Bi kịch phận người bị bỏ quên sau song sắt
(Baonghean.vn) - Đói nghèo, thất học, nhận thức pháp luật có hạn... là những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều người dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao phạm tội, vướng vòng lao lý. Ngày dài tháng rộng đếm ngược thời gian sau song sắt, không ít người bị bỏ rơi, không thăm thân, cũng chẳng có lưu ký, họ sống dựa vào các chế độ hiện hành của trại giam và tấm lòng của cán bộ quản giáo...
Trong số 998 can, phạm nhân đang được quản lý, giam giữ tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An tính đến thời điểm này, có tới 243 phạm nhân là người dân tộc thiểu số, hầu hết đều không có nghề nghiệp. Phần lớn do quá túng thiếu nên họ làm liều, dẫn đến vướng vào lao lý. Thậm chí, nhiều người còn không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông. Bị bắt, nhiều can phạm nhân sống dựa vào chế độ của trại giam theo quy định, không có lưu ký, không thăm nuôi.
Những phạm nhân cô độc
Phạm nhân Cụt Thị Oanh (SN 1989) trú tại bản Na Nhắng, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, hiện đang thụ án vì tội “mua bán trái phép chất ma túy”. Bản thân bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, Oanh bật khóc khi tâm sự với chúng tôi rằng, không biết có “cố” được nữa không để về gặp lại đứa con duy nhất của mình lần cuối.
Cuộc đời của Oanh là chuỗi ngày dài của những tấn bi kịch chồng lấn, xót xa hơn khi người gây ra nỗi đau ấy không ai khác chính là người chồng nghiện ngập mà Oanh “vớ” phải lúc mới 14 tuổi đời. Cưới nhau, về sống cùng dưới một mái nhà, Oanh mới biết chồng nghiện, mọi của nả hai bên gia đình cho để hai đứa tự lập đã lần lượt “đội nón ra đi”.
Phạm nhân tham gia lao động cải tạo tại trại giam Công an tỉnh, ảnh Khánh Ly |
Không làm chủ được bản thân, Oanh sa ngã theo chồng, mắc nghiện lúc nào không hay. Để có tiền thỏa mãn, người đàn bà trong hình dáng con trẻ này đã lập bập đi gom ma túy về bán lẻ để vừa có tiền trang trải cuộc sống, vừa có thuốc để tự cung phụng cho hai vợ chồng.
Năm 2012, Oanh bị công an huyện Quế Phong bắt, sau đó bị tòa kết án 24 tháng tù. Ngày ra trại, Oanh suy sụp khi biết mình đã bị lây nhiễm HIV từ chồng. Cuộc sống lại rơi vào ngõ cụt không có đường ra, chồng mất, không có nhà cửa, Oanh lại quay trở lại với việc mua bán ma túy.
“Từ ngày vào đây chưa có ai xuống thăm em cả, bố em bị bệnh mất trí nhớ, mẹ thì già rồi, và cũng không có tiền để đi lại. Em giờ cũng không biết con gái mình sống ra sao. Chỉ mong sống được đến khi ra trại để trở về gặp con, nhưng với căn bệnh này thì em cũng không biết sống được bao lâu nữa”, Oanh bật khóc khi kể về thực tại xót xa của bản thân mình.
Phạm nhân Xeo Văn Thông |
Xeo Văn Thông (1988), trú bản Xốp Cháo, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương (Nghệ An), bị kết án 6 năm tù về tội “Mua bán người” lại vướng vòng lao lý từ một lý do mà theo chính can phạm này chia sẻ là vì quá thương người. Học hết lớp 8, Thông bỏ ngang, ở nhà lấy vợ, bán rượu kiếm kế sinh nhai.
Bi kịch ập đến khi vào tháng 6/2015, cháu họ của Thông là Vi Thị Phương (SN 1999), tìm đến bày tỏ mong muốn được sang Trung Quốc lấy chồng vì chán học, ở nhà thường bị mẹ la mắng. Can ngăn không thành, Thông đã tìm người liên hệ để đưa cháu qua bên kia biên giới với giá thỏa thuận là 100 triệu đồng.
Cuộc giao dịch thành công, song 2 tháng sau Phương được công an Trung Quốc giải cứu và trao trả về địa phương, ngay lập tức những người liên đới đã bị bắt, trong đó có Xeo Văn Thông. Đó, cũng là lần duy nhất Thông vi phạm pháp luật, nhưng đã phải trả cái giá quá đắt.
Phạm nhân này chia sẻ, lúc tìm người đưa giúp Phương sang Trung Quốc, bản thân không hề nghĩ rằng việc làm đó là phạm pháp. Tất cả các cuộc giao dịch, ngã giá giữa Thông với các má mì, Thông đều hỏi ý kiến của Phương. Thậm chí, đến khi bị bắt, Xeo Văn Thông cũng chưa nhận được một đồng nào từ phía “đối tác”. Hơn một năm nằm sau song sắt, Xeo Văn Thông may mắn hơn nhiều phạm nhân khác khi được vợ thăm nuôi 4 lần, và đã có lưu ký.
Cũng phạm tội về hành vi “Mua bán người”, nhưng phạm nhân Trần Thị Tý (SN 1972), trú tại bản Chon, xã Xiêng My, huyện Tương Dương lại là một hoàn cảnh rất đặc biệt. Chồng mất, Tý một mình nuôi 3 đứa con nhỏ, dù đã thụ án được một quãng thời gian tương đối dài nhưng Tý chưa một lần được thăm nuôi.
Phạm nhân Trần Thị Tý |
Trước đó, Tý đã từng bị án phạt 26 tháng tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” vào năm 2012, thụ án tại Trại giam Đồng Sơn (Quảng Bình). Cũng như Thông, vào tháng 11-2015, có 2 người cùng bản “nhờ” Tý đưa qua Trung Quốc tìm việc và người đàn bà này đã nhiệt tình giúp đỡ, với thù lao hứa sẽ được trả là 2 triệu đồng/người nếu qua trót lọt.
Tìm được mối để bán với giá 80 triệu đồng mỗi người, Trần Thị Tý đã trao “hàng” cho một phụ nữ lạ mặt để đưa ra Quảng Ninh. Song tại Móng Cái, chuyến “hàng người” này đã bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Biết tin, Tý lặng lẽ đến cơ quan công an để đầu thú.
Phận buồn sau song sắt
Có nhiều trường hợp từ lúc bị tạm giam đến khi hết án, hoặc nhiều năm ngồi chốn biệt giam (đối với tử tù) không một lần có người thân thăm nuôi, tiếp tế. Từng là cử nhân, tốt nghiệp đại học nhưng khi ra trường thất nghiệp, vợ bị u nang buồng trứng, gần như không có khả năng sinh con, Hạ Bá Hùa (SN 1989), trú bản Pù Quật 2, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn đã sa chân vào đường dây vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam.
Mỗi chuyến hàng như vậy trót lọt, Hùa được nhận 2.000 USD. Sau 4 lần trong vai trò là người vận chuyển, Hùa đã mang từ Lào về 20 bánh Heroin, và năm 2015 khi đang giao dịch 8 bánh Heroin ở xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) thì bị bắt quả tang và bị kết án tử hình.
Phạm nhân Hạ Bá Hùa |
Lần duy nhất, Hùa được gặp vợ và người thân là tại phiên tòa sơ thẩm, từ đó đến nay, chưa một lần phạm nhân này được thăm nuôi. Tự động viên mình rằng, vợ bạo bệnh, mẹ thì già, đường lại xa nên tử tù Hạ Bá Hùa chỉ biết chấp nhận số phận mà không một lời oán trách. Bởi, suy cho cùng, cái kết đắng hôm nay là do lỗi lầm của bản thân trong quá khứ, tự mình chuốc lấy. Hơn ai hết, Hùa hiểu rất rõ việc làm của mình là phạm pháp, nhưng vì túng quẫn, cựu sinh viên này đã nhắm mắt đưa chân.
Trường hợp của Hạ Bá Hùa cũng là tình cảnh chung đối với 22 tử tù đang nằm chốn biệt giam ở Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An từ trước đến nay. Đối với tử tù là người dân tộc thiểu số hoặc người Lào, gần như từ khi giam giữ đến lúc thi hành án, chẳng có ai thăm nuôi và anh em cán bộ quản giáo đã gán cho họ biệt danh là những tử tù cô độc.
Phạm nhân đang cải tạo tại trại tạm giam công an tỉnh Nghệ An |
Đối với những người này nói riêng và các can phạm nhân bị người nhà bỏ rơi, cán bộ quản giáo đã trích một phần tiền lương hằng tháng, mua cho họ những vật dụng cần thiết, hoặc mua cho thùng mì tôm, tý đường hay hộp sữa.
Đại úy Nguyễn Thị Liên, cán bộ quản giáo có thâm niên nhiều năm tiếp xúc, trông coi tử tù cũng như với những can phạm nhân là người dân tộc thiểu số, kể: Rất nhiều phạm nhân khi vào trại giam chia sẻ rằng, lần đầu tiên mới biết đến mùi vị của cơm, bởi lúc còn ở nhà chỉ ăn rau rừng với khoai sắn. Thậm chí, một số phạm nhân nữ đã lên chức bà, chức mẹ nhưng khi đưa quả trứng gà luộc cũng không biết ăn như thế nào, cứ lóng nga lóng ngóng tìm cách “mở”. Nhìn cảnh ấy, nhiều bữa cán bộ quản giáo không kìm được, rớt nước mắt vì xót xa.
Phạm tội, vì bất cứ lý do gì cũng đáng trách và đáng bị trừng phạt. Song vì nghèo đói, thất học mà vướng vòng lao lý, có lẽ là nỗi tủi phận lớn nhất đời người. Những tháng ngày trả giá, đếm ngược thời gian sau chấn song sắt, đôi khi đơn giản chỉ là ước một lần được người thân đến thăm nuôi, động viên nhưng dường như ước mơ ấy quá xơ vời, viển vông.
Đau đớn hơn, nhiều người sau vào trại giam, ở nhà chồng đơn phương li dị để cưới vợ khác. Đắng cay là thế, song vì nhiều lý do khác nhau, không ít phạm nhân trở về với gia đình, xã hội chưa được bao lâu, lại tiếp tục giẫm lên vết xe đổ của quá khứ...
Hà Thư
TIN LIÊN QUAN