Đầm lầy rắn độc 'lột xác' thành sân bay quốc tế hàng đầu

24/08/2016 10:36

(Baonghean.vn) - Sân bay Quốc tế Savarnabhumi là điểm khởi đầu nhiều hành trình du lịch ở Thái Lan. Du khách khi đến đây được nghe câu chuyện về một công trình nguy nga đồ sộ mọc lên từ vùng đất trước đây chỉ là đầm lầy, có nhiều rắn độc đến nỗi con người không dám đến gần.

Được hoàn thành năm 2006 với tổng kinh phí 3.8 tỷ đô-la, sân bay Suvarnabhumi nằm ở Racha Thewa, thuộc huyện Bang Phli, tỉnh Samut Prakan, cách trung tâm thủ đô Bangkok 25 km về phía đông. Đây là sân bay xếp thứ 18 trong danh sách những sân bay bận rộn nhất trên thế giới với diện tích 32,8 km², phục vụ hơn 53 triệu lượt khách mỗi năm.

Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đáp xuống Suvarnabhumi là những mái vòm mang hình dáng đền chùa đậm phong cách Phật Giáo Thái Lan. Suvarnabhumi có đài kiểm soát không lưu cao nhất thế giới 132,2m, nhà ga đơn lớn nhất thế giới rộng 563.000 m² tiếp nhận cả hành khách quốc tế và nội địa. Công suất hiện tại của sân bay là 45 triệu khách mỗi năm nhưng có thể nâng cấp lên phục vụ 150 triệu khách.

Những công trình bên trong sân bay mang đậm nét đặc trưng văn hoá và tôn giáo của đất nước Phật vàng.
Những công trình bên trong sân bay mang đậm nét đặc trưng văn hoá và tôn giáo của đất nước Phật vàng.
Sân bay được thiết kế để có thể nâng cấp công suất phục vụ đến 150 triệu khách/năm.
Sân bay được thiết kế để có thể nâng cấp công suất phục vụ đến 150 triệu khách/năm.

Nhà ga sân bay cao 7 tầng lầu và 2 tầng hầm. Trong sân bay có đầy đủ các khu phức hợp mua sắm, ăn uống giải trí và nghỉ ngơi cho du khách. Mỗi giờ có thể tiếp nhận 76 chuyến bay, 8.300 tấn hàng hóa mỗi ngày. Đặc biệt, đằng sau công trình đồ sộ này là cả một câu chuyện khiến nhiều nhà quy hoạch và chiến lược gia kinh tế phải suy ngẫm.

Năm 1973, nhận thấy sự cần thiết về một sân bay mới thay thế cho sân bay Quốc tế Bangkok, vùng đầm lầy Nong Ngu Hao được chọn và mua lại với tổng diện tích 324km². Nong Ngu Hao trong tiếng Thái có nghĩa là “Đầm lầy hổ mang” bởi nơi đây có rất nhiều rắn độc sinh sống. Nhà vua Bhumibol Adulyadej bấy giờ đặt tên mới cho vùng đất là Suvarnabhumi, nghĩa là “Vùng đất vàng”. Thế nhưng các biến cố chính trị và khủng hoảng tài chính Châu Á nổ ra khiến dự án bị đình trệ. Nhiều nhà đầu tư sau đó đã cố gắng tiếp nhận lại dự án nhưng thất bại. Đến thời cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, dự án mới tiếp tục được triển khai và hoàn thành.

Quá trình san lấp mặt bằng mất đến 5 năm ròng rã để hoàn thành, chưa kể nhiều nỗ lực thất bại trước đó của các nhà đầu tư.
Quá trình san lấp mặt bằng mất đến 5 năm ròng rã để hoàn thành, chưa kể nhiều nỗ lực thất bại trước đó của các nhà đầu tư.

Năm 1997, giai đoạn san lấp mặt bằng được tiến hành, đòi hỏi một khối lượng đất đá khổng lồ. Song nếu vét đất ở vùng khác đến thì sẽ tạo ra một vùng trũng rộng lớn khác và chi phí cũng rất tốn kém. Đây cũng là trở ngại khiến nhiều nhà đầu tư từng phải chịu thua. Cùng thời điểm đó, dự án tàu điện ngầm Bangkok bắt đầu được triển khai, vì vậy chính quyền đã chỉ đạo sử dụng đất đá được đào lên từ đường hầm để san lấp mặt bằng đầm lầy. Sau 5 năm ròng rã, vùng đầm lầy toàn rắn độc đã được san lấp hoàn toàn, sẵn sàng bước vào giai đoạn thi công. Đến tháng 09 năm 2006, thủ tướng Thaksin Shinwatra chính thức thông báo khánh thành sân bay Quốc tế Suvarnabhumi sau 33 năm thai nghén.

Sân bay Suvarnabhumi là một quần thể kiến trúc hài hoà giữa nét hiện đại và tính thân thiện với môi trường.
Sân bay Suvarnabhumi là một quần thể kiến trúc hài hoà giữa nét hiện đại và tính thân thiện với môi trường.

Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi và hệ thống tàu điện ngầm Bangkok là hai di sản lớn của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra để lại sau thời gian nắm quyền. Người dân Thái Lan vẫn thường xuyên nhắc đến câu chuyện về sân bay khổng lồ mọc lên từ đầm lầy rắn độc như một điều kỳ diệu với niềm tự hào. Có thể thấy, để làm được những điều to lớn như vậy cần một tầm nhìn khác biệt, chính sách linh hoạt và sự nỗ lực bền bỉ không ngừng.

Phan Minh

TIN LIÊN QUAN