Đô Lương - Vùng kinh tế năng động
(Banghean) - Một trong những trọng tâm chiến lược phát triển của huyện Đô Lương là đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và thu hút các dự án đầu tư, tạo tiền đề quan trọng để huyện phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện nông thôn mới.
Quyết liệt xây dựng nông thôn mới
Xuân Sơn là xã nằm xa trung tâm huyện Đô Lương, đời sống nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, toàn xã vẫn huy động được tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới đạt 165 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp tiền mặt đạt 40 tỷ đồng, chiếm 40% tổng vốn huy động.
Bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, cho biết: Xã đã tập trung hoàn thiện đạt chuẩn các hạng mục công trình khó như trường học, trạm xá, giao thông nông thôn, thủy lợi; thực hiện chuyển đổi ruộng đất để phát triển 22 mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho thu nhập trên 200 triệu đồng/mô hình/năm. Sau 3 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Xuân Sơn đã hoàn thiện 16/19 tiêu chí, và phấn đấu về đích trong năm 2016.
Dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam Đô Lương. |
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng và có tính chiến lược, Đô Lương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp như đẩy nhanh quy hoạch lại cơ sở hạ tầng đồng ruộng, xây dựng các tuyến đường chính, phụ, kênh mương, trạm bơm tưới, chỉ đạo dồn điền đổi thửa trên diện rộng, huy động xã hội hóa, tranh thủ các chương trình dự án như đường giao thông Tràng - Minh, Tân - Thịnh, Quang - Nhân. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện bám sát nội dung kế hoạch xây dựng, tham mưu chỉ đạo 32 xã triển khai thực hiện kịp thời.
Công ty May Prex Vinh. |
Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, trước mắt huyện Đô Lương đứng ra ứng trước 6.000 tấn xi măng từ Tập đoàn Xi măng The Vissai, hỗ trợ 200 - 400 tấn/xã, chỉ đạo các xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2016, ưu tiên lồng ghép các chương trình dự án đường giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm, chỉ đạo các phòng, ngành phối hợp với các xã ứng dụng tiến bộ KHKT nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất như lúa chất lượng cao, trồng thanh long, rau màu vụ đông cao cấp trên đất chuyển đổi…
Mô hình trồng nấm. |
Ông Trần Doãn Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Tính đến tháng 7/2016, toàn huyện đã đạt 404 tiêu chí NTM, tăng 18 tiêu chí so với năm 2015. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, toàn huyện huy động được trên 224 tỷ đồng, trong đó 161 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước, 54 tỷ đồng vốn dân góp, còn lại vốn huy động khác. Nhiều xã huy động được nguồn lực lớn như Hồng Sơn, Xuân Sơn, Đông Sơn, Trung Sơn. Nhân dân đóng góp trên 37.000 ngày công, hiến trên 22.124 m2 đất xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, huyện tập trung cao độ chỉ đạo 8 xã Lưu Sơn, Xuân Sơn, Tràng Sơn, Lạc Sơn, Bồi Sơn, Đặng Sơn, Đông Sơn, Trung Sơn hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới trong năm 2016. Đối với các xã còn lại, huyện yêu cầu mỗi xã phấn đấu đạt mới từ 4 - 5 tiêu chí trong năm 2016. Mục tiêu đến năm 2020 huyện đạt 26 xã nông thôn mới.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Hoạt động thu hút đầu tư đang được Đô Lương đẩy mạnh với mục tiêu trở thành vùng kinh tế năng động của tỉnh. Có mặt tại phân xưởng sản xuất của Công ty may Prex Vinh thuộc cụm công nghiệp Lạc Sơn của huyện Đô Lương. Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, đến nay, Công ty may Prex Vinh với 100% vốn đầu tư nước ngoài của Tập đoàn KIDO Hàn Quốc đã gây dựng cơ ngơi sản xuất đồ sộ trên khuôn viên 70.000 m2. Sản phẩm của công ty bao gồm trang phục thể thao, quần áo da, áo chống nóng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Đông Âu.
Ông Lê Chư Tú - Quản lý Công ty may Prex Vinh cho biết: Với 2 phân xưởng may được đầu tư hạ tầng hiện đại, tiên tiến, hàng năm, công ty xuất khẩu đạt trên 2 triệu sản phẩm với doanh thu gần 300 tỷ đồng/năm. Hiện công ty đang tạo việc làm cho gần 5.000 công nhân trong vùng và các huyện lân cận như Yên Thành, Anh Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương với mức lương bình quân đạt từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng.
|
Đến nay, dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Đô Lương được Tập đoàn xi măng Vissai Ninh Bình tiếp quản, làm chủ đầu tư (Nhà máy Xi măng Sông Lam) đang mở ra tín hiệu vui cho sự phát triển.
Bên cạnh đó, huyện Đô Lương đang rất kỳ vọng kết nối để tham gia phát triển tuyến du lịch Vinh - Khu Di tích Kim Liên - Đô Lương - Cột mốc số 0 Tân Kỳ - và Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Mát đó là suối nước nóng Giang Sơn.
Đường vào suối nước nóng Giang Sơn (Đô Lương) |
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Nhiều năm qua, huyện tích cực đầu tư hạ tầng, miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập và một số loại phí trong 2 năm đầu, quan tâm hỗ trợ mặt bằng sạch cho các dự án. Nhờ đó, hệ thống các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ, siêu thị vừa và nhỏ gắn với đầu tư phát triển khu đô thị Vườn Xanh, khu đô thị Cầu Tiên được xây dựng.
Cụm công nghiệp Thượng Sơn đã thu hút 7 hộ đầu tư vào sản xuất, Công ty TNHH With VINA (cụm công nghiệp Lạc Sơn) với 100% vốn Hàn Quốc doanh thu đạt 7 tỷ đồng/năm. Riêng cụm công nghiệp nhỏ thị trấn Đô Lương (7,8 ha) thu hút 13 doanh nghiệp đầu tư sản xuất ổn định các mặt hàng chính như vật liệu xây dựng, nội thất đồ gỗ, điện tử, tạo việc làm cho gần 600 lao động nông thôn. Nhiều doanh nghiệp tạo được sức vươn mới trên thị trường như Công ty TNHH Trường An, Công ty TNHH Nguyên Nghĩa.
Thời gian tới, huyện Đô Lương tập trung thu hút đầu tư có hiệu quả tại cụm công nghiệp Lạc Sơn, kêu gọi đầu tư cụm công nghiệp Thượng Sơn, tiếp tục xin chủ trương cấp thẩm quyền bổ sung, quy hoạch cụm công nghiệp Hòa Sơn khi Nhà máy Xi măng Sông Lam 2 đi vào hoạt động, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án khu quy hoạch đô thị Cầu Dâu, kêu gọi nhà đầu tư để quy hoạch vùng đô thị Nam thị trấn, xây dựng TTTM tại phía Bắc đối diện cụm công nghiệp thị trấn, quy hoạch các thị trấn, thị tứ được UBND tỉnh phê duyệt. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 huyện hội đủ các yếu tố trở thành thị xã.
Thanh Thủy - Lương Mai
TIN LIÊN QUAN |
---|