Tham nhũng ngày trước mấy trăm tỷ, giờ toàn chục nghìn tỷ!

13/08/2016 20:40

“Ngày xưa chỉ có mấy trăm tỷ như Lã Thị Kim Oanh, bây giờ toàn nghìn tỷ, chục nghìn tỷ. Trong khi đó, công cụ pháp lý chống tham nhũng không đầy đủ. Phải nói chính xác là không thiếu nhưng chúng ta chưa có quyết tâm chính trị của những người có thẩm quyền nên không phòng, không chống được tham nhũng” - Trung tướng Trần Văn Độ thẳng thắn.

Tại buổi họp thẩm định về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) do Bộ Tư pháp tổ chức chiều qua 12/8, Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương (Bộ Quốc phòng) - nhận định, công chức thường tìm cách này hay cách khác để tham nhũng vì lương không đủ sống.

“Ngày xưa chỉ có mấy trăm tỷ như Lã Thị Kim Oanh, bây giờ toàn nghìn tỷ, chục nghìn tỷ. Trong khi đó, công cụ pháp lý chống tham nhũng không đầy đủ. Phải nói chính xác là không thiếu nhưng chúng ta chưa có quyết tâm chính trị của những người có thẩm quyền nên không phòng, không chống được tham nhũng”- Tướng Độ thẳng thắn.

Dẫn chứng việc cán bộ công chức ở Singapore không cần, không muốn và không dám tham nhũng vì chế độ chính sách đầy đủ, đạo đức không cho phép, ông Độ nhấn mạnh tình trạng này ở Việt Nam đang ngược lại. Dự thảo luật cần bổ sung quy định khi có dấu hiệu tham nhũng thì phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra quản lý bởi xử lý như hiện nay chỉ làm trì hoãn tội phạm.

Theo dự thảo Luật phòng chống tham nhũng(sửa đổi), Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội quyết định thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được xã hội quan tâm theo quy định tại Điều 88, Điều 89 Luật tố chức Quốc hội và đề xuất của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

“Cứ doạ trừng trị nhưng cuối cùng không diệt được ai. Luật này nên nâng cao “phòng” chứ không phải là “chống” vì các luật khác đã đủ cơ sở để “chống” rồi. Đưa ra quy định cho phép Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra các việc tham nhũng nghiêm trọng tôi cho là cũng chưa đủ mạnh. Từ nhiều năm trước tôi đã đề xuất rồi, chúng ta phải thành lập Ủy ban Điều tra Tham nhũng, độc lập, đủ thẩm quyền để xử lý nghiêm minh tham nhũng”- ông Độ nói.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - bộc trực: “Đọc qua dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng lần này tôi vẫn cảm thấy nghi ngờ tính khả thi của nó. Sau khi luật sửa có gì chuyển biến về đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không thì tôi không hy vọng có chuyển biến gì mạnh mẽ”.

Ông Đường phân tích, các nội dung trong dự thảo luật dàn trải, đối tượng rất rộng, việc làm nhiều quá. “Nhiều việc làm như thế này thì tốn nhiều thời giờ, tốn sức, tốn tiền. Từ kê khai, kiểm tra, niêm yết, rồi hàng năm phải báo cáo Quốc hội nghe về tình hình phòng chống tham nhũng,... Nhiều công việc quá. Cứ theo luật này thì hết thời giờ làm việc của cơ quan nhà nước mất”- ông nói.

Nhấn mạnh câu chuyện đấu tranh với tội phạm tham nhũng phải có tính quyết liệt, nghiêm khắc, ông Trần Ngọc Đường đề nghị dự thảo luật phải tập trung vào một số đối tượng dễ tham nhũng nhất và trong mắt của người dân là hay tham nhũng.

“Trong đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, phát hiện là khâu yếu nhất. Dân thấy tham nhũng rất rõ nhưng làm thế nào để khơi dậy và hình thành được cơ chế phát hiện tham nhũng? Tôi thấy cơ chế được nêu trong dự thảo luật vẫn bình thường như luật cũ thôi. Tính khả thi tôi nghi ngờ”- ông Đường thẳng thắn.

Tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 là phải kiểm soát quyền lực của nhà nước nhưng cơ chế kiểm soát chống tham nhũng trong dự thảo luật do Thanh tra Chính phủ chủ trì xây dựng rất mờ nhạt.

“Nên hình thành cơ chế kiểm soát với những đối tượng chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Tôi thấy tình hình với nguyên tắc lãnh đạo tập thể như hiện nay, quy trình tập thể như hiện nay thì người ta lợi dụng tập thể và lợi dụng quy trình để tham nhũng. Thành ra vụ ông Trịnh Xuân Thanh cũng là đúng quy trình, tổng thể đấy nhưng mấy ông bên Bộ Công thương nói là ông Bộ trưởng quyết hết. Tôi hiểu ra ở các Bộ cũng thế, địa phương cũng thế, người đứng đầu họ quyết hết. Họ lợi dụng quy trình tập thể để thực hiện ý muốn cá nhân. Còn cấp dưới không dám nói đâu. Tôi chưa thấy có cơ chế gì để kiểm soát người đứng đầu bộ máy nhà nước. Cứ như thế này thì vẫn còn tiếp tục thôi”- ông Đường nêu thực tế.

Tiếp thu những ý kiến góp ý, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - cho rằng nội dung “phòng” và “chống” tham nhũng được lồng ghép với nhau trong dự thảo luật này nhưng quan điểm của Thanh tra Chính phủ chủ yếu là muốn phòng ngừa là chính. “Chúng tôi căn cứ vào luật cũ để xây luật mới. Hiện nay dự thảo luật vẫn đang được Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến góp ý rộng rãi”- ông Thanh cho biết.

Dự thảo luật đề xuất, hàng năm, cơ quan nhà nước có trách nhiệm xây dựng báo cáo, công khai báo cáo về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng. Việc báo cáo, công khai báo cáo được thực hiện như sau: Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý nhà nước của mình;Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán nhà nước; VKSND Tối cao báo cáo Quốc hội tình hình tham nhũng và công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng trong phạm vi cả nước; UBND các cấp báo cáo HĐND cùng cấp về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương.

Quốc hội thông qua Báo cáo thường niên về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước, tổ chức công bố công khai vào ngày 9/12 hàng năm.

Theo Dân trí

TIN LIÊN QUAN