Tuyển Anh thất bại ở Euro 2016: Mặt trái của nền truyền thông lá cải

29/06/2016 06:41

Thói quen tâng bốc của truyền thông nước nhà góp một phần quan trọng khiến tuyển Anh không bao giờ thành công ở các giải lớn, mà di chứng mới nhất là Euro 2016.

Sẽ là thừa nếu nhắc lại truyền thông Anh nhiều chuyện đến nhường nào. Ở một xứ sở mà cách đây vài chục năm đã phát minh ra những khái niệm huyền thoại như tabloid truth (báo lá cải, theo định nghĩa quen thuộc ở Việt Nam), với cách thức tác nghiệp không khác gì mạng xã hội ngày nay, lợi nhuận và kết quả kinh doanh luôn được đặt làm tôn chỉ. Tất nhiên, vẫn có các tờ uy tín như Guardianhay Times, nhưng đó là số ít giữa một rừng những Daily Mail, The Sun, Daily Mirror...

Đẳng cấp đưa tin của báo chí Anh cao cường đến nỗi, cựu HLV tuyển Anh Sven-Goran Eriksson từng mắc lỡm hai vị “đại gia Ả-rập” do các phóng viên cải trang. Để rồi, những chuyện đời tư như cặp bồ với ai, đi nhà nghỉ nào lần lượt phơi bày lên mặt báo. Sau vụ đó, chiến lược gia người Thuỵ Điển từng vô địch Series A với Lazio đành ngậm ngùi cuốn gói ra đi.

anh-bi-loai-o-euro-2016-mat-trai-tu-su-thoi-phong-cua-truyen-thong

Sven Eriksson từng là nạn nhân bị hai phóng viên giả dạng làm hoàng thân Ả-rập lừa, moi móc toàn bộ thông tin.

HLV đã vậy, các cầu thủ Anh còn khổ sở hơn nhiều khi phải hành nghề trong môi trường săm soi đầy rẫy như thế. David de Gea của Man Utd từng cám cảnh: "Mỗi lần ra sân đấu, tôi luôn phải ý thức rõ mình đang ở tâm của 85 camera truyền hình trực tiếp khắp mọi nơi. Một cử động nhỏ hết sức vô tình cũng đủ biến tôi thành mồi ngon trên số báo ngày mai". Mới đây, HLV Joachim Low của Đức cũng trở thành nạn nhân của kiểu báo chí giải trí ấy.

Ở vào hoàn cảnh đó, các cầu thủ bóng đá tại Anh dễ phát sinh ảo tưởng lớn vào bản thân. Bạn chỉ cần đá hay một trận, bạn sẽ được bốc lên mây. Nhưng đá dở một trận thì bị dìm xuống bùn đen. Một tấm thẻ đỏ là quá bình thường trong thế giới bóng đá. Nhưng David Beckham, biểu tượng văn hoá đương đại hồi năm 1998, từng trở thành tội đồ của cả nước Anh vì chiếc thẻ này ở World Cup. Phải có bản lĩnh phi thường, anh mới vượt qua được sóng gió đó để tiếp tục vươn lên có một sự nghiệp thành công.

Tuy nhiên, người như Beckham thì rất hiếm, còn như Federico Macheda, Adnan Januzaj, Diego Forlan, Tom Ince, Wilfried Zaha... thì nhiều không kể xiết. Họ đều là nạn nhân của nền truyền thông giải trí đặc sản ở xứ sương mù.

Hệ luỵ với tuyển Anh

Mỗi dịp các giải đấu lớn diễn ra, bất kể trước, trong hay sau giải đấu cả tháng, hoặc thậm chí cả năm trời, tuyển Anh đều có nguy cơ thành “miếng mồi” của giới săn tin. Và thế là thay vì tập trung hoàn toàn cho chuyên môn, các cầu thủ Anh liên tục bị phân tâm. Mà lý do thì đủ cả, từ chuyện họ bao trọn khách sạn nào, ở đâu, giá bao tiền, nhân vật nổi tiếng nào từng ở đó, chỗ đó từng là bối cảnh cho bức tranh thuộc trường phái hội hoạ ấn tượng nào...

Nhưng chỉ ngần ấy là còn nhẹ. Truyền thông sẽ tìm hiểu cho bằng được để đưa tin về danh sách người đẹp nào theo chồng và người yêu dự giải. Họ có được vào khu tập luyện không? Vào bao lâu? Đêm trước khi thi đấu có được ở lại hay bị đuổi về? Họ ăn mặc ra sao, kín hay hở?...

anh-bi-loai-o-euro-2016-mat-trai-tu-su-thoi-phong-cua-truyen-thong-1

Chuyện vợ và bạn gái những Rooney, Vardy, Hart ăn mặc gì, đi chơi, mua sắm ở đâu là một chủ đề quan trọng làm các tuyển thủ Anh phân tâm khi vào giải đấu lớn đòi hỏi ở họ sự tập trung cao độ.

Thế là, thay vì đá với sơ đồ nào, ai lên công, ai về thủ, vận hành chiến thuật ra sao, các cầu thủ Anh bị cho là suốt ngày quay cuồng với những câu chuyện vô bổ không đầu không cuối. Trong cuốn sáchBóng đá – Quỉ tha ma bắt – Cuộc đời Alex Ferguson, cây bút Patrick Barclay kể lại rằng, cựu HLV Man Utd từng quan hệ tốt với truyền thông thời mới đến nước Anh năm 1986. Nhưng càng ngày, cùng với sự xuống cấp chất lượng của thông tin, Ferguson càng ác cảm với cánh nhà báo. Ông từng đuổi thẳng một phóng viên mặc quần bò rách vào phòng họp báo.

Đoạn trích dưới đây cho thấy thái độ của Ferguson với truyền thông Anh gay gắt nhường nào: "Ferguson không ngần ngại tuyên chiến với cánh báo chí, sau khoảng 22 năm duy trì sự lịch thiệp ở Aberdeen - như cho các phóng viên đi nhờ xe cá nhân từ sân vận động về trung tâm thành phố. Tháng 5/2002, một ngày trước khi Arsenal hành quân tới Old Trafford để “mượn tạm” Cup vô địch, một phóng viên tờ The Sun đã đặt câu hỏi về mùa giải đầu tiên của Juan Sebastian Veron tại Man Utd, khi Ferguson còn chưa ấm chỗ trong phòng họp báo họp báo. Anh này cho rằng màn trình diễn của Veron là không đáng đồng tiền bát gạo.

Ferguson lập tức ném câu trả lời lại cho tay phóng viên. Ông nổi điên, gào lên và kết thúc buổi họp báo khi nó còn chưa bắt đầu: "Cút xéo ngay. Tao không thèm nói chuyện với mày nữa. Veron là một cầu thủ giỏi. Chúng mày toàn một lũ ngu như bò!".

Không phải tự nhiên mà Ferguson ghét báo chí. Ông là một cầu thủ trưởng thành ở Scotland trong giai đoạn một người tỏ ra thân thiết với bạn có khi lại là một nhà báo. Suốt những năm qua, trong khi vẫn duy trì tình bạn với cánh nhà báo già, đặc biệt là huyền thoại Hugh McIllvanney của tờ The Observer rồi sau này viết cho Sunday Times, những sự thay đổi của báo chí ngày càng khiến ông khinh thường.

Những phản ứng đó không hẳn thái quá, xu hướng bịa đặt và thổi phồng đã làm biến thái một số tờ báo truyền thống. Bằng chứng là những vụ nghe lén, mà một vài trong số đó liên quan đến Sven-Goran Eriksson và ông Chủ tịch kém may mắn của Liên đoàn bóng đá Anh Lord Triesman. Vì vụ này, Triesman phải từ chức hồi tháng 5/2010 sau khi bị nghe trộm đưa ra ý kiến thiếu khôn ngoan trong cuộc đăng cai World Cup 2018. Có lần Ferguson bảo tôi: 'Những kẻ đó không xứng được gọi là nhà báo. Thứ nhà báo gì mà đi làm những chuyện như vậy?".

tuyen-anh-that-bai-o-euro-2016-mat-trai-cua-nen-truyen-thong-la-cai-2

Thất bại tại Euro 2016 thật ra chỉ là sự lặp lại của một thói quen cũ - tuyển Anh luôn chơi kém ở các giải đấu lớn, nơi họ nhận được sự chú ý, kỳ vọng lớn nhưng phải cúi đầu ra về. Ảnh: Reuters.

Không phải ngẫu nhiên mà Ferguson từng cấm cầu thủ đọc báo, sử dụng điện thoại di động (cũng là để xem tin) trước mỗi trận quan trọng ở Man Utd trước đây. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà chức vô địch World Cup duy nhất của người Anh đến từ năm 1966, khi truyền thông ở xứ sở này vẫn giữ được tính chính thống, tử tế.

Truyền thông, suy cho cùng, chỉ làm công việc của họ, và điều đó là một phần của guồng máy khổng lồ mà ngành công nghiệp bóng đá quốc gia nào cũng cần. Nhưng giữa việc chạy đua "vũ trang" để có tin hay với việc cân nhắc xem tin tức đó có hại có lợi ra sao với nhân vật, thì yếu tố thứ nhất đang được đề cao hơn ở Anh. Và đó là nguyên nhân quan trọng khiến tuyển Anh chưa thể tiến qua được bán kết một kỳ World Cup hay Euro kể từ 20 năm qua.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN