Cô gái Việt Nam bỏ việc đến Nepal tu đạo

15/06/2016 08:32

Hà Phương cho biết sau khi học sẽ trở về Việt Nam làm phiên dịch liên quan đến Phật pháp.

Học viện Phật học quốc tế Rangjung Yeshe ở Nepal.

Lối đi khác biệt

Vào tháng 10.2012, cô gái Trương Thị Hà Phương (quê ở Bà Rịa – Vũng Tàu, lúc đó 24 tuổi) lần đầu tiên đi du lịch Nepal. Khi đang tham quan những di tích ở thủ đô Kathmandun, Phương bỗng gặp một chàng trai người Thụy Điển.

Chàng trai này hỏi: “Cô có biết bậc đạo sư Chokling Rinpoche ở đâu không?”. Phương lắc đầu, nhưng chợt nói: “Tôi cũng muốn đi gặp thầy cho biết”. Thế rồi đôi bạn mới quen cùng nhau đến tu viện Kanying Shedrub Ling, nơi có Rinpoche (được xem là bậc đạo sư tái sinh) cần tìm.

“Mọi người nói thầy hay ở bên trong tu viện. Nhưng không hiểu sao lần này thầy ra ngoài cửa như là chờ đợi chúng tôi. Sau khi nói chuyện, thầy hỏi tôi có muốn ở lại học không thì tôi gật đầu: Con muốn!” – Hà Phương trải lòng.

Sau chuyến đi định mệnh đó, Hà Phương về Việt Nam chuẩn bị hành trang cho quãng đường đời mới. Quyết định nghỉ việc của cô khiến nhiều người sửng sốt. Bởi lúc ấy, Phương đang làm quản lý marketing trong một công ty thương mại – dịch vụ tại TP.HCM, với thu nhập cao và có điều kiện thăng tiến. Những người thân quen và gia đình ra sức ngăn cản Phương.

Cô gái Việt Nam đầu tiên trong tu viện Nepal - ảnh 1

Trương Thị Hà Phương tại Nepal

Nhưng mặc bao lời bàn tán, Hà Phương vẫn quyết định nhập học tại Học viện Phật học quốc tế Rangjung Yeshe (Kathmandu, Nepal) vào ngày 27.8.2013. Ngay từ đầu, Phương đã đặt mục tiêu sẽ theo đuổi chương trình tiến sĩ Phật học Kim Cang Thừa (Mật tông) kéo dài 9 năm. Trong đó, cô sẽ trải qua các giai đoạn: cử nhân Phật học (4 năm), thạc sĩ (3 năm) và tiến sĩ (2 năm). Được biết, Hà Phương là người Việt Nam đầu tiên và là trẻ nhất học ở đây.

Để tiếp cận lịch sử Phật giáo và sau đó chuyên sâu về Kim Cang Thừa, Phương phải học cùng lúc nhiều thứ tiếng: tiếng Tây Tạng, tiếng Nepal và tiếng Phạn cổ. Bên cạnh đó, tiếng Anh là ngôn ngữ trung gian giữa giáo viên và những học viên như Hà Phương.

Hà Phương nhìn nhận, khi mới sang Nepal, cô gần như là một trang giấy trắng. Tiếng Anh của Phương lúc đó cũng chưa thuần thục. Đặc biệt, Phương vốn chỉ quen nói chuyện về marketing, về kinh doanh và chuyện làm ăn, còn các từ ngữ chuyên ngành về Phật giáo thì đối với cô rất xa lạ.

Sức hút từ những nơi bí ẩn

Ba năm qua sống ở Nepal, Hà Phương chưa thôi ngỡ ngàng: “Đất nước này có rất nhiều điều bí ẩn, có lẽ do nó nằm bên dãy Himalaya. Trên những ngọn núi cao, có những tộc người với nền văn hóa lâu đời và huyền bí. Họ vẫn sống qua bao mùa đông rất khắc nghiệt, với nhiệt độ có khi âm đến 22 - 23 độ C”.

Hà Phương cho biết cô đã thám hiểm đến trạm dừng cơ bản của “nóc nhà thế giới” Everest (Everest Base Camp). Đặc biệt, cô tham gia những chuyến hành hương lên những ngọn núi cao của dãy Himalaya, thăm các hang sâu mà những nhà sư từng nhập thất (ẩn tu) lâu năm trong đó. Hà Phương kể rằng hằng năm, cô đều lên núi Lapchi vì trên đó có một vị tổ Milarepa của Kim Cang Thừa chứng đắc để lại dấu chân nơi thâm sơn cùng cốc. Cô cũng đã lên thăm làng Mustang, nơi có những bộ tộc luôn duy trì những nét văn hóa cổ xưa…

“Chúng tôi hoàn toàn đi bộ. Đó là những vùng còn rất hoang sơ, ít người khám phá. Vì không muốn có nhiều vị khách đến săm soi về bộ tộc mình nên người dân ở đó không làm đường. Qua những chuyến đi, tôi được mở mang kiến thức, hiểu biết thêm văn hóa, tôn giáo và con người Nepal”, Hà Phương kể.

Cô gái Việt Nam đầu tiên trong tu viện Nepal - ảnh 3

Hà Phương dưới chân EBC - Trạm dừng cơ bản của Everest...

Làm hướng dẫn viên du lịch để kiếm tiền đóng học phí

Vào những ngày nghỉ, Hà Phương làm hướng dẫn viên du lịch cho người Việt Nam và một số khách nước ngoài để kiếm tiền đóng học phí (5.000 USD/năm) cùng các khoản ăn ở, sinh hoạt khác. “Mình còn là người tu tại gia, vẫn còn có những nhu cầu nên phải luôn phấn đấu để vượt qua những tham sân si. Đừng nghĩ mọi thứ vô thường rồi buông xuôi, mà nghĩ về vô thường để càng nỗ lực và phấn đấu hơn trong tu tập đó mới là những lời Phật dạy”, Hà Phương bộc bạch.

Đề cập đến ước mơ của mình, Hà Phương bày tỏ: “Khi đến Việt Nam thuyết pháp, đa phần ngôn ngữ của các nhà sư thường bị chuyển hóa từ tiếng Anh ra tiếng Việt, nên nhiều khi không còn giữ được ý nghĩa gốc nữa. Chính vì vậy, tôi muốn nghiên cứu một cách có hệ thống và hoàn chỉnh về Kim Cang Thừa, để hiểu đúng về tông phái này đồng thời tham gia dịch trực tiếp từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Việt”.

Theo TNO

TIN LIÊN QUAN