VĐV Việt Nam khổ vì lệch múi giờ ở Brazil
Làng VĐV Paralympic được xây dựng ở vùng ngoại ô Barra da Tijuca, tách biệt hẳn với sự nhộn nhịp của Rio de Janeiro.
Vì lý do an ninh và để tạo điều kiện nghỉ ngơi tốt nhất cho VĐV, làng có những quy định rất nghiêm ngặt, việc ra vào không phải dễ dù chúng tôi có thẻ tác nghiệp. Phòng tập chỉ có VĐV, HLV mới được vào. Ngay lãnh đạo các đoàn hay tình nguyện viên (không có nhiệm vụ trong phòng tập) cũng được mời... đứng ngoài cửa.
Đoàn VN được bố trí ở lầu 2 của một tòa nhà trong làng, nằm đối diện với trung tâm vật lý trị liệu và phòng tập thể dục. Ông Phạm Ngọc Sơn - phó chủ tịch Hiệp hội Paralympic VN - cho biết: “Vị trí này rất thuận lợi vì hầu như VĐV khuyết tật nào cũng cần được chăm sóc sức khỏe. Nếu xa quá, các VĐV, vốn đi lại khó khăn, sẽ ngại không đi, làm ảnh hưởng đến thi đấu”.
Mỗi phòng có bốn VĐV và gồm hai buồng lớn và mỗi buồng có hai giường đơn. Lực sĩ Lê Văn Công cho biết: “Điều kiện sinh hoạt ở làng rất tốt, giường nằm thoải mái, có máy điều hòa, WiFi... và nước uống, trái cây miễn phí ở sảnh”.
Đội tuyển bơi lội VN tại hồ tập luyện ở Rio de Janeiro. Ảnh: HẢI LINH |
Khó khăn lớn nhất đối với các VĐV người khuyết tật VN là việc thích nghi với múi giờ (giờ Brazil đi sau VN 10 tiếng) dù họ đã có 5 ngày làm quen. Đội bơi lội bị ảnh hưởng nhiều nhất khi các VĐV Võ Thanh Tùng, Nguyễn Thành Trung và Đỗ Thanh Hải vẫn chưa quen múi giờ mới. Việc phải bơi vào cái giờ đáng lẽ phải ngủ và phải ngủ vào cái giờ đáng lẽ phải bơi (theo thói quen tại VN) đã khiến họ không thể hoàn thành các bài tập của mình.
Kình ngư Nguyễn Thành Trung chia sẻ: “Chúng tôi xuống nước như người say và gần như không thể hoàn thành các bài tập của HLV. Ban đêm, chúng tôi chỉ ngủ đến 1g - 2g rồi thao thức đợi sáng. Nhưng đã thi đấu nhiều giải quốc tế nên tôi tin vài ngày nữa sẽ ổn”.
Từ góc độ HLV, ông Đổng Quốc Cường cho biết: “Việc chênh lệch múi giờ và thức ăn không hợp khẩu vị là những yếu tố ảnh hưởng đến việc tập luyện và thi đấu. Nhưng khó mình thì cũng khó người nên đó không phải là lý do để phàn nàn. Đội bơi vẫn tự tin phấn đấu có ít nhất 3 huy chương”.
Niềm hi vọng huy chương Lê Văn Công cho biết: “Tôi vẫn chưa có được phong độ tốt nhất nhưng sẽ cố. Ngoài lúc tập luyện, cả đội cử tạ gần như không ra khỏi phòng chỉ để... ngủ bù đêm thức”. Vốn dễ ăn, các lực sĩ VN không gặp nhiều khó khăn trong ăn uống dù thức ăn Brazil không hợp khẩu vị người Việt. Công cho biết anh và đồng đội cũng đã “thủ sẵn” chà bông, mì gói, nước mắm... đủ sử dụng trong 20 ngày.
Võ Thanh Tùng cầm cờ VN trong lễ khai mạc 3g30 ngày 8-9 (giờ VN), lễ khai mạc Paralympic 2016 sẽ diễn ra tại sân vận động Maracana và dự kiến kéo dài khoảng 3 giờ với sự tham gia của 500 nghệ sĩ và 2.000 tình nguyện viên. Cũng giống như lễ khai mạc Olympic Rio 2016, những nhà tổ chức đã không cho biết nhiều thông tin về lễ khai mạc Paralympic 2016. Tuy nhiên, ban tổ chức cho biết thông điệp của lễ khai mạc là “Không có giới hạn cho trái tim”. Theo đó, mục tiêu mà họ hướng tới là khơi nguồn để mọi người có cái nhìn mới về thế giới của những người khuyết tật. Nếu không có thay đổi vào giờ chót, kình ngư Võ Thanh Tùng sẽ vinh dự được cầm cờ đoàn thể thao người khuyết tật VN diễu hành trong lễ khai mạc. Đây là lần thứ hai Thanh Tùng tham dự một kỳ Paralympic. |
Theo TTO
TIN LIÊN QUAN |
---|