thủy sản, tư liệu sản xuất. Thận trọng trong việc xem xét dỡ bỏ giá trần đối với mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Xăng tăng giá ảnh hưởng đến sản xuất
Xăng tăng giá ảnh hưởng đến sản xuất. Nguồn internet

Các cơ quan thuế, hải quan, quản lý thị trường tăng cường các biện pháp thu nợ đọng thuế; phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, trốn thuế; kiểm soát chi tiêu, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; bảo đảm cân đối thu chi NSNN theo dự toán được duyệt. Cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng hiệu quả, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công.

Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hết sức thận trọng, chủ động, linh hoạt theo tín hiệu của thị trường trong nước và thế giới. Nghiên cứu chính sách huy động tiền gửi và lãi suất, huy động ngoại tệ phù hợp, nhằm huy động được nguồn ngoại tệ trong nước. Triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư số 06/2016/TT-NHNN ngày 27/5/2016. Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, như: nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa,... Tiếp tục tập trung tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng yếu kém;…

Về xử lý vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2016, trong khi Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt Quyết định đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, căn cứ nội dung đã trình Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương có văn bản hướng dẫn các nội dung chủ yếu của chương trình, để các địa phương có căn cứ giao chi tiết số vốn kế hoạch NSNN và trái phiếu Chính phủ năm 2016 của chương trình cho các đơn vị cơ sở và có căn cứ để địa phương xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới thuộc Chương trình cho năm 2016 và cả giai đoạn 2016 - 2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương rà soát phương án điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 từ số vốn còn dư của Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 và giao kế hoạch năm 2016 trong tháng 6/2016. Đối với các dự án nhỏ thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình kiên cố hóa trường lớp học có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng, cho phép thực hiện trình tự, thủ tục, lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư theo quy trình rút gọn.

Tuyệt đối không đặt ra các rào cản

Các bộ, ngành cần tập trung thực hiện nghiêm các quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư với quyết tâm chính trị và nỗ lực cao nhất, nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ, nhất quán các quy định của hai luật này gắn với việc triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; đặc biệt là Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 để tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư; tuyệt đối không đặt ra các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của DN.

Sông Hồng

TIN LIÊN QUAN