Hillary Clinton: Từ căn bếp Nhà Trắng đến ứng viên tổng thống

26/08/2016 09:01

(Baonghean) - Trong bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng càng càng gay cấn, nữ ứng viên Tổng thống duy nhất của Đảng Dân chủ Hillary Clinton đang được dư luận, đặc biệt phía đối thủ là phe Cộng hoà dành sự quan tâm. Tuần qua, hàng loạt sóng gió mới lại đến với bà, thử thách bản lĩnh của nữ cựu ngoại trưởng Mỹ. Chặng đường từ Đệ nhất phu nhân, Ngoại trưởng và giờ đây là ứng viên sáng giá cho vị trí cao nhất của nước Mỹ, liệu những gì đang thể hiện đã đủ để bà Hillary bước lên bục vinh quang?

Bước ngoặt

Ngày 17/1/1993, ông Bill Clinton chính thức nhậm chức Tổng thống còn bà Hillary trở thành Đệ nhất Phu nhân Mỹ đầu tiên có học vị sau đại học. Đây cũng là thời điểm bà Clinton nhận thức rõ con đường chính trị của gia đình và bắt đầu lột xác.

Bà Hillary cùng chồng là cựu Tổng thống Bill Clinton ăn mừng chiến thắng trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1992. Ảnh: Reuters
Bà Hillary cùng chồng là cựu Tổng thống Bill Clinton ăn mừng chiến thắng trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1992. Ảnh: Reuters

Bà đã từ bỏ tên thời con gái, bắt đầu trang điểm, cởi bỏ cặp kính dày và đầu tư vào các quan hệ mới. Bà cũng dành thời gian đọc tiểu sử của 43 đệ nhất phu nhân trong lịch sử để tự tin hơn khi từ Little Rock đến Nhà Trắng. Với thành công đã có trong việc cải cách giáo dục ở Arkansas, bà Hillary được phu quân là Tổng thống Bill Clinton giao phụ trách công tác cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn nước Mỹ.

Thế nhưng, mọi việc diễn ra không suôn sẻ như nhà Clinton mong muốn. Vào đêm 8/11/1994, trong phòng bếp nhỏ trên tầng hai Nhà Trắng, bà Hillary nhìn chằm chằm vào màn hình vô tuyến. Đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ khi đó 47 tuổi ngồi cùng chồng và con gái, lắng nghe từng dòng tin tức thông báo về việc Đảng Cộng hòa trên cả nước đã bứt phá, chiến thắng áp đảo và sẽ tiếp quản Quốc hội.

Bối rối, lo âu cộng thêm nỗi buồn phiền và thất vọng, bà Clinton hiểu rằng, việc thúc đẩy cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe mà bà phụ trách đã không thành công. Cộng thêm những rắc rối của vụ bê bối bất động sản Whitewater, đã khiến Đảng Dân chủ nhận thất bại nặng nề.

Năm 1994 trở thành năm đen tối của nhà Clinton và Đảng Dân chủ. Thế nhưng ở góc nhìn khác, chiến lược gia Đảng Cộng hòa Joe Brettell cho rằng, “nếu ai đó muốn nhìn thấy thời điểm Hillary hiện đại bắt đầu trỗi dậy, đó chính là năm 1994!”.

Sau này, trong cuốn hồi ký của mình, Barbara Bush - vợ của George Bush cha đã viết, “Hillary Rodham Clinton chắc chắn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định của chồng. Bà dường như ngày càng mạnh mẽ hơn trong vai trò của cả hai”. Và dường như tất cả điều này đã diễn ra trên thực tế khi ngày 20/1/1997, bà Hillary cùng chồng và con gái đã cùng góp mặt trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 của ông.

Dấn thân vào thách thức

Sau nhiều năm là hậu phương vững chắc cho chồng, bà Clinton bắt đầu dấn thân và giành được thành quả đầu tiên là chức Thượng nghị sĩ đại diện bang New York năm 2000. Đến năm 2006, bà lại đắc cử để đại diện bang New York tại Thượng viện thêm một nhiệm kỳ nữa.

Với mục tiêu lớn hơn, ngày 27/1/2007, bà Clinton chính thức công bố chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ. Khi chưa đạt tới vị trí tổng thống, bà Clinton đảm nhận vai trò Ngoại trưởng Mỹ từ năm 2009. Tuy nhiên đến năm 2013, sau phiên điều trần trước Quốc hội về vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Libya, bà Hillary đã chính thức kết thúc nhiệm kỳ Ngoại trưởng của mình.

Ngày 20/1/2007, bà Clinton trên trang nhất website tranh cử chính thức đã tuyên bố: “Ngày hôm nay, Hillary có bước đi đầu tiên trên con đường chạy đua vào Nhà trắng”. Ảnh: Reuters
Ngày 20/1/2007, bà Clinton trên trang nhất website tranh cử chính thức đã tuyên bố: “Ngày hôm nay, Hillary có bước đi đầu tiên trên con đường chạy đua vào Nhà trắng”. Ảnh: Reuters

Sau khi rời vị trí quan trọng này, bà Clinton trở về với cuộc sống đời thường và không can dự vào chính trường. Thế nhưng thực tế đây chính là giai đoạn lắng lại để bà chuẩn bị cho một cuộc đua cam go hơn, đó là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Quả đúng như dự đoán, ngày 12/4/2015, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chính thức tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Mỹ một lần nữa.

Thế nhưng, muôn vàn khó khăn lại kéo đến để thử thách bản lĩnh của cựu Ngoại trưởng, cựu Đệ nhất phu nhân Clinton. Đó là vụ bê bối sử dụng thư điện tử cá nhân, những tranh cãi xung quanh quỹ từ thiện của gia đình.

Mới đây, bà còn nhận được đơn kiện của gia đình 2 nhà ngoại giao Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công Toà lãnh sự Mỹ ở thành phố Benghazi, Lybia cách đây 4 năm. Gần hơn trong tuần này là những lời đồn đoán về sức khoẻ của bà hay việc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) công bố một số báo cáo cho thấy, bà có thể liên quan đến vụ tự tử của một cố vấn Nhà trắng khi còn là Ngoại trưởng Mỹ.

Bản lĩnh phụ nữ Mỹ sẽ được tôn vinh?

Luôn đáp lại bằng những phát biểu và phản biện cứng rắn, bà Clinton không phụ lòng cử tri ủng hộ với bản lĩnh vững vàng của một nhà chính trị thâm niên. Mới nhất, bà Hillary còn xuất hiện tràn đầy sức sống trên Jimmy Kimmel Live - chương trình truyền hình trò chuyện đêm khuya để giải toả những đồn đoán về sức khỏe của bà.

Bà Clinton gọi đây là “chiến thuật lập dị” và rất vô nghĩa; đồng thời cáo buộc ứng cử viên Donlad Trump đã cố tình đưa ra “một thực tế khác” nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề thiết thân với các cử tri.

Sử dụng truyền thông, tận dụng những người nổi tiếng cũng chính là một chiến lược hiệu quả của bà Clinton trong suốt chặng đường vừa qua. Đến nỗi đối thủ Donald Trump còn phải nhận xét rằng, truyền thông đang “thiên vị” bà Clinton.

Cùng với hành trang kinh nghiệm chính trường dày dặn, hậu phương vững chắc là cựu Tổng thống Bill Clinton, bà HiIllary cũng luôn biết đánh vào những điểm mà bà cho là “không thể yếu hơn” của đối thủ Donlad Trump như: khoa trương, bốc đồng và không thực tế. Bà luôn nhấn mạnh đây là sự khác biệt rất lớn giữa bà và ứng viên Đảng Cộng hòa mà cử tri cần nhớ.

Bà Hillary Clinton của ngày hôm nay, khi đã trở thành ứng viên duy nhất của Đảng Dân chủ. Ảnh: Getty Image
Bà Hillary Clinton của ngày hôm nay, khi đã trở thành ứng viên duy nhất của Đảng Dân chủ. Ảnh: Getty Image

Trong khi đó về phía ứng viên Donald Trump, giới quan sát cho rằng, việc thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo chiến dịch tranh cử vừa qua cho thấy, ứng viên này đang tìm kiếm những “chiêu trò” mới cho cuộc đua nước rút tới đây. Nhưng rõ ràng, “chiêu trò” sẽ khó có thể trở thành thực tế các lá phiếu của cử tri.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu sự bản lĩnh và quyết liệt của bà Hillary có giữ được cho đến phút cuối là ngày 8/11 tới đây, khi ứng cử viên Đảng Cộng hoà là tỷ phú Donald Trump dù sao cũng không phải là một đối thủ yếu. Mặc dù các cuộc thăm dò mới đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của cử tri với bà Clinton đang vượt lên bỏ khá xa ứng viên Trump; nhưng nó chưa nói lên điều gì.

Vẫn còn hơn 2 tháng nữa và cũng còn nhiều cử tri còn đang lưỡng lự. Bà Clinton trong quãng thời gian này phải khẳng định với dư luận rằng, nếu đắc cử thì bà không phải là “nhiệm kỳ thứ 3” của Tổng thống Barack Obama. Tất cả sẽ còn ở phía trước. Và dư luận cũng đang chờ đợi một giây phút lịch sử mới của nước Mỹ vào tháng 11 tới đây.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN