Trường ĐH Kinh tế Nghệ An: Gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng

08/07/2016 09:47

(Baonghean) - Đổi mới chương trình đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn là một trong những giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Theo đó, các khoa đào tạo đã tích cực liên kết với các công ty doanh nghiệp để cùng hợp tác đào tạo nhân lực; đồng thời, tìm kiếm các địa chỉ tin cậy giới thiệu việc làm cho sinh viên.

Hiện, khoa Nông - Lâm - Ngư, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An lthu hút khá nhiều sinh viên theo học với 4 ngành đào tạo đại học là: Quản lý đất đai, Bác sỹ thú y, Lâm nghiệp và Khoa học cây trồng. Bên cạnh đó, khoa cũng đào tạo hệ cao đẳng, hệ trung cấp với các ngành nghề tương đương. Hiện, quy mô đào tạo hàng năm ổn định với trên 500 sinh viên hệ chính quy và 100 sinh viên hệ vừa học, vừa làm.

Sinh viên ngành Lâm nghiệp trong một chuyến thực tế.
Sinh viên ngành Lâm nghiệp trong một chuyến thực tế.

Thời gian qua, Khoa Nông - Lâm -Ngư thường xuyên tham mưu với nhà trường để tăng cường xây dựng cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo khác theo hướng phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học, nghiên cứu các đề tài khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, tập trung nhân lực, trí tuệ để các bộ môn trong khoa tổ chức các hội nghị khoa học, sinh hoạt học thuật, hội nghị chuyên môn theo từng năm học, nhằm giải quyết các vấn đề chuyên môn, đáp ứng yêu cầu dạy và học hiện nay, cũng như yêu cầu về chất lượng lao động sau khi ra trường...

Đặc biệt, với lợi thế về đào tạo ngành nông – lâm – ngư, trong những năm gần đây, khoa đã tích cực liên kết với các công ty, doanh nghiệp để cùng hợp tác đào tạo nhân lực; đồng thời, tìm kiếm các địa chỉ tin cậy để giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Theo đó, ký kết với Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Thái Dương, Tổng Công ty thuốc Thú y Đức Hạnh Marphavet với các nội dung thỏa thuận như: Mời đại diện các công ty lên lớp một số chuyên đề cho sinh viên; tham gia xây dựng các chương trình cao đẳng, đại học ngành chăn nuôi thú y. Về phía nhà trường sẽ cung cấp nguồn nhân lực chuyên ngành chăn nuôi thú y cho các công ty cùng với công ty giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường...

Ngoài ra, khoa cũng đã liên kết với Công ty Đặc Khu HOPE thuộc Tập đoàn Tây Hoa Hy Vọng - một tập đoàn xuyên quốc gia chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, lai tạo giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chế biến thực phẩm từ trang trại chăn nuôi và kinh doanh siêu thị - để cung cấp nguồn nhân lực chuyên ngành chăn nuôi thú y cho công ty. Cuối tháng 5/2016, khoa Nông - Lâm - Ngư và Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam vừa tổ chức thành công “Ngày hội hướng nghiệp cho ngành Chăn nuôi – Thú y” cho sinh viên sắp ra trường.

Sinh viên ngành Quản lý đất đai thực hành môn Thổ nhưỡng.
Sinh viên ngành Quản lý đất đai thực hành môn Thổ nhưỡng.

Sau khi phỏng vấn, đại diện Công ty GreenFeed đánh giá khá cao về chuyên môn của sinh viên và cam kết sẽ tuyển dụng sau khi các em hoàn thành chương trình học ở trường. Ông Trương Quang Ngân - Phó Trưởng khoa Nông – Lâm – Ngư, cho biết: “Trước đây nhiều sinh viên học chăn nuôi, thú y và các ngành nông lâm nghiệp khi mới ra trường thường phải chọn nghề “tay trái”. Tuy nhiên, hiện nay đây là những ngành có lợi thế trong khi tuyển dụng, được trả lương cao và có nhiều cơ hội được đào tạo, nâng cao tay nghề. Về tương lai, đây vẫn là nhóm ngành phát triển bởi vì theo phân tích nhu cầu lao động đến năm 2020 nguồn nhân lực trong ngành Nông – Lâm – Ngư sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo”.

Để khắc phục những hạn chế của sinh viên sau khi tốt nghiệp do thiếu kiến thức thực tế khoa Quản trị kinh doanh không ngừng đổi mới đào tạo. Trong đó, thay vì kéo dài chương trình lý thuyết khoa tăng thời gian thực tập tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho sinh viên trong quá trình học tập khoa đã liên kết với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có uy tín. Đồng thời kết nối với các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng, đào tạo sinh viên theo nhu cầu. Hàng năm, khoa cũng đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: hội thảo, các cuộc thi về kiến thức nhằm giúp sinh viên tăng cường các kỹ năng cơ bản như kỹ năng thuyết trình, đàm phán, ra quyết định. Sinh viên ngoài đào tạo chuyên môn chính còn được đào tạo thêm năng lực tiếng Anh chuyên ngành nhằm tăng thêm cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Tiến sỹ Nguyễn Công Nhật - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh cho biết: Sau thời gian đổi mới chương trình, đổi mới thực tập chất lượng, thực tập tốt nghiệp của các sinh viên tại các công ty, xí nghiệp được nâng lên rõ rệt. Qua đó, không chỉ tạo được niềm tin cho các đơn vị nhận sinh viên vào thực tập mà còn tăng cường khả năng tìm được việc làm của sinh viên ra trường.

Coi trọng chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững; tạo môi trường học tập, nghiên cứu thuận lợi để mọi người nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng, phát huy sáng tạo, phát triển tài năng, cạnh tranh được về cơ hội học tập và việc làm; hướng đến chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội… là những nhiệm vụ trọng yếu được Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Nhà trường cũng xác định chất lượng đào tạo là yếu tố quyết định cho sự mở rộng, hợp tác, phát triển và cạnh tranh. Để đạt được những kết quả này thì phương châm chính vẫn là: Lấy người học làm trung tâm cho mọi hoạt động của nhà trường, lấy lợi ích của người sử dụng sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường là lợi ích chính của nhà trường.

Nói về định hướng phát triển lâu dài, Tiến sỹ Dương Xuân Thao - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bên cạnh việc từng bước xây dựng môi trường làm việc hiện đại thì nhà trường sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ cấu bộ máy tổ chức giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề, có trách nhiệm cao trong sự nghiệp đào tạo. Nhà trường cũng sẽ chú trọng nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, đảm bảo gắn đào tạo trong nhà trường với quá trình sử dụng lao động, phát triển thêm các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ gắn khoa học ngày càng chặt chẽ với đào tạo và thực tế sản xuất; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và liên kết bằng nhiều hình thức để đào tạo nguồn cán bộ giảng viên và sinh viên.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN