Vì sao thể thao Anh quốc thăng hoa tại Olympic 2016

25/08/2016 07:12

Sự đầu tư mạnh tay và chiến lược dài hạn giúp Anh quốc có kỳ Thế vận hội thành công nhất trong 108 năm lịch sử.

vi-sao-the-thao-anh-quoc-thang-hoa-tai-olympic-2016

Hai anh em Alistair Brownlee (phải) và Jonathan Brownlee đoạt HC vàng lẫn HC bạc ba môn phối hợp cho Anh quốc tại Rio 2016. Ảnh: Reuters.

Nỗi buồn đánh đổi niềm vui chiến thắng

Để có được thành công như tại Rio 2016, thể thao Anh quốc phải cảm ơn những người dân hàng tuần nuôi mộng đổi đời từ việc mua xổ số. Nỗi buồn của những người không may mắn khi mua xổ số càng nhiều, cơ hội chiến thắng của các vận động viên càng cao.

Quỹ xổ số quốc gia chính là nhà tài trợ lớn nhất của thể thao Anh quốc, khi trích ra 20% doanh thu để đầu tư cho các vận động viên. Khoản tiền này chiếm tới ba phần tư ngân sách dành cho thể thao Anh quốc. Đây là quyết định được đưa ra sau khi đoàn thể thao Anh quốc trở về từ Atlanta 1996 với chỉ một tấm HC vàng, đứng thứ 36 chung cuộc, dưới cả Kazakhstan, Algeria và người láng giềng Ireland. Cựu thủ tướng Anh, John Major là người đứng sau quyết định mang tính đột phá ấy. Chính trị gia này ủng hộ sự thay đổi của hệ thống thể thao sau thành tích tủi hổ năm 1996.

Tầm nhìn của John Major đưa thể thao Anh quốc từng bước tiến lên đỉnh cao. Họ đứng thứ 10 trên bảng tổng sắp huy chương tại Olympic 2000, 2004, thứ tư vào năm 2008 và thứ ba trên sân nhà năm 2012. Tại Olympic năm nay, Anh quốc đã vượt Trung Quốc để leo lên thứ hai với 27 HC vàng. Riêng số HC vàng họ sở hữu tại Rio de Janeiro vừa qua đã nhiều hơn tổng số HC vàng mà Anh quốc giành được trong sáu kỳ Thế vận hội liên tiếp, từ 1976 tới 1996.

vi-sao-the-thao-anh-quoc-thang-hoa-tai-olympic-2016-1

Andy Murray là trường hợp hiếm hoi khi tự dùng tiền cá nhân để thi đấu tại Olympic 2016 cho Anh quốc. Ảnh: Reuters.

Theo New York Times (Mỹ), chỉ riêng đầu tư cho các VĐV Anh quốc trong năm 2016 đã lên tới 460 triệu đôla, so với 77,5 triệu vào năm 1996. Sự đầu tư mạnh tay này là nguyên nhân lớn nhất giúp xứ sở sương mù đứng vào hàng ngũ các đại gia của thể thao thế giới.

Năm 1996, VĐV Anh quốc giành huy chương ở Thế vận hội Atlanta nhận 5.200 đôla một năm, thì con số này vào năm 2016 lên tới 37.000 đôla. Bên cạnh đó, các VĐV trọng điểm còn được hỗ trợ thêm từ 47.000 đến 79.000 đôla cho những yêu cầu về huấn luyện viên và luyện tập. Điều này khiến mỗi tấm huy chương mà đoàn Anh quốc đoạt tại Rio 2016 tiêu tốn trung bình là 6,5 triệu đôla (145 tỷ đồng).

Đầu tư những môn mũi nhọn

Thể thao Anh quốc chấp nhận đầu tư nhiều tiền, nhưng không dàn trải một cách vô tội vạ. Các nhà quản lý thể thao Anh quốc rất rõ ràng trong việc lựa chọn các môn mũi nhọn thay, vì đầu tư vào những môn khó có khả năng tranh chấp huy chương ở Olympic. Bóng rổ, một môn thể thao được nhiều người quan tâm, chính là nạn nhân của chính sách này. Sau kỳ Olympic 2012 thất bại, Anh quốc quyết định thôi đầu tư vào bóng rổ, và đặc biệt chú ý tới đua xe đạp - môn giành nhiều HC vàng.

Định hướng hợp lý giúp Anh quốc cắt ngắn thời gian phát triển trong khoa học thể thao, tâm lý, kỹ thuật, huấn luyện và tìm kiếm tài năng. Dù vấp sự phản đối của nhiều người khi bỏ rơi các môn thể thao đại chúng như bóng rổ và bóng chuyền, chính sách tập trung này đang phát huy hiệu quả về thành tích.

vi-sao-the-thao-anh-quoc-thang-hoa-tai-olympic-2016-2

Đội đua xe đạp lòng chảo của Vương quốc Anh. Ảnh: Reuters.

Minh chứng rõ nhất chính là môn đua xe đạp. Dave Brailsford, Trưởng bộ môn đua xe đạp của thể thao Anh quốc giai đoạn 1997-2014, đã sử dụng khoa học kỹ thuật để nghiên cứu từng chi tiết nhỏ nhất nhằm cải thiện hiệu suất thi đấu. Sau khi tìm ra được phương án tốt nhất, từng mảnh nhỏ được ghép lại để hoàn chỉnh toàn bộ cách luyện tập cũng như thi đấu. Từ chỗ chỉ giành hai HC đồng tại Olympic 1996, đua xe đạp Anh quốc giành tới sáu HC vàng, bốn HC bạc và hai HC đồng ở Thế vận hội năm nay.

Năm ngoái, chính phủ Anh công bố tăng thêm 29% ngân sách dành cho thể thao. Đây được xem là sự đảm bảo lâu dài cho ngành thể thao hướng tới Olympic 2020 và xa hơn nữa. Với việc xem thể thao như lĩnh vực thể hiện niềm kiêu hãnh mới của quốc gia và phô trương sức mạnh mềm trong ngoại giao, chính phủ Anh sẽ không ngại đổ tiền tiếp trong những năm tới.


Theo VNE

TIN LIÊN QUAN