Những hoạt động cách mạng của Hồ Tùng Mậu

06/06/2016 21:27

(Baonghean.vn) - Khi còn hoạt động ở Quảng Châu, Hồ Tùng Mậu dùng bút danh Hồ Mộng Tống viết bài đăng báo ở Trung Hoa, tố cáo tội ác thực dân, kêu gọi thả Phan Bội Châu ra khỏi tù, sau đó trở thành một cây bút tích cực của Báo Thanh niên.

Hồ Tùng Mậu từng là cây bút tích cực của báo Thanh niên thời bấy giờ.
Hồ Tùng Mậu từng là cây bút tích cực của báo Thanh niên thời bấy giờ.

Đặc biệt, khi bị giam ở nhà lao Vinh (Nghệ An) và sau đó là nhà lao Kon Tum, Hồ Tùng Mậu đóng vai trò sáng lập, “chủ bút”, “thư ký tòa soạn” của tờ “báo miệng”. Sau khi tòa soạn họp, chọn chủ đề, đặt các chuyên mục rồi phân công mỗi người suy nghĩ kỹ, “chắp bút” và học thuộc để chờ đến lúc trình bày.

“Bài báo không viết ra giấy nhưng được nghĩ chín chắn trong đầu nên phần nhiều chẳng những nội dung súc tích mà hình thức cũng khá văn vẻ gọn gàng”, “tờ báo tuy không cần viết, không cần in mà đến với bạn đọc rất nhanh, rất nhạy”, “đã làm được nhiệm vụ động viên tinh thần, giữ vững ý chí cách mạng của các chiến sỹ cộng sản trong lao tù”.

Bên cạnh đó, Hồ Tùng Mậu còn sáng tác “tiểu thuyết miệng” có tựa đề “Giọt máu hồng” và “Tục giọt máu hồng” để đọc cho anh em tù nghe, nhằm động viên nhau giữ vững lòng trung kiên, bất khuất của người cộng sản. Trong nhà lao Kon Tum, Hồ Tùng Mậu còn dạy chính trị và dạy tiếng Trung, chủ xướng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, sáng tác một số bài thơ giá trị như “Tin tưởng”, “Tám mồ liệt sỹ”; lập ra “Hội Tao đàn” dùng hình thức sáng tác và bình thơ để động viên, giáo dục người tù cộng sản, “góp phần làm cho ý chí của anh em tù chính trị càng cứng như thép, vững như đồng”.

Từ khi Đảng ta phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, Hồ Tùng Mậu cùng một số tù chính trị vượt ngục Trà Khê về tỉnh Bình Định, được tổ chức Đảng và Việt Minh ở đây tiếp đón, đến tháng 3/1945 trở về tới làng Quỳnh Đôi. Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim lập tức mời Hồ Tùng Mậu ra làm cố vấn chính trị nhưng bị từ chối quyết liệt.

Đồng chí tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân giúp nhau cứu đói, tham gia Hội Cứu quốc, ủng hộ cách mạng, còn giao cho con trai là Hồ Mỹ Xuyên tham gia Ủy ban khởi nghĩa của huyện Quỳnh Lưu. Một phần nhờ vậy, huyện Quỳnh Lưu giành được chính quyền sớm nhất của tỉnh Nghệ An trong Cách mạng tháng 8/1945.

Khi Đảng ta chuẩn bị phát lệnh Tổng khởi nghĩa, Hồ Tùng Mậu cùng một số đồng chí khác được điều động tăng cường củng cố, lãnh đạo Xứ ủy Trung Kỳ, chuẩn bị lực lượng chính trị, vũ trang tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đóng góp đáng kể vào thắng lợi cuộc khởi nghĩa giành chính ở các tỉnh lỵ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Bác Hồ và Hồ Tùng Mậu với đại biểu phụ nữ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 3.1951)
Bác Hồ và Hồ Tùng Mậu với đại biểu phụ nữ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 3/1951).

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chúng ta tích cực chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm vừa, hăng hái xây dựng đời sống mới nhưng ở một số địa phương mắc phải sai lầm như chặt cây cổ thụ của làng đem bán, lấy tiền rèn dao, mác, mã tấu. Có nơi ở Nghệ An còn dẹp bàn thờ ở ngôi đền, đình làng, không cho nhân dân cúng tế để làm nơi triển khai bình dân học vụ, thậm chí có nơi còn phá đền, chùa, tượng Phật…

Ở huyện Đô Lương (Nghệ An) phá chùa Phật Kệ - một ngôi chùa cổ được xây dựng từ đời nhà Lý. Hồ Tùng Mậu đã có ý kiến: “Cách mạng không phải thế. Không phải cái gì cũ thì cách mạng cũng phá để làm mới. Cách mạng phải bảo vệ các công trình kiến trúc, điêu khắc của cha ông để lại. Cách mạng là phải tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân”.

Ở huyện Quỳnh Lưu phá Chùa Chợ - ngôi chùa xây dựng từ thời nhà Mạc, rước tượng Phật và các đồ tế khí đến nơi khác để lấy nơi làm trụ sở xã; có nơi lại chặt cây gạo và cây đa to của làng được trồng từ thế kỷ XIV để lấy gỗ làm bàn ghế cho học sinh.

Hồ Tùng Mậu biết chuyện, liền nhắc nhở: “Sao các anh lại phá chùa. Đây là di sản văn hóa của ông cha, làm đẹp xóm làng. Các anh phá đi làm mất di sản văn hóa, sau này không làm lại được. Hơn nữa, các làng lân cận sẽ hiểu như thế nào, người ta sẽ nghi ngờ cách mạng. Làm thế này là đã phạm tội tả khuynh. Nếu bệnh dịch tả làm chết một số người thì bệnh tả khuynh giết chết cả sự nghiệp cách mạng”.

Trước đó, từ trong cao trào cách mạng 1930-1931, nghe tin ở quê nhà có khẩu hiệu: “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, Hồ Tùng Mậu rất đau lòng, sau này nói: “Được tin đó, tôi lo quá, ai lại chủ trương thế, chia rẽ mất rồi. Cách mạng là phải đoàn kết. Cũng may là chủ trương đó mới tung ra trong thời gian ngắn, Đảng ta đã kịp thời uốn nắn, sửa chữa”.

TS. Lê Đức Hoàng

Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương

TIN LIÊN QUAN