Phát hiện hành tinh kỳ lạ có 3 mặt trời

10/07/2016 22:14

Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện một hành tinh quay quanh hệ thống gồm 3 ngôi sao, cách chúng ta hơn 300 năm ánh sáng.

Theo Cnet, các nhà thiên văn tại Đại học Arizona, Mỹ, phát hiện hành tinh khí khổng lồ HD 131399Ab là một phần trong hệ thống 3 ngôi sao thuộc chòm sao Centaurus, cách Trái Đất 340 năm ánh sáng.

HD 131399Ab bay theo quỹ đạo quanh ngôi sao sáng nhất. Hai ngôi sao còn lại quay tròn với nhau trong một "điệu nhảy hiếu động", và cặp sao này cũng bay theo quỹ đạo quanh ngôi sao sáng nhất. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 7/7.

"Trong khoảng một nửa quỹ đạo của hành tinh, kéo dài 550 năm trên Trái Đất, ba ngôi sao luôn có thể nhìn thấy trên bầu trời, hai ngôi sao mờ hơn đứng ở gần nhau," Kevin Wagner, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.

HD 131399Ab rất nóng và được cấu tạo chủ yếu từ khí với khối lượng gấp 4 lần sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời. HD 131399Ab là hành tinh tương đối trẻ, khoảng 16 triệu năm tuổi. Nếu đứng trên hành tinh này, chúng ta sẽ nhìn thấy khá nhiều cảnh bình minh, hoàng hôn, ánh sáng ban ngày, tùy thuộc vào các mùa khác nhau kéo dài suốt nhiều thế kỷ.

"Hầu hết thời gian trong năm, các ngôi sao nằm ở gần nhau trên bầu trời khiến một bên của hành tinh là ngày, một bên là đêm cùng với ba lần xuất hiện bình minh và hoàng hôn", Wagner nói.

Khi những ngôi sao mọc cách xa nhau, thời điểm một ngôi sao lặn xuống sẽ trùng với lúc ngôi sao khác mọc lên làm cho toàn bộ hành tinh là ngày liên tục trong khoảng 1/4 quỹ đạo, tương đương 140 năm trên Trái Đất".

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra hành tinh HD 131399Ab bằng cách sử dụng công cụ SPHERE của Kính thiên văn rất lớn (VLT) thuộc Đài quan sát Nam Âu (ESO) tại sa mạc Atacama, phía Bắc Chile. SPHERE là một trong những công cụ tiên tiến nhất thế giới dành riêng cho việc tìm kiếm hành tinh quay quanh những ngôi sao. Công cụ này rất nhạy cảm với ánh sáng hồng ngoại, có khả năng phát hiện dấu hiệu nhiệt của hành tinh trẻ.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN