Quyền lực của cây chổi

18/09/2016 16:49

Để hiểu được khởi nghiệp tại Việt Nam có thể mang đến cho bạn những gì, bạn chỉ cần mở một quán cà phê nhỏ ở mặt đường.

Tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu tấn bi hài kịch có thể xảy ra quanh một cơ sở kinh doanh tối giản với một vài nhân viên, chỉ bằng việc lê la quanh những vỉa hè, ngã tư phố Bà Triệu gần cơ quan.

Ảnh minh hoạ: Zing.
Ảnh minh hoạ: Zing.

Một ngày, bạn sẽ thấy vỉa hè trước cửa quán của mình đã được lật tung lên để lắp đặt một cái gì đó. Tiến độ đào rất nhanh, nhưng tiến độ lấp chúng xuống thì… tuỳ tâm. Tôi đã chứng kiến những cuộc ngã giá như thế: một nhân vật đại diện cho nhóm công nhân đi “làm giá” từng hộ kinh doanh mặt đường. 2 triệu một nhà, nếu cửa hàng to thì gấp đôi, sẽ được lấp vỉa hè ngay. Tất nhiên là nhiều người tặc lưỡi, vì thiệt hại của một vài ngày kinh doanh đã vượt quá con số đó.

Nếu bạn muốn làm việc theo nguyên tắc, thì hẳn nhiều người vẫn nhớ từng có một doanh nghiệp tại TP HCM cương quyết đi đòi được biết tiến độ đào - lấp trước cửa nhà. Vụ việc sau đó kết thúc ở… toà án. Không nhiều người đủ kiên nhẫn đến vậy.

Đào đường chỉ làm phiền bạn một lần? Thế thì đã có nhân viên môi trường. Hàng ngày chị đều có thể đến trước quán bạn vào đúng giờ đông khách, vác chổi ra lùa lòng đường bụi bay mờ mịt. Chủ quán cười như méo mồm “Chị ơi” và chạy ra dấm dúi “hãm” chị lại bằng tờ bạc trong lòng bàn tay. Nếu có tháng nào chủ quán quên, chiếc chổi sẽ lại lên tiếng nhắc nhở.

Bất kỳ ai cũng có thể đến “xoay” doanh nghiệp theo cách nào đó. Hình ảnh của chiếc chổi khua bụi giờ đông khách, tôi không biết phổ biến đến mức độ nào, nhưng tôi đã gặp hơn một lần, và nó thật sự ám ảnh. Bởi vì một chiếc chổi cũng có thể trở thành công cụ đe doạ những người làm ăn - tống họ vào chỗ lụn bại nếu người ta muốn như thế - thì không công cụ nào không làm được.

Tôi cầm tấm thẻ nhà báo, bạn bè và người thân tưởng rằng có chút lý luận, liên tục được đẩy ra nhờ tiếp “các bên” trong những cuộc thăm hỏi kiểu… chiếc chổi.

Cảm giác chung là sự bế tắc. Đúng sai không còn quan trọng với những cuộc thăm viếng như thế. Bởi vì trong kinh doanh, thời gian là tiền bạc. Để chứng minh được rằng mình làm đúng thì chủ doanh nghiệp đã mất đi không biết bao nhiêu thời gian và công sức; đặc biệt là khi bị chủ động gây khó dễ.

Cái tinh thần của chị lao công và anh công nhân đào đường tôi đã thấy, xuất hiện ở nhiều cấp, nhiều ngành dọc. Với tinh thần ấy, thì chủ động thoả hiệp bằng cái phong bì vò nhàu trong lòng bàn tay là có lợi cho doanh nghiệp nhất.

Trong xếp hạng “Khởi nghiệp” (Start a Business) của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam chỉ đứng thứ 119 trên 189 quốc gia được đánh giá. Thú vị hơn, trong Chỉ số Khởi nghiệp toàn cầu 2015/2016 của Hiệp hội các nhà nghiên cứu kinh doanh toàn cầu (GEM), có một chỉ số mang tên “Nỗi sợ thất bại” (Fear of Failure) khi bắt đầu kinh doanh thì Việt Nam đứng thứ 8 trong số 60 nước được xếp hạng.

"Nỗi sợ thất bại" của người làm khởi nghiệp Việt Nam. Ảnh: Internet.

Tất nhiên đây có thể là một yếu tố văn hoá, có bởi thói quen an toàn của người Việt. Nhưng cũng có thể là vì những lý do khách quan. Khi người ta buộc phải sợ một cái chổi quét đường thì họ có thể sợ bất kỳ điều gì. Vấn đề lớn nhất của những câu chuyện kiểu “cái chổi” hay “đào đường” là rất khó tạo ra thiết chế để ngăn chặn chúng, khi người ta chủ động dùng quyền lực trong tay để gây khó dễ. Trong khi đó thì quá trình làm việc với nhau “đúng nguyên tắc” lại vấp phải một hệ thống hành chính mà nghĩ đến thôi chủ doanh nghiệp đã muốn đưa tiền sai nguyên tắc.

Bản thân hệ thống hành chính cũng là một chiếc chổi sẵn sàng quét bay doanh nghiệp bất cứ lúc nào nếu người cầm nó muốn. Chẳng lẽ giải pháp duy nhất, lại chỉ là kêu gọi mọi người sống có tâm với nhau hơn?

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN