Quan hệ Trung - Nhật lại dậy sóng
(Baonghean) - Những ngày qua, quan hệ Trung - Nhật lại trở nên căng thẳng với hàng loạt động thái mới. Phía Nhật Bản đã đưa ra những lời cáo buộc thậm chí triệu đại sứ Trung Quốc đến để làm rõ các vụ việc như Trung Quốc điều tàu cá đến gần quần đảo tranh chấp hay lắp đặt radar tuần tra trên 1 giàn khai thác khí tự nhiên trên biển Hoa Đông.
Giới phân tích cho rằng, có nhiều lý do để Trung Quốc tăng tốc “động thủ” trên biển Hoa Đông thời gian này.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc bị nhìn thấy ở trong vùng biển gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản hôm 6/8. Ảnh: Japan Times. |
Vừa lùa thuyền vừa lắp radar
Liên tiếp những hành động gần đây của Trung Quốc trên biển Hoa Đông đã khiến Nhật Bản phải tỏ thái độ mạnh mẽ. Trước hết phải kể đến việc Trung Quốc gia tăng một cách bất thường số lượng tàu cá và tàu hải cảnh vào khu vực gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Từ hôm 5/8, Nhật Bản đã chỉ trích việc 8 tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản gần Senkaku/Điếu Ngư. Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngay lập tức đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa đến để bày tỏ phản đối mạnh mẽ.
Thế nhưng bất chấp thái độ của Nhật Bản, ngày hôm sau - 6/8, Trung Quốc đã cho tới 230 tàu cá cùng 7 tàu hải cảnh xuất hiện tại khu vực tiếp giáp xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Đáng chú ý theo Nhật Bản, trong số tàu hải cảnh này có một số tàu được trang bị súng. Chưa dừng lại, ngày 7/8, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) lại phát hiện 2 tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku. 7 tàu khác của Trung Quốc cũng bị phát hiện cùng thời điểm ở vùng tiếp giáp với khu vực này. Phản ứng trước sự việc, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu quan chức Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản để bày tỏ phản đối. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama cũng trao công hàm phản đối cho Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa, trong đó nhấn mạnh hoạt động hàng hải này đã vi phạm chủ quyền của Nhật Bản và “không thể chấp nhận được”.
Không chỉ liên tục lùa số lượng tàu cá và tàu hải cảnh nhiều bất thường vào biển Hoa Đông, Trung Quốc vừa qua còn khiến Nhật Bản giận dữ khi lắp đặt radar trên 1 giàn khai thác khí tự nhiên ở biển Hoa Đông, gần khu vực đang xảy ra tranh chấp giữa 2 bên. Theo phía Nhật Bản, thiết bị radar này hay được sử dụng trên các tàu tuần tra và không cần thiết cho hoạt động thăm dò khai thác khí tự nhiên. Bởi vậy, Nhật Bản lo ngại Trung Quốc đang có ý định sử dụng nhà giàn này như 1 trạm do thám quân sự.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Ảnh: Reuters. |
Tính toán nhiều bề
Thực tế những hành động gần đây của Trung Quốc trên biển Hoa Đông đã được giới quan sát dự báo từ trước. Trước hết, các nhà phân tích bình luận, diễn ra chưa đầy 1 tháng sau khi Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục 7 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển ra phán quyết có lợi cho Phillipines, các động thái khiêu khích của Trung Quốc mấy ngày qua trên biển Hoa Đông thực tế là đòn “giương Đông kích Tây”. Một mặt, Trung Quốc đang muốn dư luận thấy rằng, nước này chẳng màng đến phán quyết của Tòa trọng tài về các vấn đề trên Biển Đông. Mặt khác, khi chuyển hướng sang biển Hoa Đông, Trung Quốc còn “chọc giận” và “đáp lễ” được Nhật Bản về một loạt vấn đề khác.
Dư luận chắc hẳn đã thấy Trung Quốc “không vui lòng” khi các hành động ngang ngược, phi pháp của nước này trên Biển Đông lần lượt được chỉ rõ trong Sách trắng Quốc phòng mà Nhật Bản công bố hồi tuần trước. Đến cả việc chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe cải tổ nội các và dành vị trí Bộ trưởng Quốc phòng cho 1 “nữ tướng” có lập trường rất cứng rắn về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và lịch sử. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn đang đứng ngồi không yên với Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được Mỹ và Hàn Quốc ký kết thực hiện. Các dữ liệu thu được từ hệ thống này còn được Hàn Quốc lần đầu tiên nhất trí chia sẻ với Nhật Bản. Dù mục tiêu được công bố là đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, thế nhưng, Trung Quốc lo lắng ở chỗ, mọi hoạt động của quân đội nước này dọc bờ biển tương lai sẽ nằm hoàn toàn trong tầm trinh sát của radar hệ thống THAAD.
Đây là những “cái cớ” lý giải cho việc Trung Quốc bất ngờ có nhiều hành động khiêu khích Nhật Bản trên biển Hoa Đông mấy ngày qua. Thế nhưng, liệu căng thẳng sẽ còn gia tăng hơn nữa tại biển Hoa Đông và Trung Quốc sẽ tiếp tục gây hấn tại Biển Đông trong tháng 8 này? Câu trả lời lúc này rất khó dự đoán. Bởi có thể thấy, ngay tháng 9 tới, Trung Quốc sẽ lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu. Không có lý do gì Trung Quốc lại tự “bôi bẩn” hình ảnh của mình ngay trước 1 sự kiện quan trọng như thế. Theo giới quan sát, thời điểm sau tháng 9 cho đến tháng 11, khi cuộc bầu cử Tổng thống quan trọng tại Mỹ diễn ra mới là thời điểm hoàn hảo để Trung Quốc tiếp tục “động thủ” ở cả Biển Đông và Hoa Đông. Bởi lúc đó, Trung Quốc đã tổ chức xong G20, đồng thời cũng là lúc có thể đặt ra phép thử cho chính sách xoay trục sang châu Á của vị chủ nhân Nhà Trắng trong tương lai.
Với những dự đoán như vậy, giới quan sát cho rằng, không chỉ Nhật Bản mà các quốc gia trong khu vực cũng cần theo dõi thận trọng các bước đi của Trung Quốc thời gian tới để có những biện pháp đối phó phù hợp.
Phương Hoa
TIN LIÊN QUAN |
---|