Máy bay 'made in China' lần đầu cất cánh
Chengdu Airlines vừa sử dụng chiếc ARJ21 cho chuyến bay từ Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) đến Thượng Hải, với 70 hành khách.
Đây là chuyến bay thương mại đầu tiên của phi cơ do Trung Quốc sản xuất, sau nhiều năm bị trì hoãn. ARJ21 nghĩa là Advanced Regional Jet for the 21st Century - Phản lực Tân tiến trong khu vực cho thế kỷ 21. Nó sẽ bay tuyến Thành Đô - Thượng Hải 3 lần một tuần, người phát ngôn của Chengdu Airlines cho biết.
Chuyến bay này là đỉnh cao của chương trình kéo dài 14 năm qua, nhằm sản xuất máy bay thương mại đầu tiên của Trung Quốc, cạnh tranh với các đối thủ ngoại như Boeing hay Airbus.
Máy bay ARJ21 của Trung Quốc trong chuyến bay hôm qua. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, ARJ21 vẫn thiếu chứng nhận rất quan trọng của Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA), để cho phép bay vào không phận Mỹ. Bên cạnh đó, phần lớn các hãng sản xuất cũng chưa coi máy bay này của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) là một mối đe dọa.
Kế hoạch làm máy bay lần đầu được Chính phủ Trung Quốc thông qua năm 2002. 5 năm sau, ARJ21 được giới thiệu với báo giới. Khi đó, giới chức tự tin rằng máy bay đầu tiên sẽ được giao hàng vào cuối năm 2009.
Dù vậy, đến tháng 11 năm ngoái, Chengdu Airlines mới nhận được máy bay từ COMAC. Hồi tháng 1, họ đã thực hiện vài chuyến bay thử nghiệm không có hành khách.
Dù chuyến bay này là cột mốc mới với COMAC, chất lượng và độ tin cậy của ARJ21 vẫn cần được chứng minh, để giành được niềm tin của khách hàng và hành khách.
Máy bay này có sức chứa 78-90 hành khách, có thể bay 2.225-3.700 km. COMAC cho biết họ đã nhận được hơn 270 đơn hàng máy bay ARJ21, chủ yếu từ khách hàng trong nước.
TIN LIÊN QUAN |
---|