Hy vọng lắm, thất vọng nhiều!

12/09/2016 10:41

(Baonghean) - Sau nhiều tháng ngoại giao con thoi không ngừng nghỉ cùng cuộc đàm phán kéo dài gần 13 tiếng cuối tuần qua tại Geneva (Thụy Sỹ), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã nhất trí về một kế hoạch ngừng bắn tại Syria và thiết lập cơ sở cho tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.

Được đánh giá là “bước ngoặt”, “cơ hội lịch sử”, nhưng liệu đây đã phải là trang cuối cho cuộc khủng hoảng Syria?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) đã đạt thỏa thuận lịch sử về lệnh ngừng bắn tại Syria vào cuối tuần qua. Ảnh: CNN.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) đã đạt thỏa thuận lịch sử về lệnh ngừng bắn tại Syria vào cuối tuần qua. Ảnh: CNN.

Trong - ngoài đồng thuận

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cuối tuần qua gọi thỏa thuận mới đạt được với Nga là bước ngoặt của cuộc chiến đã khiến 500.000 người thiệt mạng tại Syria. Đáp lời, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng tuyên bố rằng, thỏa thuận lần này sẽ giúp mở rộng cuộc chiến chống khủng bố và chuyển hàng cứu trợ tới cho dân thường Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Theo giới quan sát, thỏa thuận ngừng bắn mới tại Syria có thể nói là cơ hội lớn nhất từ trước tới nay cho phép các bên xung đột tại Syria có thể ngồi vào bàn đàm phán, tiến tới giải quyết xung đột và tìm kiếm hòa bình bằng con đường ngoại giao. Không chỉ vậy, thỏa thuận này cũng gồm cả việc viện trợ nhân đạo và hợp tác quân sự chung chống lại các nhóm khủng bố đang hoành hành tại đây.

Theo đó, Nga sẽ gây sức ép với chính phủ Syria để dừng mọi cuộc tấn công chống lực lượng đối lập có vũ trang của Syria ở một số vùng. Trong khi đó, Mỹ sẽ phải thuyết phục các phiến quân ôn hòa cắt đứt quan hệ với Mặt trận Nusra, chi nhánh của Al Qaeda và các nhóm khủng bố khác.

Lệnh ngừng bắn theo thỏa thuận sẽ bắt đầu vào 0h ngày 12/9 và kéo dài 1 tuần, trùng với ngày lễ Hiến sinh “Eid al-Adha” của người Hồi giáo. Đây là kết quả của nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ giữa các bên đặc biệt là Nga và Mỹ, gần nhất là 4 cuộc họp giữa ngoại trưởng hai nước từ hôm 26/8 và cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama ở Trung Quốc vừa qua.

Đáng mừng hơn, hôm 10/9, hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria đưa tin, chính quyền nước này đã chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ làm trung gian. Cùng với đó, hàng loạt quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Anh hay Pháp đều đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận lần này.

Cuộc khủng hoảng Syria kéo dài 5 năm, khiến 500.000 thiệt mạng vẫn đang chờ một cái kết cuối cùng. Ảnh: CNN.
Cuộc khủng hoảng Syria kéo dài 5 năm, khiến 500.000 thiệt mạng vẫn đang chờ một cái kết cuối cùng. Ảnh: CNN.

Nỗ lực hay toan tính?

Không phủ nhận, Mỹ và Nga đều có lý do để tiến tới được thỏa thuận ngừng bắn tại Syria lần này. Với Nga, nước này hẳn cũng đang phải theo dõi động thái của các nước, đặc biệt sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ bắt tay trở lại với Mỹ để chống lại IS tại Syria. Rõ ràng không ít thì nhiều, Thổ Nhĩ Kỳ đang có những tính toán riêng mà Nga không được biết.

Bởi vậy mới có ý kiến cho rằng, Nga và chính phủ Syria lần này đã lùi một bước khi đồng ý để chính phủ Syria ngừng các chuyến không kích các mục tiêu đối lập và nhường công việc này cho không quân Nga - Mỹ. Thái độ này hoàn toàn khác với trước đây, khi Nga và chính phủ Syria đều phản đối mạnh mẽ “tối hậu thư” của Mỹ yêu cầu không quân Syria không được bay trên lãnh thổ của người Kurd tại Syria.

Trong khi đó về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Obama có lẽ cũng muốn có được quãng thời gian yên ả hơn trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống quan trọng vào cuối năm. Thứ hai, việc ra một tuyên bố ngừng bắn tại Syria cũng có thể sẽ mang lại thêm một dấu ấn cho ông Obama vào thời điểm sắp kết thúc nhiệm kỳ.

Nhưng ở góc độ khác, nhiều ý kiến lại cho rằng, thỏa thuận vừa rồi sẽ giúp Mỹ và cả Thổ Nhĩ Kỳ danh chính ngôn thuận hơn trong các bước đi tại Syria. Bước đi này không chỉ làm gia tăng vai trò của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tại điểm nóng Syria; với Mỹ, đây còn là động thái kéo Thổ Nhĩ Kỳ sa lầy hơn vào Syria. Một khi Thổ Nhĩ Kỳ càng rối ren với cả khủng bố trong nước và cuộc nội chiến Syria thì vai trò của Mỹ càng được nâng lên. Tất nhiên khi đó, Ankara sẽ dần trở lại quỹ đạo mà Mỹ hằng ong muốn.

Aleppo - Thành phố chết. Ảnh: CNN.
Aleppo - Thành phố chết. Ảnh: CNN.

Vẫn lắm chuyện rối ren

Đạt được một thỏa thuận là đột phá, nhưng để thực thi nó lại là cả chặng đường dài. Thỏa thuận giữa Nga và Mỹ vừa đạt được cơ bản đã thống nhất việc cần phải sàng lọc các lực lượng đối lập và khủng bố. Thế nhưng, đây chính là vấn đề nan giải cũng là bất đồng lớn nhất chưa thể giải quyết giữa Nga và Mỹ trong suốt quá trình đàm phán. Liệu đâu sẽ là tiêu chí và căn cứ để phân loại các nhóm khủng bố với phe đối lập vốn đang như nấm sau mưa ở Syria. Nhất là trong số đó có cả những nhóm do Mỹ tài trợ. Bản thân những lực lượng này cũng đang bị biến tướng, thay tên đổi họ để né các đòn không kích của chính phủ Syria, khiến Washington khó có thể phân biệt rõ ràng.

Trong khi đó về phía Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh, không thể đảm bảo chắc chắn 100% việc thực thi thỏa thuận vừa đạt được, bởi có rất nhiều bên tham gia vào quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Tức là, thỏa thuận này có được tuân thủ hay không còn phụ thuộc vào thái độ không chỉ của chính quyền Syria, các phe phái đối lập có vũ trang và còn cả bên thứ ba là các tổ chức khủng bố đang chi phối tình hình Syria. Trong khi đó, Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) - lực lượng đối lập chính tại Syria mới đây cho biết vẫn chưa nhận được văn bản “chính thức” của thỏa thuận trên.

Trở lại với tình hình thực địa tại Syria, chỉ vài giờ sau khi Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận ngừng bắn hôm 10/9, Trung tâm truyền thông Aleppo cho biết, ít nhất 45 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích dữ dội cùng ngày trong và xung quanh thành phố Aleppo. Bạo lực ngay lập tức phủ bóng đen khiến nhiều người dân Syria không mấy lạc quan về triển vọng của lệnh ngừng bắn này.

Như vậy có thể nói, nỗ lực là có. Nhưng cũng cần nhắc lại rằng, hồi tháng 2 đầu năm, Nga và Mỹ cũng đạt được thỏa thuận ngừng bắn tương tự tại Syria, song thỏa thuận này đã đổ vỡ ngay sau đó. Trong khi đó, những toan tính riêng vẫn luôn hiện hữu trong từng giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. Bởi vậy, cái kết cho cuộc nội chiến đã kéo dài 5 năm tại quốc gia Trung Đông này có lẽ vẫn chưa thể mở ra!

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN