Bà nội trợ đã có thể truy nguồn gốc thịt heo an toàn

11/08/2016 08:08

Việc biết được thực phẩm sạch hay không sẽ qua ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát chuỗi sản xuất từ lúc heo xuất chuồng, giết mổ...

Trước tình trạng thực phẩm không an toàn tràn lan ngày càng khó kiểm soát, TP HCM đang khởi động Đề án Nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo nhằm kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Đề án này sẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát chuỗi sản xuất từ lúc heo xuất chuồng, giết mổ đến lưu thông ra thị trường qua việc dán tem. Khi thịt heo dán tem, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh và Ipad để quét tem, truy xuất được nguồn gốc miếng thịt. Nếu đề án này thành công, 80% số thịt heo bán trên thị trường thành phố có thể truy xuất được nguồn gốc.

Thời gian gần đây, chị Nguyễn Thị Mỹ ở đường Trần Hưng Đạo, Quận 5 và nhiều bà nội trợ khác vô cùng lo lắng trước thông tin thịt heo sử dụng thuốc tăng trọng, chất cấm tràn lan nhưng khó kiểm soát...

ba noi tro da co the truy nguon goc thit heo an toan hinh 0
Ảnh minh họa

Chính vì vậy, khi được biết từ tháng 11 tới tại chợ Hòa Bình, gần nhà chị, một trong 5 chợ truyền thống của thành phố sẽ bán thịt heo dán tem truy xuất được nguồn gốc, chị Mỹ phấn khởi nói: “Nếu thịt heo được dán tem thì người tiêu dùng yên tâm hơn, người ăn thịt không còn lo sợ nữa vì thịt heo truy suất được nguồn gốc”.

Không chỉ người tiêu dùng phấn khởi, mà một số tiểu thương ở chợ cũng ủng hộ chương trình này. Bởi lẽ, chi phí cho việc dán tem vào miếng thịt cũng không tăng đáng kể - chỉ tăng khoảng 200 đồng/kg. Người tiêu dùng lại yên tâm khi lựa chọn mua thịt heo dán tem nhiều hơn. Do vậy, một số tiểu thương cũng hy vọng việc buôn bán của họ sẽ thuận lợi hơn.

Tại chợ Hòa Bình, Quận 5, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 5 tấn thịt heo và có hơn 50 tiểu thương kinh doanh mặt hàng này. Ban quản lý chợ cũng đang tuyên truyền và vận động tiểu thương tham gia chương trình.

Bà Nguyễn Thị Lành, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Hòa Bình, Quận 5 nói: “Nếu dán tem hàng bán chạy thì sẽ thuận lợi cho chúng tôi hơn. Bởi vì người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc miếng thịt sẽ thích mua thịt dán tem hơn”.

Mỗi ngày, TP HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo thịt. Đề án Nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được triển khai tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, 5 chợ loại 1 của thành phố, như: Bến Thành, An Đông, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình và hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi Co.opmart, Co.opfood, Satramart, Satrafood, Vissan, Sagrifood. Đây là các mô hình chợ thí điểm an toàn vệ sinh thực phẩm của TP HCM giai đoạn 2016 – 2020. Đề án này do Sở Công thương thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện. Đây là một chuỗi liên kết, liên qua rất nhiều khâu, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị tham gia, đó là từ trang trại sản xuất, cơ quan thú y, lò giết mổ, chợ đầu mối đến ban quản lý các chợ, siêu thị và tiểu thương...

Mỗi công đoạn sẽ cập nhật thông tin vào máy tính chủ để chương trình kiểm soát xuyên suốt toàn bộ chuỗi từ heo xuất chuồng, kiểm dịch thú y, ra lò giết mổ, về các chợ ... Tất cả các khâu này phải thực hiện tích cực và đồng bộ thì chương trình mới có tác dụng.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết: “Ở trên vòng nhận diện sẽ được thể hiện 20-30 con tem tương ứng 20-30 miếng thịt sẽ xẻ và có sự kết nối thông tin. Khi tiểu thương tham gia chương trình này sẽ được mã hóa bằng tem sạp, nếu họ quản lý tem này không tốt thì sẽ mất uy tín sạp thịt của họ”.

Trong chuỗi liên kết để kiểm soát và truy xuất nguồn gốc thì khâu cuối cùng rất quan trọng. Khi con heo được đeo 2 vòng nhận diện xẻ 2 mảnh, sẽ được phân phối cho về cho các chợ bán lẻ. Từ đây, các tiểu thương sẽ tiếp tục xẻ nhỏ miếng thịt để bán cho người tiêu dùng, số tem sẽ tương ứng với số miếng thịt này. Một số người tiêu dùng băn khoăn: nếu không kiểm soát tốt sẽ có tình trạng thịt heo không rõ nguồn gốc trà trộn vào để dán tem heo sạch bán ra ngoài, vì không phải chợ nào cũng có 100% số tiểu thương tham gia chương trình này.

Ông Bùi Mạnh Chung, Trưởng Ban quản lý Chợ Hòa Bình nói: “Trước khi thịt vào chợ thì chúng tôi có tổ thú y kiểm soát. Các hộ không tham gia chương trình thì chúng tôi có ký hiệu riêng để theo dõi kiểm tra. Hộ tiểu thương nào tham gia chương trình dán tem thì có logo để truy suất nguồn gốc. Hộ nào không tham gia chương trình thì chúng tôi dứt khoát không bán tem và chúng tôi tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để thịt không có nguồn gốc trà trộn vào”.

Việc dán tem cho từng miếng thịt heo để truy xuất nguồn gốc là việc làm khá mới mẻ và bước đầu chỉ có TP HCM triển khai nên chắc chắn sẽ còn không ít khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, đây là bước khởi động tích cực để thành phố từng bước xây dựng được những chợ an toàn vệ sinh thực phẩm./.



Theo VOV

TIN LIÊN QUAN